|
Người nuôi cá tra đang gặp nhiều khó khăn di giá cá giảm.
|
Nhiều bất ổn
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có đến gần 40% diện tích nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL đang treo ao do người nuôi thua lỗ. Tình hình này khiến các DN rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng và đang phải nâng giá thu mua cá để bảo đảm sản xuất. Không ít DN chế biến thủy sản phải giảm công suất chế biến, giảm công nhân, hoạt động cầm chừng, thậm chí có tới 50% nhà máy chế biến trong vùng phải đóng cửa.
Trong khi đó, tình hình tiêu thụ cá tra cũng gặp nhiều khó khăn không kém, chủ yếu là do khủng hoảng tài chính ở một số nước châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ cũng như khả năng thanh khoản của các nhà nhập khẩu. Sản lượng xuất khẩu cá tra sang châu Âu trước đây chiếm tới 50-60% thì nay giảm chỉ còn 25%. Giá cá philê xuất khẩu cũng giảm từ 3,1-3,2 USD/kg xuống còn 2,5-2,6 USD/kg. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cá tra trong nước giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, ở mức 20.000 đồng/kg, có nơi chỉ còn 18.000 đồng/kg.
Tại TP.Cần Thơ, nhiều hộ có cá tới kỳ thu hoạch (1-1,2 kg/con) kêu bán mà không ai mua nên phải tìm cách bán rẻ, hoặc buộc lòng cho nợ tiền cá từ 30-60 ngày. Nguy cơ vùng nuôi cá thu hẹp tiếp tục diễn ra.
Ngoài việc gặp khó về nguyên liệu, thị trường, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản còn thêm rắc rối về phí kiểm định, theo đó, mức phí được tính theo lô hàng và tăng lên mức 300% (theo Thông tư số 04/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính). Có một nghịch lý diễn ra lâu nay là, cá tra được xếp vào danh mục sản phẩm đặc biệt của vùng ĐBSCL nhưng chưa có thương hiệu. Các DN vì cạnh tranh lẫn nhau nên đã bán cả sản phẩm theo yêu cầu thương hiệu của nhà nhập khẩu. Hệ quả của tình trạng này là các DN trong nước liên tục bị đối tác nước ngoài ép giá, chậm trả tiền, không chủ động được thị trường.
Trong khi các DN gặp khó về xuất khẩu, cạn tiền mua nguyên liệu thì người nuôi lại bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Ông Trương Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Trương Hải (thị xã Châu Đốc - An Giang) cho biết: "Với lãi suất ngân hàng như hiện nay thì DN không thể có đủ vốn để thu mua cá nguyên liệu. Đa số DN đều còn nợ cũ và không còn tài sản thế chấp để vay nợ mới. Có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn".
Lối ra cho ngành sản xuất cá tra
Lâu nay, ngành sản xuất chế biến cá tra ở ĐBSCL phát triển thiếu quy hoạch, thiếu sự liên kết giữa các chủ thể sản xuất và thành phần liên quan. Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đây là nguyên nhân chính khiến ngành này phát triển thiếu bền vững, sản lượng khi thừa khi thiếu, giá cả bấp bênh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ để giảm căng thẳng cung-cầu và gia tăng việc thu mua, chế biến, xuất khẩu. Theo đó, để giảm bớt lượng cung cá tra, ngân hàng cần tiếp tục cho nông dân vay vốn để mua thức ăn nuôi cá, tránh việc bán đổ bán tháo. Các DN kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung vốn cho ngân hàng khoảng 3.500 tỉ đồng để các DN có thể vay vốn và tăng mua cá tra quá lứa, chế biến và trữ sản phẩm cấp đông trong 4-6 tháng, đồng thời sớm có giải pháp tháo gỡ cho các DN đang gặp khó khăn về điện, giải tỏa ách tắc container hàng xuất khẩu ở các bến cảng...
Ngoài ra, các DN cũng kiến nghị tăng cường xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất cá tra xuất khẩu. Theo đó, khi tham gia chuỗi thì cơ sở nuôi được đảm bảo về mặt tài chính, được vay vốn mua thức ăn có chất lượng và giá rẻ hơn thị trường; được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế (như GlobalGAP); được ký hợp đồng tiêu thụ theo giá thị trường hoặc căn cứ từ giá sàn xuất khẩu do VASEP đưa ra.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, hiện chỉ có một số DN lớn duy trì được xuất khẩu vì có mối hàng ổn định. Do vậy, để "giải cứu" ngành sản xuất, chế biến cá tra, điều cần làm hiện nay là phải có sự can thiệp của Nhà nước trong việc hỗ trợ DN nhỏ thu mua tạm trữ, đồng thời, các DN phải mạnh dạn tạm dừng xuất khẩu sang một số thị trường có sức mua quá yếu (đơn cử như thị trường Đức, sức mua đã giảm tới 25%).
VASEP kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách thu mua tạm trữ cá tra để kéo giá thu mua lên, nếu không, người nuôi sẽ bỏ ao và tới năm 2013, chắc chắn sẽ không đủ sản lượng cá tra xuất khẩu.
"VASEP cũng đang bàn với các địa phương liên kết các hồ nuôi để có số lượng cá đủ lớn và có thể đàm phán về giá với các DN chế biến cá tra. Nếu tính toán đúng sản lượng, thực hiện tốt việc mua tạm trữ và giãn thời gian thu hoạch cá tra thì trong thời gian tới, tình hình sẽ được cải thiện", ông Hòe nói.
Ngoài một số giải pháp trên, các ngân hàng cũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế vay tín dụng "tay ba" giữa nông dân - DN - ngân hàng và được đảm bảo bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (giữa nông dân và DN). Mô hình này thực hiện theo hình thức tín chấp, tức là DN đứng ra vay hộ và đầu tư trực tiếp cho nông dân, khi kết thúc hợp đồng, DN sẽ thu mua sản phẩm và thu tiền của nông dân để trả cho ngân hàng...
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/8/35588.html