Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản khó khăn, giá liên tục sụt giảm, thì nhiều doanh nghiệp đã tìm cách đa dạng hóa thị trường XK và mở được các thị trường mới, từ đó thu lợi nhuận cao.
Thị trường mới “soán ngôi”
Nếu như trước đây, các thị trường Philipinnes, Indonesia... nhập khẩu phần lớn gạo Việt Nam thì đến nay, Trung Quốc đã “soán ngôi” trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với 1/3 lượng gạo (trên 1,5 triệu tấn) XK của VN trong quý I/2013.
|
Năm 2013, ngành cà phê sẽ chú trọng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. |
Một lãnh đạo Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, thành phố vừa xuất bán thêm 14.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay được 224.000 tấn, tăng gần 10.000 tấn so cùng kỳ năm 2012; trong đó có một số thị trường mới là Trung Quốc và châu Phi.
Doanh nghiệp XK được nhiều nhất là Công ty cổ phần Gentraco. Doanh nghiệp này sản xuất tất cả các loại gạo với lượng gạo XK hàng chục ngàn tấn/tháng. Gạo Gentraco hiện có mặt tại thị trường mới như Nga, các nước Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi... Hay Công ty Lương thực Sông Hậu từ năm 2012 đến nay đã xuất được gạo sang các thị trường mới tại châu Á, Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương với trên 150.000 tấn, chiếm 25% lượng gạo xuất của Cần Thơ.
Tương tự, chưa năm nào, XK khẩu cá tra của Việt Nam lại khó khăn như năm nay do bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam đã mở đường XK sang thị trường Ấn Độ. Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN cho biết, chỉ tính từ 1.1 đến 15.3.2013, XK cá tra Việt Nam sang Ấn Độ đã đạt 2,7 triệu USD, tăng tới 45% so với cùng kỳ năm 2012.
“Trong bối cảnh XK cá tra khó khăn thì việc đa dạng hóa thị trường và tìm được các thị trường mới là rất quan trọng để Việt Nam giữ vững kim ngạch XK. Cá tra Việt Nam có thể nói là “hàng độc” trên thế giới nên chúng tôi đang khuyến cáo các doanh nghiệp mở rộng XK sang các thị trường khác” - ông Dũng nói.
Hiện các thị trường mới khác mà ngành thủy sản Việt Nam đang nhắm đến là Trung Đông, Đông Âu (Nga, Ukraina), Bắc Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc... Ngay trong thị trường truyền thống là EU, các doanh nghiệp cũng đang hướng tới các thị trường mới trong khối này, như Anh, Đức, Pháp, Bỉ và Italia. Hiện Bỉ và Anh là 2 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam tại EU, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch XK. Việt Nam nằm trong Top 10 nhà cung cấp tôm hàng đầu của Bỉ, với sản phẩm chính là tôm nước ấm đông lạnh.
Ông Nguyễn Văn Đạo-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho biết: Chúng tôi đã dự báo trước được các khó khăn trong XK năm nay nên đã chủ động xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu nhằm tránh phụ thuộc; đồng thời áp dụng kỹ thuật mới để hạ giá thành... Nhờ đó mà 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK cá tra của doanh nghiệp đã tăng hơn 10% so cùng kỳ 2012.
Lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Nam Việt cũng cho biết, chủ trương của công ty là đa dạng hóa thị trường XK, trong đó đẩy mạnh thị trường Nam Mỹ và công ty đã thành công khi từ đầu năm đến nay kim ngạch XK tăng hơn 10%.
Theo ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), cái khó của XK nhiều mặt hàng nông sản trong 3 tháng qua chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nội lực yếu, kinh doanh thiếu bài bản. Những doanh nghiệp mạnh, đã tạo được uy tín thì vẫn tìm được các thị trường mới và được đối tác quốc tế ký hợp đồng.
Giữ thị trường mới bền vững
Khó khăn ở các thị trường truyền thống buộc doanh nghiệp phải tìm tòi, xâm nhập thị trường mới. Ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, để hàng Việt Nam XK được vào được thị trường mới, các doanh nghiệp phải thật kiên trì, bởi thị trường mới không thể có được chỉ sau 1-2 tháng xâm nhập mà phải lâu dài. Theo ông Hải, các doanh nghiệp Việt Nam với ưu thế hàng giá rẻ nên tranh thủ thời cơ, chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường mà hàng hóa Việt Nam đã bắt đầu vào được. Do người dân thắt chặt chi tiêu nên hầu hết các thị trường hiện nay đều chuyển sang nhập các loại mặt hàng cùng chủng loại nhưng thấp cấp, giá rẻ hơn.
Trưởng ban Chính sách Phát triển kinh tế nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) - ông Lưu Đức Khải cũng cho rằng, thị trường khó khăn cũng là cơ hội để các ngành nông sản XK của Việt Nam cơ cấu lại, theo hướng tăng về chất thay vì chạy theo số lượng. Đơn cử, sản phẩm có chứng nhận ASC là xu hướng tiêu dùng của người dân châu Âu mà giá xuất khẩu cũng cao hơn so với loại chưa đạt chứng chỉ này. Thị trường Ý là một ví dụ: Chuỗi hệ thống cung cấp thực phẩm cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho cá tra đạt chứng nhận ASC nếu giá tăng thêm dưới 10% so với cá tra không có chứng nhận.
Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc đạt các chứng nhận chất lượng đối với các mặt hàng nông sản được coi là một trong những “giấy thông hành” cần thiết để các doanh nghiệp XK của Việt Nam có thể vững bước vào các thị trường lớn, mới và khó tính. “Nông - thủy sản XK của Việt Nam không thể cứ mãi tăng về lượng mà cần chú trọng đến giá trị gia tăng. Hiện nay đa phần nông sản Việt Nam là xuất thô, chỉ có tỷ lệ rất thấp sản phẩm qua chế biến đạt giá trị gia tăng cao. Như vậy, dù XK có tăng lượng bao nhiêu thì chất cũng không cải thiện được” - ông Khải nói.
Ông Trần Quốc Khánh-Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các bộ ngành đang hỗ trợ các doanh nghiệp bằng nhiều cách để vượt qua khó khăn về rào cản kỹ thuật, chống trợ cấp... nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường chế biến, XK. Thuận lợi cơ bản là nhiều thị trường vẫn có nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng, trong khi Mỹ và châu Âu khó khăn; vì vậy các doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại để tăng XK vào các thị trường mới.
Bộ Công Thương cũng cho biết, năm 2013 sẽ tập trung vào củng cố chất lượng và tăng giá trị nông sản XK. “Vấn đề của chúng ta là siết chặt quản lý đầu vào - đầu ra, đồng thời các doanh nghiệp liên kết với nhau cùng thống nhất về giá bán, chất lượng, chủng loại... thì XK nông sản Việt Nam sẽ tránh được tình trạng bị nước ngoài ép giá và đứng vững không chỉ ở các thị trường truyền thống mà cả các thị trường mới mở” - ông Khánh cho biết.
Rau quả Việt có mặt ở trên 50 nước
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2012 là 829 triệu USD và dự kiến năm 2013 đạt từ 950 triệu đến 1 tỷ USD. Chỉ tính riêng quý I/2013 đã đạt 187 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2012 tăng 9,7% (170 triệu USD). Theo thống kê chưa đầy đủ, các mặt hàng xuất khẩu rau quả của Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 50 nước, trong đó phải kể tới 10 thị trường chính xếp theo thứ tự là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Singapore... Doanh nghiệp cũng quen dần tập quán mua bán hàng hoá của các thị trường chính (EU, Mỹ). Sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn, mới lạ hơn với những sản phẩm mới như gấc đông lạnh, puree vải, hỗn hợp quả trong nước chanh dây, puree thanh long...
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam: Chú trọng sản xuất sản phẩm sạch
Năm 2013, ngành cà phê sẽ chú trọng XK các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khuyến khích nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ gắn sản xuất có trách nhiệm với môi trường, xã hội vì dự báo các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng sau này sẽ chuộng mua sản phẩm sạch. Giá cà phê sạch cao hơn so với cà phê thường từ 40-50 USD/tấn. Đối với khâu chế biến, nếu doanh nghiệp có lực thì đầu tư công nghệ rang xay chế biến sâu sản phẩm để đạt giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp nào không đủ sức có thể nâng cấp công nghệ chế biến cà phê nhân như đánh bóng theo yêu cầu khách hàng, góp phần tăng giá bán, tăng sức cạnh tranh và nâng giá trị XK.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam: Phân chia lại thị trường lớn
Hiện mặt hàng điều đã có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, Việt Nam đang phân chia lại một số thị trường lớn có giá tốt như Nhật Bản, các nước ASEAN, Trung Đông... Trong năm 2012 trở lại đây, hạt điều đã tìm kiếm được thêm các thị trường mới như Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) và Ấn Độ. Bất ngờ nhất là thị trường Ấn Độ, trước đây là nước chế biến và xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới thì hiện tại lại là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Ông Trần Đức Tụng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam: Hồ tiêu Việt Nam có mặt ở hầu hết các nước
Hồ tiêu là mặt hàng gia vị, với sản lượng của Việt Nam chiếm khoản 1/3 sản lượng của thế giới, trong đó sản lượng xuất khẩu chiếm gần 50% toàn cầu nên sản phẩm hồ tiêu của nước ta đã có mặt ở các thị trường chính như châu Phi, châu Á, châu Âu và hầu như ở khắp các nước trên thế giới. Năm 2012, xuất khẩu hồ tiêu đạt 118.000 tấn, riêng 3 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu khoảng 39.000 tấn.
Ông Vũ Đình Bát - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu vải Thanh Hà (Hải Dương): Tìm thị trường cao cấp
Từ trước tới nay, mặt hàng vải tươi, vải sấy xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc là chính. Tuy nhiên, những năm gần đây, Hiệp hội chúng tôi đang đẩy mạnh việc đưa sản phẩm sang giới thiệu tại những thị trường cao cấp như Canada, Đức, Nga, các nước Đông Âu, Hàn Quốc... Lượng hàng đưa đi giới thiệu trong năm 2012 chỉ ở mức nhỏ, khoảng 5 tấn, nhưng bước đầu đã có doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm vải thiều Thanh Hà để đặt hàng.
|
Theo Dân Việt