Cao su vẫn là cây trồng chủ lực

11/07/2014

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc ­đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế, trong đó có ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu cao su.

Để có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề này cũng như giải pháp của ngành trong tình hình mới, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Ông có thể nói đôi nét về hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG hiện nay?

Hiện tại, nền kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự khởi sắc, thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên trì trệ, sụt giảm mạnh so với đỉnh điểm năm 2011, lượng cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn trầm lắng dẫn đến lượng tồn kho tăng, tạo áp lực giảm giá từ đầu năm đến nay.

 



Mặc dù khó khăn chung tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành cao su nhưng VRG vẫn luôn vững vàng trên mọi thế trận. Tính đến thời điểm giữa năm 2014, VRG đang quản lý trên 400.000ha cao su, trong đó, Campuchia có 75.000ha, Lào 27.000ha, diện tích còn lại thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây Bắc. Lực lượng lao động lên đến 30.000 người, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng 6 tháng đầu năm, chúng tôi khai thác được 59.874 tấn mủ cao su, đạt 23,1% kế hoạch năm; sản lượng mủ cao su thu mua đạt 13.028 tấn, bằng 19,1% kế hoạch năm; chế biến 75.308 tấn, bằng 22,2% kế hoạch năm 2014; sản lượng cao su đã tiêu thụ tính đến cuối tháng 6 đạt 81.810 tấn, doanh thu 3.728 tỷ đồng. Giá bán bình quân ước đạt 45,5 triệu đồng/tấn, bằng 75,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ sản phẩm cao su. Lãnh đạo tập đoàn có tiên lượng được vấn đề này trước không, thưa ông?

Ngay từ đầu năm 2014, Tập đoàn đã nhận định, thị trường tiêu thụ cao su sẽ không thuận lợi nên chúng tôi chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến của thị trường từng ngày, từng giờ. Theo đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tăng cường ký kết các hợp đồng dài hạn với khách hàng truyền thống; tích cực tìm kiếm khách hàng mới để sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó; linh hoạt xây dựng nhiều phương án sản xuất kinh doanh để có giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thị trường. Tập đoàn cũng giao các đơn vị tập trung xây dựng chất lượng, thương hiệu sản phẩm theo quy trình quản lý và quốc tế hóa để sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, VRG đã cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam triển khai xây dựng đề án quản lý chất lượng cao su thiên nhiên phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với tình hình thực tế như hiện nay, liệu ngành cao su đã cận kề với khủng hoảng?

Như tôi đã nói, giá mủ cao su trên thị trường quốc tế mà chúng tôi bán ra vẫn giữ được mức trên 45,5 triệu đồng/tấn thì chưa thể gọi là lỗ. Sang tháng 7 này, dù giá mủ có tụt xuống 38-40 triệu đồng/tấn thì chúng tôi vẫn lãi 5 triệu đồng/tấn. Nếu trường hợp giá tụt giảm xuống mức thấp hơn nữa, chúng tôi đã có phương án đối phó bằng cách bình ổn giá nội bộ cho người lao động đến khi giá cao su ổn định thì tiếp tục xuất bán.

Ngoài phát triển cây cao su, chúng tôi còn tổ chức phát triển nhiều mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển chăn nuôi trang trại, trồng rừng nguyên liệu, khai thác, chế biến các vườn cao su thanh lý để chế biến gỗ cao su thành các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất dụng cụ thể thao... Dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế nhưng VRG vẫn trích ra một khoản ngân sách để làm từ thiện, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cho các vùng dự án. 

Thời gian qua, giá mủ cao su tụt dốc không phanh đã khiến người trồng cao su khá hoang mang, ở không ít địa phương nông dân đã đốn hạ cao su để trồng sắn. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Để chứng minh cho tư duy thiếu cẩn trọng nói trên, xin được dẫn chứng con số mà chúng tôi thực hiện trong bối cảnh này như sau: Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2014, VRG đã xuất khẩu được trên 43.000 tấn cao su và tiêu thụ ở thị trường trong nước 39.767 tấn. Mặc dù điều kiện kinh tế toàn cầu ảm đạm, nguồn cung dồi dào, nhu cầu quốc tế yếu, dẫn đến tồn kho các sản phẩm từ mủ cao su chế biến ở mức cao, giá xuống thấp nhưng VRG vẫn luôn trong tư thế chủ động. Cho đến thời điểm này, diện tích cao su trồng mới đạt 21.000ha, tái canh 15.000ha và phấn đấu đến hết năm 2014 đạt trên 40.000ha. Với hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu và tiêu thụ như trên, phải tiếp tục khẳng định rằng, cao su vẫn là cây trồng chủ lực. 

Xin cảm ơn ông!

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác