Hãy đặt nông dân ở vị trí trung tâm

08/07/2014

Trong tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm nguồn lực chính cho sự phát triển kinh tế, đồng thời coi phát triển nông nghiệp bền vững là mục tiêu chiến lược. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được sự tăng trưởng ổn định và giá trị cao, cần đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp.

Nông nghiệp luôn thiệt thòi
Có một thực trạng đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam, đó là trong tất cả các ngành thì nông nghiệp luôn chịu thiệt thòi nhất; trong tất cả các mối liên kết, nông dân luôn thua kém nhất, mặc dù nông nghiệp đóng góp 18% GDP, thu hút 47% lực lượng lao động nhưng ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành còn khiêm tốn, số doanh nghiệp tham gia chiếm chưa đầy 1%, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng giảm (chỉ chiếm 0,6% trong năm 2013).
Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cắt nghĩa: “Tại sao sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế? Đó là do sự quy hoạch, định hướng chiến lược cho các sản phẩm ưu tiên còn hạn chế, chưa rõ ràng. Nông dân Việt Nam có tâm lý làm tất ăn cả từ khi mua giống đến lúc bán sản phẩm nên tính liên kết chưa cao”.
Để có rau bán quanh năm, nông dân Đơn Dương (Lâm Đồng) canh tác trong nhà kính. 
 
Còn ông Nguyễn Xuân Định, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), phân trần: Tại sao nông dân ái ngại các mối liên kết? Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng nhưng trong những năm gần đây bà con chỉ tham gia khi nhìn thấy trực tiếp cái lợi.
“Chúng tôi đã nghiên cứu mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, khi phân tích các hợp đồng hầu như nông dân không có lợi mấy. Ngoài liên kết doanh nghiệp và nông dân thì mối liên kết giữa nông dân với nông dân theo tôi cũng vô cùng quan trọng”, ông Định nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: Một số người từng cổ vũ cho việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho mối liên kết ba nhà, bốn nhà nhưng theo tôi bây giờ nông dân phải là trung tâm. Khi tôi hỏi cụ thể người nông dân được gì? Ai là người dẫn dắt chuỗi giá trị? Ai là người tạo ra giá trị công bằng? Các diễn giả hiểu rõ câu hỏi nhưng đều lảng tránh, không trả lời.
“Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta đặt người nông dân vào trung tâm theo đúng nghĩa thì mới có thể bàn đến việc chia lại chuỗi giá trị đó có hợp lý cho họ hay không. Ví dụ về việc nuôi cá tra, người nông dân chịu rủi ro đến 70-80% trong khi họ được chia lợi có 20%... Trong chuỗi giá trị ai cũng có lợi ích nhưng lợi ích theo tôi phải được chia đồng đều”, ông Đông nói.
Tăng hàm lượng khoa học công nghệ
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết có sự tham gia của doanh nghiệp sẽ là động lực mới để nông nghiệp nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Đơn cử như tại Philippines, người nông dân đã tăng 60% sản lượng ngô thông qua sử dụng hạt giống chất lượng hơn cùng với áp dụng cách thức quản lý cây trồng tốt hơn. Nông dân sản xuất lúa gạo đã tăng từ 5-15% sản lượng sau khi tham gia vào chương trình quản lý cây trồng tổng hợp quốc gia. Tại Ấn Độ, nông dân đã tăng gấp đôi sản lượng bông trong vòng một thập kỷ nhờ sử dụng hạt giống, công nghệ cùng với kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn. Tại Trung Quốc, nông dân đã tăng sản lượng bông lên 24% trong vòng 3 năm nhờ sử dụng các sản phẩm đầu vào nông nghiệp chất lượng hơn…
Ở Việt Nam, muốn thay đổi, chúng ta cần tập trung đổi mới không chỉ ở giống cây trồng mà còn cần đến gói giải pháp tổng thể bao gồm giống, canh tác, chuyển giao khoa học công nghệ, cải thiện thu hoạch và sau thu hoạch.
Các giống cây trồng tốt hơn song hành với công nghệ sinh học hay còn được biết đến là công nghệ biến đổi gen đã chứng minh hiệu quả trong việc tăng năng suất và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, từ đó cải thiện đời sống người nông dân…
Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) 
Ông Dương Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, hiện nay, ngân sách nhà nước cho nông nghiệp còn rất khiêm tốn trong khi các nguồn hỗ trợ từ khu vực tư nhân và cá nhân còn thấp. Trong bối cảnh như vậy, mô hình PPP có thể đóng vai trò quan trọng, vì nó giúp sử dụng các nguồn lực từ khoa học công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia. Tuy vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp, hầu hết các mô hình đang triển khai ở Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, do đó, cần có cách tiếp cận chiến lược về các cách thức thu hút đầu tư, trong đó có hình thức PPP trong nông nghiệp. 
Đáng lưu ý, sự tham gia của Chính phủ (cả Trung ương và địa phương) còn hạn chế, chủ yếu mới thông qua lực lượng khuyến nông và sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh; chưa có sự ràng buộc giữa các bên bằng một hợp đồng dự án.
Nhìn chung, cơ chế hoạt động của các mô hình vẫn ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, việc rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình này cần phải có thời gian và chính sách đặc thù, riêng biệt. Trong khi chưa có luật, nhà nước nên xây dựng khung hành lang pháp lý, để các bên tham gia biết cần phải làm gì và có trách nhiệm gì khi hợp tác. Trong đó, cần đảm bảo chuyển dịch dần vai trò của Nhà nước từ người trực tiếp cung cấp dịch vụ công sang người xây dựng khung pháp lý, chính sách, hỗ trợ, điều phối và giám sát việc thực hiện; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và hiệu quả của vốn đầu tư công.
Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất quan tâm đến mô hình PPP nông nghiệp. Ông Jesus Madrazo, Phó chủ tịch Tập đoàn Monsanto, một trong những doanh nghiệp tham gia mô hình PPP tại Việt Nam, cho biết, hiện công ty này đã đầu tư 1 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển hạt giống để phát triển những loại giống phù hợp với các địa phương ở Việt Nam. Chất lượng hạt giống tốt cộng với các mối liên kết thị trường đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long kiếm được hơn 1 triệu USD tiền lãi và tiết kiệm được 80% thời gian, chi phí, lao động.
“Nông nghiệp là cơ hội của Việt Nam và cũng là cơ hội của các nhà đầu tư. Chúng tôi cam kết mở rộng sự hợp tác phù hợp với các mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT”, Phó chủ tịch Monsanto cam kết.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác