Đây là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (15/8).
Dư nợ tín dụng bằng GDP ngành nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, Nghị định 41 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn ra đời và đi vào cuộc sống 3 năm qua đã góp phần quan trọng vào những thành tựu đầy ý nghĩa của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. “Đây thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn hiện nay trong sản xuất”, ông Tám nói.
Gần 10 năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, hàng năm tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trung bình khoảng 20%.
Đặc biệt kể từ sau khi Nghị định 41 ra đời, dòng vốn tín dụng càng được hướng mạnh về khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn luôn là đối tượng ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
|
Tín dụng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn
|
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, bắt đầu khi có Nghị định 41 thì tín dụng cho nông nghiệp là 292.000 tỷ đồng, cho đến giờ, sau 3 năm là 622.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần. “Vốn tín dụng này chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%, tương ứng với mức đóng góp cho GDP cả nước của ngành nông nghiệp”, ông Mạnh nói.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, nhờ đồng vốn tín dụng, qua suy thoái tài chính toàn cầu từ 2008 đến nay, nông nghiệp luôn là cứu cánh, giúp ổn định xã hội, đời sống bà con cũng tăng lên, đây là điểm rất rõ nét.
“Tôi cho rằng, Nghị định 41 có tác động tích cực. Nhiều lần, tôi cùng các đoàn đi vào các tỉnh ĐBSCL thì thấy rằng, đúng là đồng vốn ngân hàng đã có tác động rất lớn đối với nông dân, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản”, ông Tám nhấn mạnh.
Trước năm 2010, tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo chỉ là 10 triệu trở xuống đối với nông dân, đối với trang trại là 50 triệu đồng, HTX là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 41, nông dân đã được nâng mức vay không tài sản đảm bảo từ 10 lên 50 triệu đồng, đối với trang trại là 50 lên 200 triệu đồng, HTX từ 100 lên 500 triệu đồng, giải quyết lượng vốn lớn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng.
“Đối với Agribank thì ngay cái tên đã nói rõ mục tiêu của chúng tôi là phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, chúng tôi tập trung đưa hoạt động của mình theo hướng đó. Hiện nay, tổng dư nợ của Agribank khoảng 560.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 70% dư nợ được đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chất lượng tín dụng cho vay cũng được đảm bảo, nợ xấu trong lĩnh vực này luôn dưới 3%.Về kinh nghiệm thành công khi hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, hiện chúng tôi có 2.000 chi nhánh, phòng giao dịch, phòng giao dịch liên xã. Trong tổng 40.000 cán bộ có 30%, tương đương khoảng 12.000 cán bộ, làm tín dụng”, ông Nguyễn Tiến Đông.
|
Nông dân vẫn khó tiếp cận vốn vay
Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, tuy chính sách đã cởi mở, song nông dân vẫn khó tiếp cận vốn vay. 3 năm nay, tín dụng dành cho nông dân thông qua Hội mới chỉ đạt 13.000 tỷ đồng, trong khi hộ nông dân trong cả nước là 14 triệu hộ, như vậy chưa đến 4% số hộ nông dân được vay vốn, trong khi bình thường khoảng 50% hoặc hơn có nhu cầu vay vốn.
Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm, thực tế hiện nay, không chỉ nông dân, DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất cần hỗ trợ về tín dụng. “Tiếc rằng đa số DN trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta chưa đủ khả năng, tận dụng cơ hội của thị trường để tổ chức liên kết, đồng hành với nông dân sản xuất. Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay ngoài vấn đề vốn, kỹ thuật, thì vấn đề kinh doanh sản phẩm, bán hàng là rất quan trọng”, ông Tám phân tích.
Lý giải điều này, Phó TGĐ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam Nguyễn Tiến Đông cho hay, chính sách tín dụng thông thường nhất quán và luôn có nguyên tắc nhất định trong thu hồi vốn.
“Thời gian vừa qua, chúng ta cứ SX theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết. Nếu có 1 ngành tốt thì chúng ta đổ xô vào, thị trường cần 10 lại sản xuất 15 dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, không bán được hàng là có nợ xấu. Vì vậy, để có chính sách tín dụng thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng SX cụ thể, có sự liên kết thì khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp cho vay”, ông Đông đề xuất.
Theo Nông nghiệp Việt Nam