Bộ trưởng Cao Đức Phát: Điều chỉnh chuỗi sản xuất để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân

02/07/2013

Sáu tháng đầu năm nay, toàn ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, nâng cao đời sống dân cư nông thôn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang tiếp tục có xu hướng giảm, cho thấy ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức.

Sản xuất lúa gạo đi xuống?
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đến nay cả nước đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ đông xuân và đang tiến hành xuống giống các loại cây trồng vụ hè thu. Ước tính, tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3,139 triệu hecta, tăng 15.000ha so với cùng kỳ năm ngoái, song đáng chú ý là sản lượng chỉ đạt 20,3 triệu tấn, tương đương với sản lượng của vụ đông xuân năm trước.
Trong đó, các tỉnh phía Bắc gieo cấy 1,156 triệu hecta, sản lượng ước đạt trên 7,2 triệu tấn (tương đương vụ đông xuân trước), năng suất trung bình đạt 62,4 tạ/ha. Thái Bình không hổ danh là "quê hương 5 tấn" khi dẫn đầu miền Bắc với năng suất đạt 71,6 tạ/ha. Tại phía Nam, các tỉnh gieo cấy 1,982,3 triệu hecta, tăng 15.000ha, năng suất bình quân 65,9 tạ/ha, sản lượng 13,1 triệu tấn và mức này cũng chỉ tương đương cùng kỳ năm 2011. Chỉ có vùng ĐBSCL là sản lượng tăng hơn vụ trước khoảng 332.000 tấn.
Càphê là mặt hàng đáng thất vọng nhất khi giảm tới 24,2% về lượng và 22,4% về giá.
 
Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, mặc dù công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, song tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu chất lượng kém, giả, độc hại vẫn được lưu hành và sử dụng tràn lan, làm ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và ô nhiễm môi trường đất, nước. Ngoài ra, những yếu tố hạn chế từ công tác phòng trừ sâu hại, các yếu tố bất lợi của thời tiết hay những tồn tại về khâu giống cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của ngành trồng trọt trong 6 tháng qua.
Có thể thấy, diện tích trồng lúa tăng nhưng năng suất vẫn giữ nguyên cũng đồng nghĩa với việc ngành sản xuất lúa của Việt Nam đang đứng trước sức ỳ rất lớn, trong đó hạn chế lớn nhất chính là khâu ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ ra rằng, rõ ràng giờ đây chúng ta không thể tiếp tục chạy theo số lượng được nữa, mà phải quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. 
"Tại sao 10 năm rồi mà chúng ta vẫn không khắc phục được tình trạng nông dân sử dụng giống lúa chất lượng thấp trên diện rộng? Như năm nay, vụ hè thu đang có tới 50 - 60% nông dân vẫn sử dụng giống IR50404, đơn cử như ở Đồng Tháp. Tôi cho rằng đây không phải là lựa chọn của bản thân nông dân, mà là trách nhiệm của các viện, trường, cục, vụ… trong việc nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa chất lượng cao, thích ứng tốt với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ; yêu cầu Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phải làm quyết liệt cơ cấu giống lúa", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Phát, ông Trịnh Khắc Quang, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Viện sẽ rà soát các giống lúa có triển vọng để sản xuất thử trên diện rộng. Hiện, có 15 giống lúa chịu hạn đã và đang khảo nghiệm; 3 giống đã được sản xuất thử, trong đó có 1 giống lúa thơm.
Trong khâu tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo, nhất là đối với kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo lúa hè thu (tương đương 2 triệu tấn lúa), giới chuyên gia cho rằng, kế hoạch này có tác động tới giá lúa nhưng tăng không đáng kể, giá vẫn thấp hơn vụ trước từ 600 - 1.000 đồng/kg. Đến nay, kế hoạch tạm trữ đã triển khai được gần 2 tuần, nhưng tính đến cuối ngày 24/6, các DN thuộc VFA cho biết mới mua được 70.000 tấn gạo. Tiến độ thu mua tạm trữ trong những ngày qua cực kỳ chậm do tác động của thời tiết, nhiều diện tích lúa vừa thu hoạch thì gặp mưa dầm, khiến hệ thống lò sấy bị quá tải.
Thực tế cho thấy, kế hoạch mua tạm trữ vẫn không thể giúp nông dân có lãi tối thiểu 30% như Chính phủ đề ra. Và trong khoảng 3 năm qua, giá lúa gạo luôn có chiều hướng sụt giảm trong thời gian dài hoặc lên xuống bấp bênh. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL từng nói rằng, năm nào cũng mua tạm trữ gạo, nhưng hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm về việc có lợi ích nhóm. 
Đáng nói là, hiện nay, việc xuất khẩu lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng sản lượng lúa năm 2013 dự kiến khoảng 43,49 triệu tấn, trừ tiêu thụ nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn (chưa kể tồn kho năm 2012 chuyển sang khoảng 1,85 triệu tấn). Như vậy, lượng gạo cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm khoảng 3,57 triệu tấn. Với tình hình này, nhiều người đang đặt câu hỏi, có nên tiếp tục sản xuất lúa vụ 3 (vụ thu đông), và sản xuất ở mức bao nhiêu thì vừa.
Hiện tại, dù khó khăn đang chồng chất nhưng nông dân một số nơi đã bắt đầu xuống giống lúa vụ 3 (các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống được 66.800ha). Về điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: "Chúng ta không thể bảo nông dân sản xuất ít đi, vì hàng năm, thị trường thế giới cần tới 39 - 40 triệu tấn gạo. Nếu chúng ta sản xuất ít đi thì sẽ có nước khác nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. Do đó, giải pháp tốt nhất là VFA cũng như các DN xuất khẩu lúa gạo phải tích cực tìm kiếm thị trường, mở rộng và chiếm lĩnh các thị trường bằng thương hiệu và chất lượng sản phẩm". 
Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh và phân phối lại lợi ích giữa nông dân - DN trong chuỗi sản xuất lúa gạo để đảm bảo lợi nhuận cho bà con.
Nhiều ngành cũng khó 
Không chỉ sản xuất lúa gạo gặp khó khăn mà nhiều ngành khác cũng đang hết sức chật vật. Đơn cử như với ngành thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng suốt 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu liên tục giảm mạnh, phải đến tháng 5, giá mới tăng trở lại (+8,9%) nên về cơ bản đã bù được những tháng đầu năm. Tính chung 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,88 tỷ USD, tương đương cùng kỳ. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, thị trường thu hẹp và các rào cản thuế quan, nhiều DN đã ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất… Ngoài ra, do thị trường tiêu thụ chậm, giá thấp nên việc phát triển sản xuất gặp trở ngại lớn, làm giảm thu nhập của nông dân. 
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới đã giữ xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành. Đến đầu tháng 6, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính (gạo, càphê, cao su, chè, sắn) đều giảm cả về giá và khối lượng, trong đó càphê là mặt hàng đáng thất vọng nhất khi giảm tới 24,2% về lượng và 22,4% về giá; tiếp đến là sắn và các sản phẩm sắn, tương đương 19,4% và 15%; cao su là 5% và 20%; gạo 7% và 10%. 
Trong 6 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 13,53 tỉ USD, (giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 7,59 tỷ USD (giảm 10,5%), lâm sản chính ước đạt 2,31 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2012. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,7 tỷ USD, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Trước tình hình tiêu thụ và giá nông, thủy sản đang gặp khó khăn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất tiến hành điều chỉnh, rà soát giảm khoảng 200.000ha lúa vụ thu đông ở các tỉnh ĐBSCL và vụ mùa ở miền Bắc để chuyển sang cây trồng khác (ngô, đỗ tương) nhằm phát triển nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc chuyển đổi cây trồng thay thế cũng cần phải nghiên cứu kỹ về nhu cầu thị trường để có phương án sản xuất hiệu quả. 
Bên cạnh đó, ở các tỉnh phía Bắc, có thể tiếp tục mở rộng diện tích lúa mùa sớm, tăng cường sử dụng các giống lúa ngắn ngày, tích cực chăm sóc, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời; tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thu hút DN mua lúa với giá tốt cho nông dân để thúc đẩy sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân trong việc khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, xây dựng gia cố bờ bao, trạm bơm… để giảm thiệt hại và giảm chi phí sản xuất; tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ kịp thời và hiệu quả nông sản hàng hóa. 
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh thêm: Thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành, đây cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Theo đó, sẽ tập trung vào những ngành cho giá trị kinh tế cao; điều chỉnh cơ cấu đầu tư, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh và phân phối lại lợi ích giữa nông dân - DN trong chuỗi sản xuất lúa gạo để đảm bảo lợi nhuận cho bà con.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác