Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2012 - 2013, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng được khoảng 48.000ha mía, sản lượng ước đạt 3,2 triệu tấn. Tuy nhiên gần đây, do giá mía xuống thấp, nhiều nông dân thua lỗ phải chuyển sang trồng các loại cây khác dẫn đến diện tích mía nguyên liệu ngày càng giảm.
Vị ngọt cây mía khó qua
Niên vụ mía 2012 - 2013, tỉnh Trà Vinh có khoảng 6.500ha mía; riêng vùng mía nguyên liệu của huyện Trà Cú đạt trên 5.075ha. Ngay từ đầu vụ, mía cây được Công ty Mía đường Trà Vinh mua vào với giá 1.060 đồng/kg (mía đạt 10 chữ đường) nhưng đến cuối tháng 4/2013, giá mía cây giảm xuống còn 960 đồng/kg. Trong khi giá mía nguyên liệu giảm thì giá nhân công lại tăng 30 - 35%, vật tư nông nghiệp tăng 10 - 15%.
Ông Thạch Sol ở ấp Bảy Xào, xã Kim Sơn (Trà Cú) cho biết: "Với giá mía như năm nay, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân chỉ còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha. Nếu đem chia cho thời gian 10 tháng/vụ, người trồng mía chỉ thu chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng, so với các cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế từ mía là thấp nhất".
Tương tự, những năm qua, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) chưa bao giờ được nếm "vị ngọt" thật sự. Với diện tích 1ha đất trồng mía, niên vụ 2012 - 2013, gia đình anh Nguyễn Hoàng Sơn ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân (Cù Lao Dung) thu được gần 100 tấn mía cây, giá bán 980 đồng/kg (10 CCS), trừ chi phí còn lãi 21 triệu đồng/ha. Anh Sơn nói: "Nếu năng suất mía khoảng 90-100 tấn/ha và đạt 8,0CCS là coi như lỗ. Chúng tôi rất mong Nhà nước và ngành chức năng sớm có các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía".
Cần có chính sách hỗ trợ người trồng mía
Để duy trì diện tích vùng mía nguyên liệu ổn định, đồng thời kết hợp hài hòa lợi ích giữa người trồng mía và nhà máy, đã đến lúc cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người trồng mía như đối với các cây trồng khác.
Nhằm đảm bảo ổn định diện tích vùng mía nguyên liệu, niên vụ 2013 - 2014 và trở về sau, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) sẽ ký hợp đồng bao tiêu cho người trồng mía trong và ngoài tỉnh với diện tích khoảng 12.991ha, tương đương sản lượng 1,2 triệu tấn mía. Riêng tại Hậu Giang, Casuco ký hợp đồng 7.513ha, sản lượng 750.000 tấn. Đến thời điểm này, bộ phận khuyến nông của Casuco đã ký biên bản hợp đồng với các địa phương và thông báo đến người dân về giá mía bao tiêu, thống kê sản lượng thu hoạch từng thời điểm để cân đối cho phù hợp khi nhà máy hoạt động.
Kiên Giang cũng sẽ ký hợp đồng bao tiêu 1.229ha mía với sản lượng khoảng 81.000 tấn; Sóc Trăng 3.850ha, sản lượng 385.000 tấn; Trà Vinh 400ha, sản lượng 40.000 tấn... Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh: "Công ty xin tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để hỗ trợ cho nông dân; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống mía mới, giúp người trồng mía nâng cao năng suất và chữ đường. Công ty sẽ từng bước xây dựng "lý lịch rẫy mía" trong vùng bao tiêu để có hướng quản lý về thời gian thu hoạch, chu kỳ sinh trưởng của mía, đầu tư giống, thuốc BVTV và phân bón, từ đó hạn chế tình trạng chất lượng mía giảm do thu hoạch đồng loạt, thời gian mía bị giữ lâu tại bàn cân của nhà máy".
Theo Kinh tế nông thôn