Chính sách phải đi trước một bước

07/05/2013

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, mặc dù tín dụng cho tam nông tăng trưởng tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân khu vực nông thôn. Điều đó cho thấy, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi hơn nữa về vốn, hạ tầng để hệ thống ngân hàng có thể phát triển các chi nhánh đến vùng sâu, vùng xa.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, sở dĩ việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa xứng tầm là do vẫn còn tồn tại một khoảng cách giữa chính sách và thực tế.
Theo ông Ngân, mặc dù đóng góp cho GDP khoảng 20%, tạo ra nguồn cung lương thực, thực phẩm giá rẻ để hỗ trợ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam còn khá thấp. Cách đây 10 năm, con số này là khoảng 13,85%, nhưng chỉ còn 6,45% vào năm 2010, còn năm 2011 và 2012 chỉ khoảng hơn 6%.
Mặc dù trong giai đoạn 2009 - 2011, số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn 286.212 tỷ đồng, chiếm đến 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cho tam nông, nhưng vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế.
Theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006 - 2011, nguồn lực và phân bổ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn mới đáp ứng được 55 - 60% nhu cầu.
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ khoảng 2% trong tổng số vốn đầu tư hàng năm so với nguồn lợi nhuận thu được là quá nhỏ. Lẽ ra, Nhà nước phải ưu tiên hơn nữa về khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới, giống mới thì sẽ giúp cho lĩnh vực gắn với 70% dân số phát triển tốt hơn.
Nhưng ngoài đầu tư công thì tam nông còn nhận sự hỗ trợ từ tín dụng các NHTM, thưa ông?
Thực ra, tín dụng ngân hàng cũng có chuyển dịch sang lĩnh vực này, rõ nét nhất là từ năm 2011. Tính đến hết năm 2012, tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế chỉ đạt khoảng 8,9%, thấp hơn nhiều so các năm trước đó, nhưng riêng tín dụng cho tam nông vẫn tăng trưởng tốt, khoảng 39,3% tổng dư nợ, tăng 9,8% so với năm 2011, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân khu vực nông thôn.
Điều đó cho thấy, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi hơn nữa về vốn, hạ tầng để hệ thống ngân hàng có thể phát triển các chi nhánh đến vùng sâu, vùng xa.
Vậy theo ông, cơ chế ưu đãi ở đây là gì?
Chẳng hạn cơ chế ưu đãi về đất đai để các DN, nhà đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân thường ở các vùng ven đô, thậm chí vùng sâu, vùng xa, không thuận tiện cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mà phải có hạ tầng, có ưu đãi thì các ngân hàng mới tăng cường đầu tư vốn. Và cũng cần chính sách ưu đãi cho chính các TCTD “chịu khó” đầu tư cho khu vực này. Tóm lại, cơ chế, chính sách phải đi trước một bước.
Nói như vậy nếu chúng ta chỉ hô hào không thì chưa đủ?
Ngoài hạ tầng, cơ chế chính sách, phải có sự đóng góp của khoa học kỹ thuật, giúp tăng năng suất, chất lượng để sản phẩm nông nghiệp của mình làm sao ra nước ngoài có giá trị cao. Chẳng hạn xuất khẩu gạo mình đứng thứ nhất, nhưng giá vẫn đứng sau. Như vậy, giá cả do chất lượng sản phẩm.
Lĩnh vực tam nông hiện nay có vai trò rất quan trọng, không chỉ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an ninh lương thực, mà còn xuất khẩu… Nhưng năng suất lao động trong nông nghiệp thấp, nên người nông dân vẫn nghèo. Do đó, Nhà nước phải tăng cường đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực này.
Theo ông làm thế nào để nâng cao hiệu quả đầu tư cho tam nông?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ lực để đánh giá việc đầu tư này. Nhưng phải xem xét từ gốc. Ví dụ, nguồn vốn đầu tư cho dự án, hay khu vực này từ đâu. Nếu là nguồn vốn đầu tư từ NSNN thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đánh giá. Còn nếu là vốn tín dụng thì phải do ngành Ngân hàng đánh giá để có những điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo ngân hàng

Tin khác