Giá phân bón bị thao túng?

07/05/2013

Trong Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng phân bón tại Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Cần Thơ, một số chuyên gia cho rằng, giá các loại phân bón trong nước hiện nay, nhất là phân đạm, đang bị thao túng bởi các nhà sản xuất lớn.

Quy định hình thức và không hiệu quả 
Theo bà Lê Thị Phi Vân, Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), mặc dù hiện nay, theo các quy định tại Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì DN có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước phải đăng ký giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không có DN nào áp dụng đăng ký hay kê khai giá. Các DN vẫn điều chỉnh giá thường xuyên, bất kể Nhà nước có đồng ý hay không. 
 
Chẳng hạn, thời điểm đầu năm 2007 đến tháng 9/2008, giá phân bón các loại tăng liên tục từ 250-300%, thậm chí có loại tới 1.000% (SA). Phân đạm urê Hà Bắc trong 9 tháng đầu năm 2008 thay đổi giá tới 8 lần, urê Phú Mỹ tới 11 lần. Tỷ lệ tăng các loại phân bón trong nước cũng tới mức 151% (phân NPK 16.16.8) hoặc 117% với phân lân. 
Gần đây nhất, từ tháng 11/2012 đến nay, mặc dù lượng tồn kho trong nước khá nhiều và giá phân bón NPK hầu như không tăng thì ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ, giá phân bón vẫn được điều chỉnh tăng liên tục, nhất là đối với phân urê. Ghi nhận của Công ty Phân bón Nam Sơn (quận 7-TP.Hồ Chí Minh) thấy, thời điểm 17/1/2013, giá phân urê Phú Mỹ ở mức 8.800-9.000 đồng/kg, đến thời điểm 12/3/2013 tăng lên 9.300-9.500 đồng/kg. Hiện nay, khi các tỉnh ĐBSCL bắt đầu vào vụ lúa hè thu thì hầu hết các đại lý phân bón đều đang xuất bán phân urê Phú Mỹ với giá 10.450 - 10.500 đồng/kg. 
Theo bà Vân, việc công khai niêm yết giá và áp dụng chính sách một giá nếu tính cụ thể thì cũng không mang lại hiệu quả có lợi cho nông dân. Vì thực tế phân bón được phân phối thế nào là do các nhà máy quyết định. Khi thị trường ít biến động, nguồn cung phân bón đến các đại lý dồi dào. Khi thị trường có biến động, các nhà máy hoàn toàn có thể hạn chế cung cấp hàng đến đại lý gây khan hiếm giả tạo để đẩy giá lên.
Các “ông lớn” độc quyền
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng giá phân bón biến động bất thường là do hệ thống phân phối sản phẩm hiện vẫn phát triển tự phát, với mô hình nhiều tầng nấc, bao gồm hệ thống phân phối của nhà sản xuất, hệ thống phân phối của nhà tiêu thụ kinh doanh từ đại lý cấp 1 đến đại lý cấp 2, 3 và vô vàn các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. 
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thịnh, chuyên gia ngành phân bón của IPSARD thì việc đổ lỗi cho mạng lưới phân phối là chưa thoả đáng. Kết quả khảo sát của IPSARD thấy, vai trò quyết định giá cả phân bón ở Việt Nam nằm trong tay các nhà sản xuất lớn chứ không phải các nhà phân phối. “Các nhà phân phối cấp 1, cấp 2 chỉ có thể canh chừng động thái của các nhà sản xuất để găm hàng hưởng chênh lệch giá cho lô hàng mới chốt mà thôi, còn giá cả lên xuống bao nhiêu là do các nhà sản xuất đưa ra dựa trên biến động giá của thị trường thế giới”, ông Thịnh nói. 
Theo ông Thịnh, về lý thuyết, việc định giá một hàng hóa phải dựa trên các yếu tố cấu thành của nó. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN sản xuất phân bón trong nước hiện nay lại không căn cứ vào giá thành mà lấy “giá thế giới” để điều chỉnh tăng giảm. Chẳng hạn, giá phân urê nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay vẫn được dùng làm tham chiếu để đưa ra giá bán phân urê sản xuất trong nước. Điều này cực kỳ phi lý vì khi về tới Việt Nam, giá đạm urê của Trung Quốc đã được đội lên rất cao do phải chịu mức thuế đôi khi lên đến 185%, chưa kể việc nhập khẩu phân bón còn phải chịu cước phí vận chuyển từ 95-105 USD/tấn và các chi phí khác như bảo hiểm, hải quan, tỷ giá nội tệ… 
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, bà Trương Hồng Kim (chuyên gia ngành phân bón thuộc IPSARD) cho rằng, việc các nhà sản xuất trong nước viện lý do “đầu vào tăng mạnh” để tăng giá phân bón là thiếu thuyết phục. Vì hiện nay các nhà máy sản xuất phân bón được Nhà nước bao cấp giá nguyên liệu đầu vào quan trọng (như khí, điện, than), do đó giá vốn sản xuất phân đạm urê trong nước luôn thấp hơn nhiều so với các loại phân bón nhập khẩu (ví dụ, năm 2011giá vốn sản xuất phân đạm urê bằng khí chỉ khoảng 4.348 đồng/kg, đạm sản xuất bằng than ở mức 7.860 đồng/kg, chưa thuế. Hai mức giá này lần lượt thấp hơn giá nhập khẩu các loại phân tương ứng là 57% và 23,5%). Như vậy việc đổ vấy cho nguyên liệu đầu vào tăng cao để tăng giá phân bón vô tội vạ là khó có thể chấp nhận. “Giá khí đốt (chiếm 73% tổng chi phí sản xuất) của đạm Phú Mỹ trong suốt năm 2011 chỉ tăng 33%, trong khi đó giá bán phân đạm urê ngay tại cổng nhà máy tăng tới 106% thì không thể nói đơn giản là do nguyên liệu đầu vào”, bà Kim nghi ngại.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2013/5/40819.html


Tin khác