Để góp thêm tiếng nói, Báo NTNN đăng ý kiến của ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền.
Thưa ông, các quy định quản lý phân bón hiện nay đang có những bất cập nào ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh của Bình Điền?
- Thời gian qua, phân bón Đầu Trâu vẫn phát triển tốt (cười)… Nhưng xét tổng thể thì các quy định quản lý phân bón ít nhiều cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính, biết nghiên cứu và đưa nhiều chất xám vào sản phẩm. Bởi hiện nay có nhiều văn bản như Nghị định số 113, 191 về quản lý chất lượng phân bón, nhưng chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Hay Nghị định 15/2010 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng còn nhiều hành vi vi phạm chưa được cụ thể, nên triển khai chưa đồng bộ.
Hiện có quá nhiều đơn vị tham gia quản lý phân bón nên không biết ai là quản lý chính, có khi một địa phương lại có rất nhiều đơn vị thanh kiểm tra, không có đơn vị đầu mối, có đơn vị không đúng chuyên ngành cũng kiểm tra. Doanh nghiệp không biết ai là người quản lý mình, ai cũng gọi được, nhiều khi gọi không đúng cũng gọi. Thậm chí các từ ngữ trong nghị định và thông tư hướng dẫn còn gây hiểu sai nên doanh nghiệp phải giải thích vòng vo. Chẳng hạn như mới đây công ty phải nhờ đến Cục Trồng trọt có công văn giải thích cho rõ từ ngữ trong những quy định về việc có cần khảo nghiệm hay không cho sản phẩm phân bón để địa phương không gây khó cho doanh nghiệp.
Còn từ góc độ bộ máy quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân bón thường gặp những khó khăn gì?
- Hiện có 3 bộ là Công Thương, Bộ NNPTNT và Bộ KHCN tham gia quản lý phân bón, nhưng bộ nào là chính và được chỉ định theo ngành dọc ở từng địa phương thì chưa. Có địa phương thì giao quản lý phân bón cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, có địa phương thì giao thanh tra sở NNPTNT hay Chi cục Bảo vệ thực vật, rồi Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và thậm chí công an cũng có thể lấy mẫu luôn… Do đó, việc đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách thiếu ổn định, việc kiểm tra, thanh tra không tạo ra được kết quả như mong muốn... Điều này khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng chưa tâm phục.
|
Sự hiểu biết thấu đáo về phân bón của đội ngũ quản lý từ T.Ư đến địa phương sẽ góp phần quản lý tốt phân bón.
|
Hiện nay, các phòng phân tích mẫu kiểm định phân bón đều do bộ quản lý chỉ định, trong khi biên độ giữa các kết quả kiểm định mẫu giữa các trung tâm này nhiều khi khác xa nhau, khiến nhiều doanh nghiệp bất bình và mong muốn có trung tâm kiểm định ngoài bộ quản lý (Bộ KHCN như trước đây chẳng hạn). Ý kiến của ông về việc này ra sao?
- Việc giao cho đơn vị phân tích mẫu nào cũng được, nhưng đòi hỏi phòng phân tích đó phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất và con người. Gần đây thì một số địa phương cũng được Bộ NNPTNT công nhận đủ tiêu chuẩn phân tích các chỉ tiêu về đạm, lân, kali. Tuy nhiên, bên cạnh phòng ốc, cơ sở vật chất có đảm bảo nhưng để có kết quả chính xác thì cách thực hiện là một vấn đề khác. Bởi mỗi một thiết bị cần vận hành đúng thì kết quả mới chính xác, chưa nói đến mỗi chỉ tiêu đều có cách thử và tiêu chuẩn khác nhau. Cùng một dinh dưỡng lân nhưng thử cách này khác và cách khác lại cho kết quả khác.
Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký sản xuất và thử theo Tiêu chuẩn Việt Nam 2010, nhưng khi thử theo tiêu chuẩn 2003 thì sẽ cho kết quả khác đi. Hay nói khác, mỗi tiêu chuẩn trong cách thử là khác nhau và khi thực hiện thì phải hết sức cẩn trọng. Vì vậy, trong các phòng phân tích để phục vụ thanh, kiểm tra thì cần có phòng phân tích trung gian (trọng tài) để khi các cơ quan thanh kiểm tra phân tích mẫu, doanh nghiệp không hài lòng thì cho họ phúc tra tại cơ quan này, lúc đó doanh nghiệp mới tâm phục.
Với sản phẩm phân bón NPK (loại phân bón đang bị làm giả nhiều nhất trên thị trường), theo ông cần sửa đổi, bổ sung các quy định nào để chống làm giả và đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và môi trường?
- Theo tôi, để quản lý chất lượng sản phẩm được tốt trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón NPK thì cần có những điều như sau: Thứ nhất, cần xem đây là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở sản xuất cần có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, chẳng những về con người mà ngay cả các cơ sở như nhà máy, kho tàng, bến bãi… mới cấp phép sản xuất. Bởi trong sản xuất ra sản phẩm muốn đảm bảo chất lượng trong lúc chưa đưa đi phân phối, thì phải có kho bãi chứa để bảo quản.
Trong bảo quản phân bón thì có phải bảo quản đúng cách theo tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn của Hiệp hội Công nghiệp sản xuất phân bón thế giới (IFA), hoặc Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) thì mới đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Bởi phân bón là sản phẩm dễ hút ẩm, không có kiến thức về sản xuất, bảo quản và cách sử dụng thì ngay tại cơ sở sản xuất sản phẩm đã có độ ẩm không an toàn, giảm chất lượng.
Thứ hai, các hộ tham gia kinh doanh phân bón cũng phải có điều kiện. Nghĩa là muốn tham gia kinh doanh phân bón phải am hiểu về phân bón, các nghị định và quy định trong quản lý và kinh doanh phân bón (giống như kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thì có chứng chỉ do chi cục bảo vệ thực vật cấp). Và các cơ sở phải qua các buổi huấn luyện về phân bón, về dinh dưỡng trong phân bón, về độc chất trong phân bón và cách bảo quản để đảm bảo chất lượng đến tay nông dân là tốt nhất. Bởi chính hệ thống bán lẻ này (cả nước hiện có khoảng 35.000 - 40.000 điểm) sẽ giúp cơ quan quản lý chất lượng phân bón và giúp nông dân hiểu hơn về phân bón.
Công ty CP Phân bón Bình Điền đã hỗ trợ các hệ thống bán lẻ hiểu thêm về phân bón như thế nào?
- Đối với Công ty CP Phân bón Bình Điền, trong khi chờ đợi từ ban ngành thì để đảm bảo chất lượng phân bón của công ty và giúp cho đại lý hiểu thêm về phân bón, chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm để mời các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành và cán bộ quản lý của Cục Trồng trọt để tập huấn cho hệ thống phân phối của công ty tại miền Bắc. Kể từ 2004 đến nay, có gần 1.000 cửa hàng biết thêm về các quy định trong kinh doanh phân bón (Cục Trồng trọt hướng dẫn), biết được cách bảo quản phân bón, biết cách hướng dẫn nông dân sử dụng đúng phân bón góp phần vào việc hạn chế sâu bệnh hại, bảo vệ môi trường. Tại Campuchia, chúng tôi cũng đã thực hiện được 2 lớp cho 250 cửa hàng bán lẻ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp để triển khai ra cho các tỉnh phía Nam.
Xin cảm ơn ông!
Ông có góp ý đề xuất sửa đổi gì thêm trong việc xây dựng chính sách quản lý phân bón mà Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương thực hiện?
- Như tôi nói ở trên, để giúp quản lý tốt phân bón thì người sản xuất, kinh doanh phân bón phải biết về phân bón và cần xem đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Cán bộ thanh kiểm tra phải biết rõ về phân bón. Các cán bộ phụ trách từ T.Ư đến địa phương phải hiểu rõ về phân bón để giúp cho hệ thống được thông suốt. Vì vậy, trong nghị định mới, ngoài các quy định là hành làng pháp lý, cần nghiên cứu thêm về chính sách tăng cường cán bộ chuyên trách cũng như đào tạo cho cán bộ chuyên trách ở địa phương cho thật tốt.
- “Cũng cần nghiên cứu thêm các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật của quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, bảo quản phân bón để giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn, một khi doanh nghiệp muốn làm ăn ở nước ngoài cũng không bỡ ngỡ”. - Ông Lê Quốc Phong
|
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/133578p1c34/can-co-doi-ngu-quan-lyhieu-ve-phan-bon.htm