Thủy sản đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta, với kim ngạch hơn 6,1 tỷ USD năm 2012. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước đứng thứ hai (sau Trung Quốc) về số lô hàng thủy sản bị trả về, tổn thất 14 triệu USD/năm.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Hiện, cả nước có 415 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, đứng thứ hai toàn cầu về tổng công suất chế biến thủy sản.
GS.Spencer Henson, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) đã công bố kết quả nghiên cứu về tuân thủ tiêu chuẩn thương mại trong ngành thủy sản ở Việt Nam. Theo đó, ở 4 thị trường tiêu thụ chủ lực (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia), Việt Nam là một trong 3 nước đứng đầu về số vụ hàng thủy sản đưa sang đến cửa khẩu bị trả về, tổn thất lên tới 14 triệu USD/năm.
Theo GS.Spencer Henson, tại các cảng của Nhật Bản, thủy sản Việt Nam đang là một trong những mặt hàng trọng tâm bị kiểm tra ngặt nghèo. Trong tháng 5/2012, một chuyến tàu chở tôm Việt Nam nhập cảng Nhật Bản đã bị phát hiện nhiễm Ethoxyquin, do vậy, các nhà chức trách Nhật Bản càng thận trọng hơn với tôm nhập. Trước đó, tôm Việt Nam cũng bị phát hiện có Trifluralin (năm 2010) và Enrofloxaxin (năm 2011). Theo quy định của Nhật Bản, cả 2 chất này đều bị cấm sử dụng cho tôm.
Hiện, các nhà xuất khẩu tôm ở Việt Nam đều bày tỏ quan ngại về vấn đề này, nhiều DN không dám xuất hàng sang Nhật Bản nữa. Số liệu do các cơ quan chức năng của EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản cung cấp đều cho thấy, tỷ lệ sản phẩm nuôi trồng của Việt Nam bị từ chối nhập tương đối cao. Tại Hoa Kỳ, Việt Nam là quốc gia có số lô hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất; ở Australia, Việt Nam cũng đứng thứ ba.
Có nhiều lý do được đưa ra ở các vụ từ chối nhập hàng, như nhiễm khuẩn, dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, nhiễm kim loại nặng, điều kiện vệ sinh và kiểm soát nhãn mác không đạt yêu cầu… Nghiên cứu của UNIDO cũng cho thấy, mối liên kết lỏng lẻo trong chuỗi cung ứng thủy sản ở Việt Nam, mà khâu yếu nhất chính là sử dụng không hợp lý đầu vào. Nuôi cá tra thâm canh khiến bệnh dịch xảy ra nhiều hơn, buộc phải áp dụng các biện pháp phòng và chữa bệnh, tăng sử dụng kháng sinh. Đối với ngành hàng tôm, tình trạng thương lái thu gom tôm từ nhiều hộ rồi trộn lẫn lộn vào lô hàng khá phổ biến, do đó các công ty chế biến rất khó truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng.
GS.Spencer khuyến cáo, những dữ liệu nghiên cứu về tỷ lệ từ chối của những nước nhập khẩu thủy sản chỉ là “bề nổi của tảng băng”, Việt Nam cần làm quen và ứng phó phù hợp với các rào cản thương mại. Đề xuất chính sách đối với Việt Nam là cần có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin cho người sản xuất để họ hiểu được việc thị trường liên tục thay đổi, nhất là tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm bắt buộc và tự nguyện. Người sản xuất cần sử dụng hợp lý thuốc và hóa chất. Cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hàng đầu bằng việc thúc đẩy mở rộng hình thức sản xuất bao tiêu.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản khẳng định: “Việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là những quy chuẩn liên quan đến mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm, là điều chúng ta phải làm để tiếp cận thêm thị trường cũng như xuất khẩu thủy sản bền vững”.
Theo Chu Khôi - VnEconomy