Chính sách tạm trữ “lạc điệu”

03/05/2013

Theo phân tích của một số chuyên gia ngành cà phê, để tăng hiệu quả trong việc hỗ trợ vốn ưu đãi, các cơ quan, chính quyền cần tham mưu cho Chính phủ để thay đổi cách tạm trữ. Thay vì hỗ trợ cho DN như hiện nay, ông Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân...

Chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong các năm qua chưa giúp người dân hưởng lợi nhiều.
Trong bối cảnh người nông dân trồng cà phê phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý về nguồn vốn và cách thức kinh doanh giữa DN với các đại lý lại tồn tại nhiều bất cập lại không được quản lý chặt chẽ nên dân đứng ngoài vòng ưu đãi.
Nông dân mỏi mòn ngóng… chính sách
Tương tự mặt hàng lúa gạo, từ năm 2010 Chính phủ đã có chủ trương ban hành chính sách thu mua tạm trữ cà phê, nhằm đảm bảo cho người nông dân có lãi ít nhất 30%.
Theo đó, thời gian qua, mỗi khi đến vụ thu hoạch cà phê các DN kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này lại được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua hàng tạm trữ. Có thể nói, ở một chừng mực nào đó chính sách tạm trữ cà phê của Chính phủ đã mang lại một số hiệu quả thiết thực cho những trường hợp này.
Hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ, cách làm dễ nhưng nhiều rủi ro
 
Trong ngắn hạn, đồng vốn với lãi suất ưu đãi 4-6% đã cứu nguy nhiều DN trong ngành cà phê. Tuy nhiên, về hiệu quả thì đồng vốn ưu đãi đã không giúp gì được cho người nông dân bởi thời điểm và cách thức tạm trữ của DN chưa được tính toán hợp lý.
Để kiểm chứng điều này có thể lật lại thời điểm tháng 4/2010. Bất cứ ai làm trong ngành cà phê đều biết rằng thời điểm thu hoạch thường chỉ kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2, hoặc cùng lắm là tháng 3 năm sau. Vì thế, khi quyết định mua tạm trữ cà phê của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 15/4/2010 thực tế lượng cà phê trong dân không còn nhiều nữa, mà đa số đã nằm sẵn trong kho DN thương mại và đại lý.
Đó là chưa kể từ khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đến lúc các DN có thể tiếp cận được vốn ưu đãi phải mất 1-2 tháng. Lúc này đã sang tháng 5, tháng 6 thì đương nhiên DN chỉ có thể mua hàng từ các đại lý vì nông dân đã bán hết cà phê từ rất lâu để trang trải, trả nợ tiền ứng trước phân bón, dầu tưới và nhân công.
Gần đây hơn là niên vụ cà phê 2012-1013, rút kinh nghiệm các đợt trước, từ đầu vụ thu hoạch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã kiến nghị Chính phủ cho tạm trữ 300.000 tấn. Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Vicofa cho rằng việc mua tạm trữ này sẽ giúp người dân có lãi từ 30%-40% vì có thể bán trực tiếp cho DN hoặc ký gửi trong kho của các công ty và bán theo giá thị trường.
Nhưng khi được hỏi DN có trực tiếp thu mua hoặc cho nông dân ký gửi cà phê tại kho không thì ông Hải cũng thú nhận rằng chỉ có số ít công ty lớn làm được. Đa phần DN thu mua cà phê qua đại lý, thương lái, nên khó kiểm tra xem nông dân có bán được giá hợp lý và có lời hay không.
Trong khi đó, hầu hết nông dân trồng cà phê được hỏi đều tỏ thái độ chưa hài lòng về các ngành hữu quan thực hiện chính sách mua tạm trữ cà phê theo kiểu xa vời thực tế.
Ông Lê Huy Thành, một hộ trồng cà phê tại xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk nói: “Nhà nước cho DN vay ưu đãi để tạm trữ. Họ cũng hứa là sẽ mua giá cao để nông dân có lời. Nhưng thực tế thì họ vẫn mua như bình thường chứ chẳng có gì khác. Có tạm trữ hay không có tạm trữ thì nông dân trồng cà phê như bọn tôi cũng phải giao hàng cho đại lý từ đầu vụ. Cứ về các xã thì sẽ thấy có bao nhiêu hộ sau khi thu hoạch xong mà còn được một nửa lượng cà phê ở trong nhà. Thu được bao nhiêu thì lo trả nợ và trang trải ngay cũng đã gần hết”.
Như vậy có thể thấy hạt cà phê cũng đồng “cảnh ngộ” với hạt lúa, chính sách tạm trữ của Chính phủ không lan tỏa đến người trồng cà phê. Đồng vốn ưu đãi không những không giúp nông dân bán được giá cao hơn, mà đôi khi còn phải chịu ép giá bởi các DN, đại lý đầu cơ, chiếm dụng khi giá cà phê biến động.
Thay đổi cách thức tạm trữ
Theo phân tích của một số chuyên gia ngành cà phê, để tăng hiệu quả trong việc hỗ trợ vốn ưu đãi, các cơ quan, chính quyền cần tham mưu cho Chính phủ để thay đổi cách tạm trữ. Thay vì hỗ trợ cho DN như hiện nay, ông Vũ Trọng Bình – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn (IPSARD) cho rằng, cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.
Theo đó người dân có diện tích bao nhiêu thì được Nhà nước hỗ trợ số vốn tương ứng, với điều kiện nông dân phải đăng ký diện tích sản xuất theo quy hoạch. Chính quyền địa phương cần tổ chức rà soát diện tích cà phê trong khu vực quản lý của mình. Sau khi đã rà soát kỹ, thì địa phương lên kế hoạch hỗ trợ kịp thời vụ đối với những diện tích nào người dân trồng theo quy hoạch, còn các khu vực phát triển ngoài quy hoạch, thì không hỗ trợ để tránh người dân tự phát trồng thêm tràn lan.
Theo ông Bình, cách hỗ trợ lãi suất trong chính sách tạm trữ cà phê như hiện nay chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng chưa có căn bản lâu dài. Đây là cách làm dễ nhất nhưng cũng là cách làm có tỷ lệ rủi ro rất cao vì không thể kiểm soát được nguồn vốn ưu đãi có được sử dụng đúng mục đích hay không.
“DN vừa sản xuất kinh doanh bình thường vừa thực hiện mua tạm trữ theo chỉ đạo của Nhà nước, vì thế rất khó tách bạch các khoản tài chính của họ. Liệu họ có dùng vốn ưu đãi để mua cà phê hay không, hay dùng để đảo nợ hoặc dùng vào các việc kinh doanh khác. Giám sát được nguồn vốn này là không hề đơn giản”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Công Tính, chủ một DN kinh doanh cà phê tại Đăk Lăk cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn so với cách tạm trữ hiện tại. Bởi theo tính toán của ông Tính, nếu Nhà nước giao cho DN tạm trữ 500 ngàn tấn cà phê, thì số vốn bỏ ra sẽ tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng (trong trường hợp giá cà phê 40.000 đồng/kg).
Trong khi đó nếu cho nông dân trực tiếp vay (chẳng hạn 25 triệu đồng/ha/năm) thì với diện tích cà phê cả nước khoảng 570.000 ha như hiện nay, mỗi năm Chính phủ chỉ phải cung ứng khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng vốn ưu đãi.
Điều quan trọng là khi đã hỗ trợ vốn trực tiếp cho người dân rồi, Nhà nước có thể yêu cầu mỗi hộ nông dân giữ lại một tấn cà phê nhân/ha. Như thế tính chung cả nước vẫn có thể tạm trữ được 500 ngàn tấn cà phê ngay tại vườn, vừa đạt được mục đích điều tiết thị trường vừa giúp hàng triệu hộ dân sống được trên rẫy cà phê của mình.
Theo Thời báo Ngân hàng

Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/2-tin-dung-cho-cay-ca-phe-bai-2-8466.html


Tin khác