Cách nào nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp?

14/08/2013

Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng Đề án “Thí điểm mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới” với kinh phí trên 2,05 tỷ đồng.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối với trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố và UBND 11 xã điểm khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT và xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo. Kết quả trong năm 2010, tại 11 xã điểm đã tổ chức đào tạo được 33 lớp, trong đó có 17 lớp chuyên ngành trồng trọt; 1 lớp chuyên ngành cơ khí nông nghiệp; 4 lớp chuyên ngành thủy sản và 11 lớp chuyên ngành chăn nuôi, với tổng số 975 lao động. 
Mô hình nuôi cá lồng tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam
TS. Phan Huy Thông đưa ra 5 nhóm giải pháp chính cần quan tâm, đó là: Xác định nghề đào tạo, nghề gì do địa phương chọn phải phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội tại địa phương, nhu cầu của người dân và khả năng tiêu thụ sản phẩm.
 
TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: “Chính quyền địa phương và người dân rất hưởng ứng các lớp đào tạo này và tham gia nhiệt tình. Hầu hết nông dân cho biết, sau khi được đào tạo, năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng lên. Nội dung chương trình đào tạo cụ thể, thiết thực với nhu cầu người dân; chương trình đào tạo linh hoạt, khoa học; kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, với 70-90% thời gian học dành cho thực hành”.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với 17 đơn vị triển khai 132 lớp đào tạo cho 3.960 LĐNT. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã tổ chức triển khai xong 92 lớp, còn 39 lớp đang triển khai, dự kiến quý III/2013 sẽ kết thúc. 
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các lớp đào tạo đều tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo nhu cầu của địa phương, gắn với chương trình XDNTM và quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương. Các lớp dạy nghề nông nghiệp được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, giúp người học tiếp cận và làm theo mô hình, điểm trình diễn đã có. Giáo viên dạy nghề có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và khả năng thực hành. 100% học viên sau đào tạo có thể áp dụng kiến thức học được vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm. 
Để chuẩn bị đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tổ chức 110 lớp kỹ năng sư phạm dạy nghề và đã đào tạo, cấp chứng chỉ cho gần 4.000 người.
Đánh giá về đề án, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam, cho biết: “Quảng Nam có hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm 56%. Đến nay, đã có 12.000 LĐNT được hỗ trợ học nghề, trên 80% người học nghề đã có việc làm thông qua các hình thức như, tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, tự tạo việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT vẫn  còn nhiều bất cập, hạn chế như: Chính sách đầu tư cho cơ sở dạy nghề chưa thực hiện đầy đủ, chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy định cấp xã, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa sâu sát. Nhận thức của người dân còn chưa cao. Bản thân người lao động chưa coi việc đào tạo nghề là nhu cầu cần thiết, còn thụ động đến với việc đào tạo nghề, không xác định rõ mục tiêu sau đào tạo, dẫn đến sự lãng phí nguồn nhân lực sau đào tạo…”.
Vì vậy, ông Quang cho rằng, để đào tạo nghề cho LĐNT đạt kết quả bền vững phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thực sự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh- dịch vụ trên địa bàn; nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân. 
TS. Phan Huy Thông đưa ra 5 nhóm giải pháp chính cần quan tâm, đó là: Xác định nghề đào tạo, nghề gì do địa phương chọn phải phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội tại địa phương, nhu cầu của người dân và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Công tác tổ chức chiêu sinh phải ưu tiên đưa về thôn, xã, thời gian đào tạo tránh mùa vụ căng thẳng. Tổ chức cho nông dân phát huy nghề sau đào tạo. Về chính sách, mở rộng đối tượng được tham gia đào tạo, tăng định mức chi phí cho đào tạo, đào tạo nghề nông nghiệp phải có mô hình trình diễn để tham quan, học tập, thực hành. 
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác