Xuất khẩu rau quả vào EU: Cần nỗ lực từ nhiều phía

14/08/2013

Xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam vào EU đang có dấu hiệu giảm sút trong thời gian gần đây do yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe.

Điểm yếu
EU là một trong những thị trường tiêu thụ chủ lực các mặt hàng nông - lâm sản của Việt Nam như: càphê, hạt tiêu, hạt điều, chè, rau hoa quả ... Tuy nhiên, XK rau quả vào EU mới chiếm khoảng 1% trong tổng giá trị XK của nước ta, thậm chí đang có dấu hiệu giảm sút do vướng các quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu.
Theo TS.Nguyễn Văn Biếu, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội, sở dĩ có hiện tượng như vậy vì EU là một trong những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng trong khi sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ vấn đề an toàn thực phẩm... Hơn nữa, các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu của các nước thuộc khối EU liên tục thay đổi khiến sản phẩm của nước ta không đáp ứng kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến khối lượng và kim ngạch XK.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương cho rằng, XK rau quả sang thị trường EU còn nhiều thách thức vì hiện các quốc gia EU chỉ nhập khẩu một số loại trái cây không trồng được ở các nước này như: chuối, xoài và một số loại chỉ trồng được ở EU theo mùa như cam, quýt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng của EU ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm hữu cơ có nhãn mác thương mại công bằng và được phát triển bền vững sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường này. Trong khi đó, điều kiện sản xuất của chúng ta còn nhiều tồn tại: Quy mô sản xuất rau quả nhỏ, phân tán, chưa có nhiều vùng chuyên canh tập trung. Sản phẩm rau quả áp dụng quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP còn ít. Thông tin thị trường hạn chế, nhất là các yêu cầu về nhu cầu sản phẩm của đối tác, quy định cụ thể đối với từng loại mặt hàng và còn thiếu cả số liệu thống kê của các thị trường nhập khẩu nên khó khăn trong công tác dự tính, dự báo. Thiếu một chương trình đồng bộ có mục tiêu về phát triển sản xuất rau quả. Việc bố trí các nhà máy chế biến rau quả chưa thực sự hợp lý. Dây chuyền thiết bị hiện đại chưa được đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu... Giống rau quả và chất lượng chúng ta chưa hoàn toàn chủ động, nhất là giống rau. Mức đầu tư cho công tác nghiên cứu trong lĩnh vực rau, quả… còn quá ít. Thiếu sự liên kết dọc và ngang giữa các tác nhân trong ngành hàng rau quả. Chưa tạo ra sự cân bằng giá trị giữa 3 tác nhân: người sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng nên chưa tạo ra được chất lượng sản phẩm an toàn, đây chính là vòng luẩn quẩn khó gỡ. 
Kết quả khảo sát và phân tích của Dự án điều tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản, thực phẩm của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, 38% mẫu rau được phân tích có dư lượng thuốc BVTV, 28,5% vượt quá hàm lượng nitrat cho phép, 100% vượt ngưỡng coliform cho phép, 46,8% quá mức E.coli cho phép.
Những lưu ý
Theo ông Biếu, DN chế biến, XK rau quả muốn thâm nhập vào thị trường EU cần nắm một số yêu cầu cơ bản về sản phẩm có chất lượng tốt. Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 gần như là yêu cầu bắt buộc đối với DN sản xuất hàng XK sang thị trường EU thuộc các nước đang phát triển. Thực tế thấy, hàng của DN có giấy chứng nhận ISO 9000 thâm nhập vào thị trường này dễ hơn nhiều so với hàng hoá không có giấy chứng nhận. Việc áp dụng hệ thống HACCP là rất quan trọng và gần như là yêu cầu bắt buộc đối với DN chế biến thủy - hải sản muốn xuất khẩu vào thị trường này. Thị trường EU yêu cầu hàng hoá có liên quan đến môi trường phải dán nhãn sinh thái, nhãn tái sinh và có chứng chỉ được quốc tế công nhận. Ví dụ, tiêu chuẩn GAP và các nhãn hiệu sinh thái đang ngày càng được phổ biến, chứng tỏ thỏa mãn yêu cầu về an toàn thực phẩm và môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ hệ thống quản lý môi trường và các bộ luật mang tính xã hội về đạo đức. Tiêu chuẩn The Social Accountability 8000 sẽ càng trở nên quan trọng trong những năm tới. Nhiều nhà bán lẻ có quy mô lớn và các nhà nhập khẩu cung cấp hàng cho họ đều yêu cầu các đối tác cung ứng hàng có kèm theo chứng nhận như: tiêu chuẩn toàn cầu BRC về an toàn thực phẩm; GlobalGAP (áp dụng với các trang trại và nông nghiệp); thực hành nuôi tốt nhất (BAP) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu GAA...
Từ năm 2005 - 2011, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam tăng trưởng khá, trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. Năm 2011, XK rau quả đạt kim ngạch kỷ lục 630 triệu USD, tăng 35,5% so với năm 2010, đưa nước ta lọt vào nhóm 5 quốc gia XK rau quả lớn nhất thế giới. Năm 2012, kim ngạch XK rau quả đạt xấp xỉ 829 triệu USD, tăng 33,4% so với năm 2011.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu kim ngạch XK rau quả 1 tỷ USD trong năm 2013, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cơ sở sản xuất, chế biến, doanh nghiệp. Đồng thời, cần sự trợ giúp từ các cơ quan quản lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Chính phủ cần quy hoạch vùng sản xuất rau quả, hỗ trợ vốn cho các cơ sở, doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và XK. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, kiện toàn bộ máy cán bộ hải quan và đơn giản hóa thủ tục hành chính để hoạt động thông quan được tiến hành thuận lợi. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nước, nâng cao chế tài xử phạt với cá nhân, tổ chức vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/8/42800.html


Tin khác