Hàng loạt doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản tại Cà Mau làm ăn thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản, phải cơ cấu lại. Chuyện làm ăn thua lỗ của DN chế biến thủy sản được lý giải một cách hợp lý: Do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phía sau những lý giải “có lý, có tình” là hàng ngàn tỉ đồng vốn vay đang có nguy cơ không thể thu hồi được.
Vay bao nhiêu, quá hạn bấy nhiêu
Dù làm ăn khá “nhập nhèm”, nhưng Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh (huyện U Minh, Cà Mau) vẫn được Ngân hàng Phát triển - chi nhánh Minh Hải (VDB) liên tiếp giải ngân đến 20 lần với tổng số tiền lên đến trên 291 tỉ đồng. Đáng chú ý, có những hợp đồng chỉ cách nhau đúng 2 ngày, với số tiền lần lượt 19 tỉ đồng, 18 tỉ đồng. Để rồi hiện nay toàn bộ số nợ này đều đúng bằng số quá hạn. Đó là chưa kể số “lãi treo” của DN này lên đến trên 120 tỉ đồng.
Tương tự như Ngọc Sinh, Cty TNHH Nhật Đức, từ tháng 5.2010 đến tháng 6.2011 được VDB cho vay tổng cộng 21 lần với số tiền trên 176 tỉ đồng đến nay VDB chưa thu hồi được, kể cả số “lãi treo” trên 81 tỉ đồng. Cty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Việt Hải vay của VDB 118 tỉ đồng từ năm 2009, cho đến nay toàn bộ đã quá hạn, “lãi treo” trên 46 tỉ đồng. Cty TNHH thương mại & Xuất nhập khẩu Nam Thành vay gần 40 tỉ đồng, cho đến nay vẫn chưa trả đồng nào trước khi DN này ngừng hoạt động, nguy cơ VDB không thu hồi được nợ lẫn lãi. Cty TNHH Hiệp Thành Phát vay 13 tỉ đồng thì quá hạn đúng với số tiền được vay. Cty TNHH chế biến thủy sản Minh Châu dư nợ và quá hạn số tiền trên 100 tỉ đồng, hiện DN hoạt động cầm chừng, không thể trả nổi số tiền “lãi treo” 50 tỉ...
Ngoài số nợ của VDB, các “đại gia” thủy sản này còn nợ các ngân hàng thương mại khác.
Dễ dãi cho vay
Điều đáng nói là không phải DN nào tại Cà Mau cũng tiếp cận được nguồn vốn của VDB, do quy định của VDB khá “ngặt nghèo”. Theo quy định, tài sản thế chấp vay vốn không vượt quá 85% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, nhìn lại tài sản, lô hàng xuất khẩu của các DN nói trên, không khỏi giật mình khi tài sản của DN chiếm tỉ lệ từ 13 - 40% giá trị toàn bộ vốn vay. Điển hình là Cty Hiệp Thành Phát, tài sản thế chấp để vay trên 13 tỉ đồng từ VDB chỉ là một chiếc xe ôtô tải có giá trị 872 triệu đồng. Nghĩa là tài sản đảm bảo tiền vay của DN này chưa tới 7% trên tổng dư nợ.
Tương tự, Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh có tài sản thế chấp chỉ bằng 30% số tiền vay; Cty TNHH Nhật Đức có giá trị tài sản thế chấp chỉ trên 32 tỉ, được VDB cho vay 176 tỉ đồng (chỉ bằng hơn 18% dư nợ); Cty TNHH thương mại & xuất nhập khẩu Nam Thành, tài sản thế chấp 9 tỉ đồng được vay 39 tỉ đồng; Cty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu có giá trị tài sản thế chấp 21 tỉ đồng, được vay 108 tỉ đồng...
Với cách thẩm định, cho vay vốn như VDB Cà Mau, hiện nay cho dù bán hết các DN cũng không thể thu hồi, bởi tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với dư nợ cho vay. Đó là chưa kể khấu hao tài sản thế chấp nhiều loại hiện nay đã bằng không.
Theo LDO