Đầu năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra định hướng giảm lượng phân bón nhập khẩu, theo đó chỉ nhập 2,5 triệu tấn phân bón các loại, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2012. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản 5 tháng đầu năm 2013 đạt 6,97 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 5/2013 ước đạt 332.000 tấn, tiêu tốn 132 triệu USD; đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 5 tháng đạt 1,41 triệu tấn, trị giá 573 triệu USD.
Trong khi đó, năng lực sản xuất phân urê trong nước đã vượt nhu cầu, khi những gương mặt mới như đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình bắt đầu góp mặt vào thị trường từ năm 2012-2013. Ở phía Nam, Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau) có tổng công suất 1,6 triệu tấn/năm. Nếu cả 4 nhà máy hoạt động hết công suất, lượng urê sản xuất nội địa sẽ đạt khoảng 2,3 triệu tấn so với nhu cầu hiện tại khoảng 2 triệu tấn. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra chủ trương không nhập phân urê vì nguồn cung trong nước đáp ứng đủ nhu cầu. Bộ Công Thương cũng đang tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu lượng urê dư thừa. Thế nhưng, 5 tháng qua, cả nước vẫn nhập khẩu tới 88.000 tấn urê, đây cũng chỉ là con số chính ngạch, chưa kể lượng urê nhập khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn ồ ạt vào nước ta. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn từ nạn nhập khẩu phân bón tiểu ngạch, khiến thị trường khó kiểm soát và cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh phân bón, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong tháng 5/2013 cũng lên tới 73 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đạt 331 triệu USD, tăng 15,9% so cùng kỳ năm 2012. Thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, chiếm tới 46,67%. Thực trạng này cho thấy, việc nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Lượng thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động, nếu như năm 2005, cả nước chỉ nhập 20.000 tấn thì sang năm 2006 - 2007 tăng lên 30.000 tấn/năm, tương ứng với 325 triệu USD; năm 2012 nhập khẩu 55.000 tấn, tiêu tốn 704 triệu USD.
Hiện, xu hướng sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa gia tăng cả về chủng loại, lượng thuốc. Bình quân 1ha lúa, nông dân phun 1 lít thuốc trừ bệnh, 0,5 lít thuốc trừ sâu, 0,5 lít thuốc trừ cỏ và 0,6 lít thuốc dưỡng/vụ. Thế nhưng, tỷ lệ hấp thụ qua cây trồng chỉ 20%, bốc hơi 15 - 20%, còn lại thấm vào đất và hòa vào nước. Điều này không chỉ làm môi trường bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Kết quả phân tích của Cục Bảo vệ thực vật thấy, phun nhiều thuốc trừ sâu không những không làm tăng năng suất lúa mà còn có tác dụng ngược.
Gần 10 năm qua, để giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc, tăng lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, tập huấn cho bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo chương trình IPM như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”. Thế nhưng, khuyến cáo về sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật không đủ sức mạnh so với những quảng cáo hấp dẫn về cái lợi của việc dùng thuốc như “đem lại vụ mùa bội thu”, “hạt lúa sáng bóng”, “lúa trúng bể bồ”… xuất hiện với tần suất cao.
Trong khi hàng triệu hộ chăn nuôi cả nước đang khốn đốn thì theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 5/2013 ước đạt 236.000 tấn, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2013 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 40,6 % so cùng kỳ năm trước. Nghịch lý ở chỗ, trong khi giá thịt lợn, gà đang giảm tới 40-50%, thậm chí giá bán chỉ bằng một nửa so với giá thành thì trong vòng một năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng khoảng 1.500 đồng/kg. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính cho biết, sẽ có kế hoạch tổ chức đợt thanh tra đối với giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian sớm nhất. Cục Chăn nuôi cũng đề nghị Chính phủ cho phép bỏ thuế VAT 5% đối với thức ăn chăn nuôi vì nông dân đang phải gián tiếp gánh chịu mức thuế suất này.
Tình trạng tăng nhập khẩu vật tư nông nghiệp đang gây ra sự lãng phí trong sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sụt giảm mạnh, nhập khẩu đầu vào tăng sẽ tạo ra nguy cơ giảm xuất siêu của ngành này. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp kiềm chế nhập khẩu nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp.
Theo Kinh tế nông thôn