Xây dựng liên minh sản xuất là cơ sở để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững

14/06/2013

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận đang triển khai nhiều chương trình, dự án sản xuất an toàn để từng bước nâng cao chất lượng các loại nông sản. Đến nay, Bình Thuận là địa phương có diện tích cây ăn trái sản xuất theo quy trình VietGAP lớn nhất nước. Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết:

Năm 2012, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi do các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả thị trường bấp bênh nhưng nhờ tập trung bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các biện pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên ngành Nông nghiệp – PTNT tỉnh vẫn đạt một số kết quả đáng kể. 
Cụ thể, sản lượng lương thực đạt 736.926 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 14,2% so năm 2010, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2015 (730.000 tấn). Một số cây trồng chủ lực, lợi thế như lúa, cao su, thanh long… được quan tâm đầu tư nên năng suất, chất lượng tăng, hiện đã có 6.656ha thanh long/343 tổ, nhóm/8.072 hộ được cấp chứng nhận VietGAP. 
Trong chăn nuôi, nhờ chỉ đạo tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên tỉnh cơ bản khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm; năm 2010, bệnh heo tai xanh có xảy ra ở mức độ nhẹ và đã được khống chế kịp thời; chưa xảy ra dịch cúm gia cầm. 
Kinh tế thủy sản phát triển ổn định nhờ tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, năng lực tàu thuyền tăng thêm theo hướng nâng cao công suất, vươn ra khai thác vùng biển xa bờ, theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,8%/năm. So với năm 2010, số lượng tàu cá đến quý II/2013 giảm 719 chiếc, nhưng tổng công suất tàu thuyền tăng thêm 98.83CV, riêng tàu cá công suất từ 90CV trở lên tăng 334 chiếc. 
Lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hoá; công tác trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 2 năm 2011 - 2012, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh đạt 9.607ha, trong đó trồng bằng vốn ngân sách là 2.475ha (25,7%); góp phần nâng cao độ che phủ rừng từ 35,5% (2010) lên 37,9% (2012). 
Đặc biệt, chương trình XDNTM đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng bám sát mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2012, bình quân toàn tỉnh đạt 7,3 tiêu chí/xã (có 96 xã), trong đó 21 xã điểm đạt 9,9 tiêu chí/xã. Phấn đấu hết năm 2013, toàn tỉnh đạt bình quân 10,3 tiêu chí/xã, trong đó các xã điểm đạt 14,7 tiêu chí/xã. 
Điều đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp của Bình Thuận là dần hình thành liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo được sự thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì bên cạnh việc tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản; ngành Nông nghiệp - PTNT Bình Thuận nhận thấy việc hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm là yêu cầu cấp thiết để tạo động lực phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Do đó, thời gian qua, ngành đã tập trung chỉ đạo, tận dụng tối đa các nguồn lực để xây dựng các liên minh sản xuất (LMSX) trong nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm. Hoạt động của các liên minh này dựa trên cơ sở tự nguyện về hợp tác kinh tế giữa các tổ chức nông dân và doanh nghiệp.
Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của dự án ACP, Bình Thuận đã xây dựng được 16 LMSX, với tổng số 39 tổ chức/1.624 hộ nông dân; gồm 5 LMSX tiêu thụ thanh long; 3 LMSX tiêu thụ lúa giống; 2 LMSX tiêu thụ hạt điều; 1 LMSX tiêu thụ bông vải; 1 LMSX tiêu thụ muối; 1 LMSX tiêu thụ heo thịt; 1 LMSX tiêu thụ ca cao; 1 LMSX tiêu thụ mực ống; 1 LMSX tiêu thụ cao su. Ngoài ra, còn xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa tại hai huyện Đức Linh và Tánh Linh.
Điều đáng ghi nhận từ các LMSX là hầu hết các tổ/HTX sản xuất thanh long VietGAP trong liên minh thanh long đều giữ vững danh hiệu VietGAP; chất lượng, năng suất nông sản trong các liên minh được cải thiện so với khi chưa xây dựng liên minh; DN có nguồn hàng ổn định, chất lượng và giá cả phù hợp, từ đó yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường; nông dân có nơi tiêu thụ ổn định, tin cậy, giá cả hợp lý, từ đó yên tâm sản xuất. 
Tuy nhiên, hoạt động của LMSX cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là mối liên kết giữa DN thu mua, xuất khẩu thanh long và các nhà vườn chưa tốt, có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. 
Thưa ông, đánh bắt hải sản xa bờ là thế mạnh của nghề cá Bình Thuận, tuy nhiên, trong những năm qua, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn do ngư trường thu hẹp, giá xăng dầu tăng. Vậy Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã thực hiện hỗ trợ ngư dân như thế nào?
Bình Thuận có 192km bờ biển với 36 xã, phường, thị trấn của 7 huyện giáp biển. Vì thế, thủy sản luôn được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó, khai thác hải sản đóng vai trò chủ lực. Tính đến cuối quý II/2013, toàn tỉnh có 2.039 tàu cá trên 90CV, với tổng công suất 573.570CV, bình quân 281,3CV/tàu, tổng số lao động tham gia 17.885 người.
Để hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ, những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển khai thác xa bờ của Chính phủ như: Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008; Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống ngư dân và chuyển đổi cơ cấu nghề cá.
Ngoài lực lượng khai thác xa bờ, tỉnh còn có 99 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có 84 chiếc phục vụ cho hoạt động xa bờ, trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại, góp phần hỗ trợ tích cực cho ngư dân trên tuyến khơi và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Đáng chú ý, mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển cũng hình thành và phát huy hiệu quả. 
Ngoài ra, ngành đã tập trung chỉ đạo triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác xa bờ với tổng kinh phí hỗ trợ 1.184 triệu đồng cho các mô hình như: chụp mực 4 tăng gông; hầm bảo quản sản phẩm Polyurethane; cải tiến mành mực; ánh sáng cho tàu chụp mực; máy dò ngang; máy lọc trực tiếp từ nước biển thành nước ngọt trên tàu khai thác xa bờ...
Trên cơ sở xác định đẩy mạnh khai thác xa bờ là hướng đi tất yếu và là mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, tăng nhanh sản lượng, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất, xây dựng cơ chế chính sách quản lý, phát triển nghề cá xa bờ: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến ngư, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đội tàu xa bờ; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo ngư trường; đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ nghề cá; tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực quản lý chuyên ngành về khai thác xa bờ; tăng cường phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong việc theo dõi, quản lý, hỗ trợ lực lượng khai thác xa bờ nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, trong đó xác định nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng cần đẩy mạnh, xin ông cho biết Sở đã có những biện pháp cụ thể gì?
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII đề ra, năm 2013, ngành Nông nghiệp - PTNT tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển ngành; thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định, toàn diện, bền vững; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông - lâm - thủy sản từ 5,5-6%/năm đến năm 2015. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành như sau:
Rà soát, điều chỉnh và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể là tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; phát triển kinh tế thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp theo quy họach; chú trọng đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản và ngành nghề nông thôn gắn với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; dồn sức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; XDNTM; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình bố trí dân cư và chương trình giảm nghèo. Song song đó, huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn về thuỷ lợi, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; các khu dân cư...
Phát triển nông - lâm - thủy sản, diêm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn.
Triển khai hiệu quả chương trình XDNTM, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập, cải thiện mức sống và điều kiện sống dân cư nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xaydungnongthonmoi/2013/6/41539.html


Tin khác