Ngày 27/5, Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký ban hành Thông tư 12 sửa đổi một số điều của Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo kế hoạch ban đầu, ngày 1/6/2013 sẽ áp dụng Thông tư 02 - buộc các ngân hàng liệt thêm nhiều khoản tín dụng vào dạng nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro sẽ tăng vọt và bản thân doanh nghiệp càng khó tiếp cận vốn. Điều này cũng chấm dứt thời gian thực hiện Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hoãn áp dụng đến ngày 1/6/2014 sau khi nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ "lợi bất cập hại" khi doanh nghiệp còn quá khó khăn.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc hoãn Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ gó khăn cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, giúp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ Thông tư 02.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, với sự điều chỉnh và trong thời gian một năm cho tới khi Thông tư 02 có hiệu lực thi hành, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và Đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được cơ cấu lại nợ thêm một năm còn các nhà băng cũng có thêm thời gian để xây dựng lộ trình trích lập dự phòng theo chuẩn mới.
Theo Vietnam+