Với nông dân, ruộng đất là tư liệu sản xuất không thể thiếu. Từ những thửa ruộng ấy, hạt lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác ra đời, đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều làng quê, tình trạng nông dân trả, bỏ hoặc cho mượn ruộng đang có xu hướng lan rộng, trở thành bài toán khó giải của các cấp ngành quản lý. Thực tế tại Nghệ An là một ví dụ.
Vì đâu nên nỗi...
Xã Nam Trung (Nam Đàn) là một trong những địa phương có số lượng nông dân trả ruộng tương đối nhiều. Đến nay, đã có 70ha ruộng được người dân trả cho xã. Ngay như xóm 8 có 135 hộ (500 khẩu) với khoảng 18ha đất trồng lúa nhưng đã có 100 nhân khẩu trả ruộng. Vụ đông xuân 2012-2013 cũng có 3 hộ với khoảng 4 sào ruộng bỏ hoang không sản xuất; vụ hè thu có 6ha không thể làm được, 13ha còn lại nông dân chủ yếu để thu hoạch lúa chét, không sản xuất vì thời tiết không thuận lợi hoặc ngập úng, sâu bệnh phá hoại...
Anh Nguyễn Bá Thắng, một trong những nông dân trả ruộng ở xóm 8, xã Nam Trung thành thật chia sẻ: “Nhà tui làm 7 sào, sắp tới tui chỉ giữ lại 3 sào sản xuất để lấy gạo dùng chứ làm nhiều thì lỗ to. Giá vật tư, phân bón, tiền thuê mướn cày bừa... đều tăng mà giá lúa lại thấp. Gặp sâu bệnh, thời tiết thất thường là coi như mất trắng”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Trả ruộng thì làm gì?”, anh Thắng lý giải: “Thu nhập vài ngàn đồng mỗi tháng từ trồng lúa thì làm sao đủ sống. Tui đi xây thu nhập cao hơn”.
Ông Phạm Bá Chính, hàng xóm của anh Thắng, cho biết thêm: “Nhà tôi có 5 suất đất, tương đương hơn 5 sào ruộng nhưng đã trả lại 3 suất. Tôi là nông dân, lương hưu không có, không làm ruộng, chăn nuôi thì lấy gì sinh sống. Nhưng làm nông nghiệp cực khổ mà thu không đủ chi, bất đắc dĩ mới phải trả ruộng”. Hỏi lý do vì sao, ông thẳng thắn: “Nhà chỉ còn 2 ông bà già, làm mà thuê lao động thì khi thu hoạch trừ chi phí sẽ chẳng còn chi. Đó là chưa kể, chi phí cho sản xuất nông nghiệp cao mà giá lúa có tăng mô, thậm chí còn giảm. Một sào đất ruộng, nhà tôi còn phải đóng 32.000 đồng để trả các khoản cho thuỷ nông đưa nước về ruộng, công bảo vệ, dự báo sâu bệnh và tu sửa nhỏ trên đường giao thông nông thôn...”.
Theo ông Lê Trọng Lương, Chủ tịch UBND xã Nam Trung: Cả xã có 6.233 khẩu, mỗi khẩu được chia 1,2 sào ruộng. Qua khảo sát nhu cầu của người dân, đầu năm đã có đến 957 khẩu trả ruộng. Các xóm 5, 7, 8, 9, 10 có số lượng nhân khẩu trả ruộng tương đối nhiều. “Những năm qua, do kinh tế phát triển, nhiều nghề mới được du nhập về địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân, chính vì vậy, nghề làm ruộng không còn sức hút, dân trả ruộng, mình làm lãnh đạo cũng rất buồn nhưng buộc phải chấp nhận thực tế này”, ông Lương nói.
Tại xã Nhân Sơn (huyện Đô Lương), tình trạng cho mượn, bỏ hoang ruộng... cũng khá phổ biến. Ông Nguyễn Mỹ Lĩnh, Xóm trưởng xóm 9 cho biết: Tôi đang phải “ôm” ruộng của 6 gia đình khác nhờ làm nhưng thật lòng tôi cũng muốn trả hết ruộng. Một sào cho năng suất 3 tạ lúa, trừ chi phí chỉ còn lại 500.000 đồng, chưa kể công lao động. Số tiền này chia cho 6 tháng từ khi gieo cấy đến lúc thu hoạch, tính ra mỗi ngày thu nhập chưa đến 10.000 đồng. Nếu thời tiết không thuận coi như mất trắng. “Toàn xóm có 254 hộ nhưng có khoảng 180 hộ bỏ ruộng hoặc nhờ các hộ khác trong xóm canh tác, hiện đã có 2ha/47ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Riêng vụ hè thu bỏ hoang khoảng 18ha do nhiều vùng ngập lụt, nhiều vùng hạn, chuột bọ phá hoại... Những yếu tố này cũng là nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà với ruộng”, ông Lĩnh nói.
Ông Nguyễn Đăng Chu, Chủ tịch UBND xã Nhân Sơn cho hay: “Xã có 280ha đất trồng lúa, riêng vụ hè thu cơ cấu 200ha do không chủ động được nguồn nước nên chuyển sang trồng màu, một số diện tích bị ngập úng, chuột bọ phá hoại... Hiện, trên địa bàn xã chưa có ai trả ruộng nhưng tình trạng cho hoặc chuyển cho người khác làm là có, số này chiếm khoảng 10%. Thực tế là những lao động có nghề phụ đều không muốn làm ruộng. Số không có nghề phụ làm ruộng chủ yếu để phục vụ chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thu nhập từ trồng lúa không đảm bảo. Ngay cả vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi vẫn có một ít diện tích bỏ hoang ở các vùng giáp ranh, vùng xa xấu,...
Nông dân có xu hướng chuyển sang làm các ngành nghề khác
Hiện nay, phần lớn nông dân làm ruộng cũng chỉ để phục vụ nhu cầu lương thực cho gia đình. Nếu làm hàng hoá thì phải tính toán, không hiệu quả thì họ không làm. Hiện, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngành nghề mới được du nhập vào các địa phương, tuy thu nhập chưa cao nhưng cũng hơn làm ruộng. Vì vậy, việc chán ruộng, cho mượn, bỏ hoang ruộng đã xuất hiện. Cũng có chuyện người dân cho mượn ruộng nhưng không ai có nhu cầu... Thực tế, hiện nay nông dân chỉ làm 1 vụ rồi bỏ hoang, tìm việc làm khác. Tình trạng chán ruộng, bỏ ruộng xuất hiện nhiều ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc... vì bà con có điều kiện tìm việc làm khác.
Tôi cũng đã thấy ở nhiều nước trên thế giới có xu hướng làm ruộng 1 vụ, vụ còn lại họ bỏ hoang để nuôi đất. Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, cơ cấu lại nội bộ ngành, tích tụ ruộng đất để giao cho những lao động có điều kiện đầu tư và có mong muốn gắn bó với nông nghiệp, từ đó hình thành vùng sản xuất lớn.
Ông Từ Trọng Kim, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An)
|
Cần nhiều giải pháp
Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm hỗ trợ và chính sách thiết yếu cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, thực tế thấy, để nông dân yên tâm gắn bó, có tích lũy, thu nhập ổn định và thật sự biến tấc đất thành tấc vàng thì cần có thêm những đột phá trong nhận thức và hành động.
Ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đô Lương cho rằng: Huyện cơ cấu 7.600ha lúa vụ xuân, 7.022ha lúa vụ hè thu. Đa số nông dân không muốn làm vụ hè thu vì giá nhân công tăng cao, giá sản phẩm thấp, khó tiêu thụ, chi phí sản xuất nhiều và thời tiết không thuận... Đặc biệt, ở 14 xã vùng giữa có nghề phụ, nông dân không mặn mà với ruộng. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao giá trị thu nhập, huyện đang tiến hành dồn điền đổi thửa, khuyến khích những ai không có điều kiện thì nhờ người khác làm, cho người khác mượn để dồn đất xây dựng trang trại..., cánh đồng lớn. Ngoài ra, ngành chức năng cần có giải pháp hạ giá thành sản xuất vật tư nông nghiệp để khi bán cho nông dân giá rẻ hơn.
Theo ông Đinh Xuân Quế, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, toàn huyện có 7.000ha đất trồng lúa, trong đó diện tích lúa 2 vụ khoảng 6.700ha. Trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, bao tiêu sản phẩm, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Mối liên kết “4 nhà” đã được triển khai từ rất lâu nhưng không hiệu quả, nông dân vẫn phải tự bơi trong vòng xoáy của thị trường. Chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi, rủi ro với nông dân vẫn rất lớn. “Hiện, chưa có ai bỏ ruộng nhưng tâm lý chán ruộng thì nhiều. Họ trồng nhưng không chăm sóc nên năng suất chung toàn huyện giảm. Huyện đang tập trung chuyển đổi ruộng đất, vận động những hộ không có nguyện vọng sản xuất trả ruộng để tích tụ, mở ra những trang trại, gia trại”, ông Quế nói.
Đó cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành. Ông Dương cho hay: “Các yếu tố thời tiết xấu, giá vật tư cao trong khi giá sản phẩm thấp đã tác động lớn và gây tâm lý khiến nông dân không muốn làm ruộng. Giải pháp trước mắt của huyện là sẽ tích cực dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để lập trang trại, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng và hình thành cánh đồng mẫu lớn nhằm tăng hiệu quả lao động cho nông dân”, ông Dương nói.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 2491 gửi sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu báo cáo tình hình nông dân bỏ ruộng, trả lại ruộng đang có xu hướng lan rộng, nhất là ở Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An.
Công văn nêu rõ: “Trong thời gian gần đây, nông dân nhiều nơi đã bỏ ruộng và trả ruộng, ngay cả ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Đây là vấn đề cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục trong dịp sơ kết Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tam nông”.
Để làm rõ thực trạng tình hình, nguyên nhân và có giải pháp sử dụng đầy đủ, hiệu quả quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, giữ vững ổn định an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh kiểm tra, thống kê tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng; kiến nghị và đề xuất các giải pháp, chính sách khắc phục.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, diện tích đất không gieo trồng trong vụ hè thu 2013 trên địa bàn tỉnh là 950,82ha, chủ yếu ở ba huyện Hưng Nguyên (211,82 ha), Nam Đàn (600ha), Yên Thành (5ha) và TP. Vinh (134ha).
Để khắc phục tình trạng bỏ, trả ruộng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập đưa ra một số giải pháp: Đầu tư hệ thống kênh mương, tưới tiêu chủ động để nông dân yên tâm sản xuất; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phù hợp, trong đó đi theo hướng sử dụng các giống ngắn ngày, chịu ngập úng và các biện pháp thâm canh phù hợp...
|
Theo Kinh tế nông thôn