Giữ đất lúa nhưng không có nghĩa là chỉ trồng lúa

28/08/2013

Chiều nay (28/8), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp báo.

Bộ trưởng cho biết, tình hình chung, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng còn chậm. Có điểm đáng chú ý, CPI tháng này tăng vọt lên, cả 8 tháng tăng 3,52%. Về nguyên nhân, một phần do điều chỉnh thêm một bước giá dịch vụ y tế tại Hà Nội. Đây là việc tăng có phần chủ động. Qua đó chúng ta thấy rõ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có kiềm chế lạm phát cần đặc biệt ưu tiên, không được chủ quan. 
Những tháng còn lại và định hướng năm tới, chúng ta tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cố gắng tăng trưởng GDP đạt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, khoảng 5,4%. Điều quan trọng nhất là quyết tâm đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, không chạy theo tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành giá cả theo cơ chế thị trường theo định hướng của Nhà nước.
Người nghèo tiếp tục được hỗ trợ sử dụng điện
Trả lời về việc lộ trình điều chỉnh giá điện ngày 01/8 vừa qua, Bộ trưởng cho biết đó là chủ trương chung của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhờ chuyển tới báo chí lời cảm ơn thời gian qua đã rất quan tâm tới lĩnh vực điện nói chung, đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, theo sát tiến trình điều hành giá điện với sự quan tâm sâu sắc, quan ngại đến các đối tượng chính sách, các ngành sản xuất. Đồng thời Bộ Công Thương cũng thừa nhận việc tuyên truyền giải thích chưa làm tốt lắm, sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Theo lộ trình, với quy định chặt chẽ, trong đó có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trường hợp nào được tăng. Có rất nhiều điều kiện, nhưng trong đó có 2 điều kiện, một là không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng, tức là lần này cách lần kia ít nhất 3 tháng. 
Thứ 2, mức tăng 5% trở xuống thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương. Vì thế, từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Nhưng đúng là chúng ta cần phải tuyên truyền giải thích cụ thể.
Tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng cũng đề cập và quán triệt, chúng ta theo lộ trình, phải điều chỉnh dần. Nhưng đặc biệt, phải có chính sách kèm theo rất cụ thể cho người nghèo và cho các đối tượng chính sách, phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân. 
Chính phủ khẳng định đối với hộ nghèo, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ. Tôi xin nói rằng, từ trước tới nay tất các hộ dân nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, Chính phủ bao cấp hoàn toàn, bao cấp ở đây là cho tiền mặt, ai không dùng hết thì giữ lại số tiền mặt. Dù có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ chứ không cào bằng, một mặt tiếp tục nghiên cứu chính sách để làm sao khuyến khích người dân sử dụng được trang thiết bị điện mà cụ thể ở đây là bóng đèn tiết kiệm điện. Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo nhưng bằng tiền mặt, đồng thời có chương trình hỗ trợ người dân chuyển sang dùng bóng tiết kiệm điện. Thậm chí số tiền hỗ trợ này nếu người dân tiết kiệm điện thì có thể giữ lại. 
Giữ đất lúa, nhưng không có nghĩa là chỉ trồng lúa
Liên quan đến chính sách giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, nhiều địa phương gặp khó khăn trong giữ đất nông nghiệp, dẫn đến nhiều địa phương trả đất lúa, thậm chí “lách” về đất nông nghiệp, Bộ trưởng Đam cho biết, tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nói một ý, hiện tượng trả đất lúa là rất cá biệt tại một số địa phương, chứ không phải cả nước. Chúng ta là nước nông nghiệp. Chúng ta nhớ lại, mấy chục năm trước chúng ta còn thiếu lương thực, khi đổi mới chính sách, chúng ta vươn lên, không chỉ gạo, mà tất cả các mặt hàng nông sản, trở thành một trong những nước xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản. Chúng ta cần giữ vững an ninh lương thực. Nhưng cũng có 1 thực tế, nhiều người nói rằng, chúng ta làm lúa đủ tiêu dùng, không nhất thiết làm lúa để trở thành nước xuất khẩu số 1, 2 trên thế giới. Nhưng cũng cần lưu ý một thực tiễn, ở nhiều vùng nông thôn, nhất là ở vùng Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ điều kiện tự nhiên mà thói quen canh tác từ lâu đời là chỉ biết trồng lúa, cho nên chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là phải giữ an ninh lương thực, mà đây còn là 1 ngành sản xuất. 
Bộ trưởng Đam nhấn mạnh, chúng ta cũng phải hiểu thật đúng chủ trương của Đảng là giữ đất lúa, nhưng không có nghĩa là chỉ trồng cây lúa mà chúng ta phải hiểu ở đây là trồng cây lương thực, sản xuất nông nghiệp. Tại sao chủ trương này thời gian qua chúng ta phải làm ráo riết?. Chúng ta đã biết, báo chí phản ánh rất nhiều một số năm trước đây chúng ta quản lý ở một số nơi có lỏng lẻo, cho nên chuyển một loạt đất lúa, kể cả lúa cao sản sang làm đô thị mới, KCN, trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy chưa nhiều. Chủ yếu chúng ta ngăn chặn việc chuyển đất lúa, đặc biệt là lúa cao sản, nông dân bà con hay gọi là bờ xôi ruộng mật, sang làm đô thị mới, làm nhà, cửa, KCN trong khi tỷ lệ lấp đầy chưa cao.
Còn khi giữ đất lúa bây giờ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang được giao nhiệm vụ là tái cơ cấu nông nghiệp. Những vùng đất có thể kết hợp trồng lúa với các loại khác, không chỉ là cây lương thực như ngô, đậu tương, mà có thể trồng những cây như thanh long hay một loại cây ăn quả. Khi cần thiết, đất ấy chúng ta vẫn quay lại canh tác lúa được. Chúng ta nên hiểu như vậy. 
Còn cá biệt thời gian vừa qua, có những nơi làm đất lúa dứt khoát chỉ trồng lúa, nông dân chuyển sang trồng ngô thì xử lý, hiểu như thế là không đúng.
Như Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT nói, thời gian trước đây, trong vòng 1 năm chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000ha, bây giờ mức độ chuyển thấp hơn hẳn vì nhu cầu vẫn phải công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng hạn chế ở mức thấp nhất có thể và giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực. 
Hệ số lương của Thủ tướng không quá 13
Trả lời câu hỏi của phóng viên, hiện nay lương của Thủ tướng là bao nhiêu và mức lương của các vị lãnh đạo của các công ty nhà nước gấp bao nhiêu lần lương Thủ tướng?
Bộ trưởng Đam cho hay, tôi không nhớ con số chính xác lương Thủ tướng là bao nhiêu, nhưng không quá 13 lần hệ số lương cơ bản (mức lương dành cho lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước). Theo hệ số mức lương tối thiểu mới điều chỉnh là 1.150.000 đồng thì có thể tính ra mức lương của Thủ tướng. 
Lương của các doanh nghiệp Nhà nước thì với quy định của Chính phủ, mức cao nhất không quá 36 triệu đồng/tháng đối với chủ tịch hội đồng thành viên của tập đoàn. 
Theo Bộ trưởng, việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP. HCM nhận lương tiền tỷ là việc làm không đúng so với các quy định hiện hành và cần được xử lý. Với quy định hiện hành tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, mức lương cao nhất được quy định cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tương đương 432 triệu đồng/năm. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên.
Như vậy, nếu những điều báo chí phản ánh trong những ngày qua là chính xác thì việc chi trả lương nêu trên là sai, thẩm quyền xử lý hiện được giao cho UBND TP cũng như các bộ ngành liên quan.
“Ngay sau khi nhận được thông tin của báo chí về vấn đề này, Phó thủ tướng phụ trách cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương có báo cáo về tình hình chi trả lương tại các cơ quan, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý để chấn chỉnh vấn đề này”, Bộ trưởng Đam thông tin.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác