Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: “Quan trọng nhất là thay đổi thể chế”

13/11/2014

"Phân bố lại nguồn lực, cải cách thể chế, nhất là dẹp bỏ các DNNN kìm hãm sự vận hành của thị trường thì mới có thể tái cơ cấu nông nghiệp một cách bền vững cũng như định hướng thị trường đúng hướng" - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, khẳng định.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW

Thị trường đang méo mó

Trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi phân tích rằng nền kinh tế Việt Nam đã phân bố nguồn lực sai lệch, từ đó dẫn tới việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả, nền kinh tế kém sức cạnh tranh và tạo ra một cơ cấu không hợp lý. Dần dần, nó không thể tạo ra một tiềm năng tăng trưởng lớn.

Như vậy, tái cơ cấu kinh tế nghĩa là phải đảo lại toàn bộ quá trình này, nghĩa là phải phân bố lại nguồn lực trên phạm vi toàn bộ quốc gia và nền kinh tế. Nhưng phân bố lại thì phải làm thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng cần tuân theo cơ chế thị trường, nói đúng hơn là làm cho thị trường vận hành tốt mới là nhân tố quyết định. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường mà hãy để nó vận hành theo quy luật cạnh tranh bình đẳng, có trật tự.

Để thị trường vận hành tốt thì có mấy yếu tố. Một là ổn định kinh tế vĩ mô. Hai là phát triển nguồn nhân lực. Ba là phát triển hạ tầng. Và điều quan trọng nhất, đó là thay đổi thể chế.

Thay đổi thể chế giúp thị trường vận hành tốt hơn theo hướng tạo ra nhiều thị trường, chỗ nào thị trường méo mó, phải sửa. Đặc biệt, phải sửa thất bại của Nhà nước vì đó là nguyên nhân gây méo mó cho thị trường. Chúng ta đã chứng kiến Nhà nước không thành công triệt để trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, dẫn tới thị trường méo mó trầm trọng hơn.

Tái cơ cấu nông nghiệp là một phần quan trọng và nó không thể tách rời khỏi tổng thể nền kinh tế, và cũng phải dựa trên tư duy làm thị trường hoạt động tốt hơn để giúp phân bố lại nguồn lực trong khu vực nông nghiệp. Khi nói tới cơ cấu SX nông nghiệp, tôi cho rằng cần phải lưu ý một vài điểm.

Thứ nhất là về đất đai: Nếu đất đai vẫn còn theo cơ chế quản lý hiện tại thì không thể tích tụ được. Nhà nước thống nhất quản lý, cơ chế phân chia theo hành chính, can thiệp giao dịch bằng các thủ tục cứng nhắc. Mọi giao dịch trên thị trường vì thế rất rủi ro, đặc biệt đối với nông dân. Bởi vậy, không thể tích tụ được ruộng đất cho sản xuất lớn và không thay đổi được cách tổ chức SX trong nông nghiệp. Quy mô kinh tế hộ hiện không còn phù hợp với mô hình cánh đồng lớn, SX lớn... Vì thế, phải chuyển đổi thể chế quản lý đất đai.

Đối với đất nông nghiệp, quyền sử dụng đất phải là tài sản của nông dân, là bệ đỡ cho họ khi chuyển ra làm ngành nghề khác. Nói cách khác, họ có quyền định đoạt tài sản của mình thông qua các giao dịch dân sự bình thường. Như vậy sẽ bền vững hơn.

Thứ hai, đối với đầu tư công. Hiện hầu hết nguồn lực của đầu tư công đều không dồn vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, khó có thể nói rằng nông nghiệp tạo bước đột phá trong tương lai gần. Ngoài ra, nông nghiệp cũng không thể là “đệm chống sốc” cho toàn bộ nền kinh tế, khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng.

Theo tôi, tái cơ cấu nông nghiệp cần chỉ rõ phát triển ngành nào là trọng tâm, và phải đưa ngành đó vào thị trường thế nào, tránh chung chung. Ví dụ như ngành lúa gạo, phải chỉ rõ nguyên nhân gây méo mó thị trường, nó méo mó ở chỗ nào? 
Đầu tiên, tôi cho rằng 2 DN Nhà nước trong ngành nông nghiệp là một minh chứng cho sự méo mó thị trường. Nếu còn 2 ông này thì đừng bao giờ nói chuyện Việt Nam có thể làm được gạo chất lượng cao, chứ chưa nói đến thương hiệu. 
Bởi lẽ, họ không có động lực làm việc đấy. Và, nếu có DN nào khác cố gắng làm việc đấy sẽ bị họ tìm cách triệt tiêu ngay. Càng giữ 2 ông này càng thua thiệt cho nông dân, càng méo mó thị trường và không thể chuyển đổi được cơ cấu nông nghiệp.

Cơ chế “khuyến khích đầu cơ thay vì đầu tư”

Một vấn đề nữa là chuỗi cung ứng nông sản. Khi xem xét vấn đề này, cần dựa trên tư duy thị trường. Cần đi sâu phân tích chuỗi và cách hoạt động của nhân tố trong đó, cách kết nối và phân chia lợi ích, chỗ nào thị trường thất bại thì Nhà nước can thiệp để chuỗi vận hành tốt hơn.

Ông chế biến thế nào và ông XK ra sao? Ai là người đang dẫn dắt chuỗi này, xin thưa, chưa có ai cả. Vì thế, cần tạo ra người dẫn dắt chuỗi và tạo động lực để họ hoạt động theo cơ chế thị trường.

Tôi lấy ví dụ: Việt Nam đứng đầu thế giới về XK một số mặt hàng nông sản, nhưng chỉ là sản xuất thô, tại sao lại như vậy? Lý do vì thị trường hoạt động theo hướng ngắn hạn, cạnh tranh theo kiểu “phi chính thức” và “hoang dã”.

Ngoài ra, do không có SX quy mô lớn nên người SX và DN không tìm thấy động lực đầu tư, nghiên cứu để tạo ra lợi thế so sánh lâu dài. Như vậy, càng SX nhiều, giá trị gia tăng thu được càng thấp.

Nói đến DN, thực ra, DN Việt Nam không “lớn” lên được. Nguyên nhân là do động lực thể chế của Việt Nam đang khuyến khích người ta ứng xử ngắn hạn, chụp giật, đầu cơ chứ không phải đầu tư dài hạn. Chừng nào mà còn chụp giật, đầu cơ ngắn hạn, phi chính thức, thì không thể có đầu tư cho KHCN được, vì đấy là một đầu tư rất rủi ro. Đây chính là thất bại của Nhà nước làm cho thất bại của thị trường ngày càng trầm trọng hơn.

Như vậy, nếu ông DN mà đứng đắn, trung thực thì sẽ thua thiệt, bởi cơ chế đang khuyến khích DN đi tìm địa tô hơn là đi tìm lợi nhuận, tạo ra giá trị gia tăng. Và, với cơ chế mở cửa như hiện nay, chúng ta đang tạo ra cơ hội kinh doanh cho người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, chứ không phải cho chính các DN Việt Nam.

WTO là minh chứng điển hình cho câu chuyện này. Khi gia nhập WTO, phần lớn các cơ hội kinh doanh do ta tạo ra đều được các DN nước ngoài tận dụng triệt để về nhân công, ưu đãi đầu tư, đất đai để tạo ra sản phẩm, sau đó XK ra thế giới thu ngoại tệ. DN Việt Nam yếu, ứng xử hoàn toàn khác, bị ràng buộc bởi thể chế nên họ thích nhỏ, thích phi chính thức, thích làm ăn theo kiểu “kín đáo”. Mà không phải họ thích, mà họ buộc phải làm như thế thì mới “phù hợp với điều kiện thực tiễn”.

Với cách như thế, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang có quá nhiều thị trường. Nhưng đúng hơn, phải là nhiều thị trường hoang dã, ít thị trường nhân văn. Thị trường hiện đại, nhân văn là phải cạnh tranh bình đẳng, có trật tự chứ không phải thâu tóm thị trường không theo chuẩn mực nào cả. Nhà nước có những việc đáng làm thì không làm, tư nhân có thể làm được thì không để họ làm.

Đã đến lúc phải thay đổi, làm cho cơ chế chính sách ổn định hơn, thực tiễn hơn. Những từ “kiểm tra”, “kiểm soát”, “thanh tra”… cần phải bỏ. Thay vào đó là “thúc đẩy”, “hỗ trợ”, “đồng hành”… Chứ không phải suốt ngày đi tìm kiếm những lỗi nhỏ để phạt, để hành. Cái này, tôi nói rằng, cần phải thay đổi, thay đổi ngay từ trong não trạng của bộ máy công quyền.

Đầu tiên là thay đổi từ những nhà lãnh đạo. Chúng tôi thấy năng lực và tiềm năng của người Việt Nam rất lớn, nhưng không thể bứt lên được, bởi động lực không có, thể chế bó buộc. Đây là quá trình hết sức sai lầm và chúng ta cần loại bỏ. Người ta vẫn hay nói “chừng nào anh còn làm theo lối phi chính thức thì anh không thể vượt được ngưỡng giới hạn của sự phát triển”. Chúng ta cần tìm ra bứt phá về tư duy và thể chế mới tạo được thay đổi.

“Lãnh đạo phải đi tiên phong, phải làm gương. Cán bộ nào hạch sách, nhũng nhiều nhân dân, nhũng nhiều DN và kìm hãm sự phát triển thì phải trị đến nơi đến chốn. Như thế mới có thể thay đổi được thể chế một cách căn bản”, TS Nguyễn Đình Cung.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác