|
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
|
Sau Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã đi đầu cả nước trong việc triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về một số nội dung quanh chuyện tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng.
PV: Thưa ông, được biết tỉnh Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Xin ông cho biết một số nét cơ bản về nông nghiệp của tỉnh hiện nay?
Ông Lê Minh Hoan: Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông đi lên từ nông nghiệp, với hai thế mạnh là sản xuất lúa gạo và thủy sản. Tất nhiên, bên cạnh đó còn có cây ăn trái, nhưng cơ bản thì lúa gạo và thủy sản vẫn là chủ lực.
Sau nhiều năm phát triển rất tốt, đến 2007, đối với cá tra không còn dấu hiệu tích cực nữa, với chỉ số đóng góp cho GDP của tỉnh giảm dần. Còn lúa gạo thì mấy vụ gần đây bắt đầu có sự khủng hoảng nhất định. Chính điều đó, tỉnh nhận thấy rằng, sau 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười, chúng tôi đã đưa nông nghiệp đi hết chiều rộng, không còn đất để mở rộng quy mô nữa. Đất để sản xuất nông nghiệp chỉ có 210.000 ha.
Do đó, để đưa nông nghiệp đi vào chiều sâu, tái cơ cấu nông nghiệp là một nhu cầu bức xúc. Vì không phát triển được theo chiều rộng nữa thì phải phát triển theo chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao và mối quan hệ sản xuất và tiêu thụ phải bền vững.
PV: Khi đi đầu cả nước trong tái cơ cấu nông nghiệp, những thuận lợi và khó khăn mà Đồng Tháp tự lường trước là gì, thưa ông?
Ông Lê Minh Hoan: Thuận lợi đầu tiên là Đồng Tháp triển khai tái cơ cấu trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế quốc gia. Động thái tái cơ cấu này vừa là nhu cầu khách quan vừa xuất phát từ ý định chủ quan trên cơ sở thực trạng sản xuất nông nghiệp của Đồng Tháp đặt ra.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có thuận lợi là bắt đầu đã có những mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng chuỗi gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đây tín hiệu về kinh tế hợp tác, sự liên kết giữa những người nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp đã hình thành và có sự lan tỏa nhanh, không còn xu hướng như những năm trước đây là mỗi hộ sản xuất riêng lẻ, tự phát theo tập quán. Bây giờ họ đang hình thành sản xuất có tổ chức.
Cùng với đó, những năm trước đây Nhà nước đã đầu tư đê bao, hạ tầng để hình thành các cánh đồng lớn, có hệ thống tưới tiêu... giúp nông dân xuống giống đồng loạt, thu hoạch đồng loạt. Đó là những mầm mống cho sự liên kết giữa những người nông dân lại với nhau, và họ liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hơn nữa, Đồng Tháp tự thấy có thế mạnh là tỉnh nhiều năm liền cải thiện được hình ảnh địa phương thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở tốp đầu. Đây là yếu tố tạo hiệu ứng phần nào cho các nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư, tính thân thiện của chính quyền, sự đồng hành của chính quyền với các khó khăn bước đầu khi đầu tư vào nông nghiệp.
Về khó khăn, theo tôi, đó là việc thay đổi tập quán sản xuất. Nhìn chung bà con đồng thuận, nhưng trên mỗi cánh đồng chỉ cần 10-20% bà con không đồng thuận cũng gây rất khó khăn cho triển khai tái cơ cấu.
PV: Có tâm lý cho rằng, nhiều mô hình vẽ ra trên giấy thì hay nhưng nông dân mới là người làm thực sự. Trong khi đó, sau các cuộc họp triển khai mô hình, lễ phát động phong trào.… rồi nông dân lại “bơ vơ” giữa cánh đồng. Theo ông, tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Đồng Tháp sẽ làm gì để không xảy ra tình trạng như vậy?
Ông Lê Minh Hoan: Chúng tôi cũng bắt đầu thấy có triệu chứng bệnh phong trào như ngày xưa. Vì thế, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã bàn thảo định vị lại các công việc. Trong đó, quán triệt phải bắt đầu từ những việc nhỏ, mỗi việc làm đều phải có kết quả cụ thể và kết quả theo từng giai đoạn cụ thể chứ không làm theo kiểu phong trào như xưa nữa.
Đồng Tháp khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp phải xuất phát từ chính cơ sở, từ người nông dân
Đặc biệt, chúng tôi sẽ không áp dụng đồng phục cho mọi mô hình, mà tùy vào từng địa phương cụ thể, tùy thực tiễn để làm. Ngày xưa có những phong trào đã làm rồi nhưng không giữ vững được là vì đã có sự áp đặt một mô hình chung cho nhiều địa phương, trong khi mỗi địa phương có đặc thù riêng. Hay như khi chúng ta làm kế hoạch từ trên xuống dưới. Nay, cánh đồng liên kết chúng tôi cho làm xuất phát từ xã lên huyện, rồi lên tỉnh. Tức làm theo một quy trình ngược với trước đây, nhưng thực chất đó mới là xuôi. Vậy nên, khi xây dựng mô hình để thực hiện tái cơ cấu, chúng ta phải xuất phát từ người nông dân, từ cơ sở thực tiễn chứ không phải xây dựng ra mô hình rồi áp đặt từ trên xuống bắt họ phải làm theo.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu thực chất là tăng giá trị cho các sản phẩm họ đang làm chứ không phải biến những người nông dân và cánh đồng của họ đang có thành nơi nuôi trồng các con khác, cây khác. Ông nghĩ sao?
Ông Lê Minh Hoan:Tôi cho rằng đây là ý kiến hoàn toàn đúng.
PV: Được biết, trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp đang xây dựng có đặt ra 4 định hướng cho tái cơ cấu nông nghiệp. Xin ông cho biết, tại sao Đồng Tháp chọn 4 định hướng đó và nội dung cơ bản của mỗi định hướng là gì?
Ông Lê Minh Hoan: Đồng Tháp đặt ra 4 mục tiêu gồm phát triển nông nghiệp, gồm: Mục tiêu mũi nhọn là phát triển nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch; Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp; Khai thác sức mạnh của thanh niên, giới trẻ và chiến lược đào tạo nghề cho lực lượng lao động tham gia xây dựng nền nông nghiệp hiện tại và tương lai; Phát huy vai trò của cộng đồng.
Đây là 4 nội dung khác nhau nhưng nó bổ sung cho nhau để tạo ra sự đồng bộ trong sự chuyển mình của nông thôn, nông nghiệp.
Hiện tại, Đồng Tháp tập trung làm để nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác và liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trong bản thân kinh tế hợp tác, chú trọng đến lực lượng lao động thanh niên. Bởi họ là những người có thể tiếp cận những tri thức và nhận thức về sản xuất nông nghiệp mới. Họ có tâm huyết hơn trong vấn đề liên kết làm ăn lớn hơn so với những người nông dân cũ.
Còn việc gắn kết với du lịch là để chúng ta tạo ra thêm những giá trị gia tăng. Tức là trên một đơn vị diện tích, ta không làm thuần nông lúa nữa mà phải tạo ra nhiều sản phẩm để từ đó nâng cao chất lượng sống cho người nông dân.
PV: Nhiều người lo ngại, chiến lược là mục tiêu rất xa xôi, còn hằng ngày người nông dân vẫn phải xoay sở để tồn tại, không thể chờ sau này (vài năm) ruộng đồng mới cho… quả ngọt. Vì thế mà sản xuất còn tự phát, mạnh ai nấy làm... Theo ông, những lý giải như vậy có đúng không? Đồng Tháp sẽ làm gì để giúp nông dân cân đối hài hòa giữa đáp ứng nhu cầu tồn tại trước mắt và thực hiện ước mơ, mục tiêu chiến lược chung là phát triển bền vững?
Ông Lê Minh Hoan: Đúng là thời gian qua, có tình trạng này. Từ Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã 5 năm nay, nhưng nhiều mô hình cụ thể có cái được, có cái còn ách tắc. Ách tắc đầu tiên là chúng ta chưa lấy người nông dân làm trung tâm cho sự phát triển, cho xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Vấn đề hiện nay là phải tập huấn lại cho người nông dân. Mặc dù chúng ta có nhiều chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng hiệu quả còn rất chừng mực.
Bây giờ, chính người nông dân phải được trang bị kiến thức và có nghề phụ. Vì làm lúa, họ vẫn còn thời gian nông nhàn rất nhiều. Trong thời gian nông nhàn đó, nếu có nghề phụ sẽ tăng giá trị gia tăng cho lao động. Tức là giúp nông dân tận dụng quỹ thời gian tốt hơn nữa, từ đó tăng hiệu suất lao động và cải thiện cuộc sống.
PV: Vấn đề về vốn đầu tư cho nông nghiệp lâu nay luôn là bài toán khó. Với Đồng Tháp, khi thực hiện tái cơ cấu sẽ huy động nguồn vốn từ đâu, thưa ông?
Ông Lê Minh Hoan: Đã tái cơ cấu thì phải tái cơ cấu nguồn lực. Trước tiên, tỉnh tính toán tái cơ cấu nguồn lực ngân sách của mình. Có lĩnh vực nào đó phải chấp nhận đi sau một chút để dành nguồn lực tập trung cho tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, tái cơ cấu nông nghiệp thì nguồn lực không cần phải lớn lắm, vì hạ tầng cơ bản đã đầu tư tương đối rồi. Vấn đề ở chỗ, cần có chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vì đầu tư vào nông nghiệp độ rủi ro cao, thu hồi vốn chậm. Chắc chắn phải cần nguồn lực từ Trung ương thông qua những cơ chế hỗ trợ hoặc đầu tư qua hợp tác xã. Còn nguồn lực của tỉnh là tạo ra thêm để đầu tư phát triển hạ tầng, huấn luyện kỹ năng cho người nông dân. Điểm này đã nằm trong các chương trình của tỉnh rồi, chỉ cần lồng ghép sao cho triển khai hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo VOV Online