Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp phải đi đầu

04/09/2013

Ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hoá, tin học hoá vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn, hiệu quả là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở nước ta còn manh mún, chưa có định hướng cụ thể và thiếu đồng bộ.

Lệ thuộc công nghệ nhập
Ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, nước ta đang triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng CNC chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2020, phải có ít nhất 200 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng kinh tế trọng điểm; mỗi tỉnh có 2-3 khu vực nông nghiệp CNC. Đến nay, Việt Nam đã hình thành 2 khu nông nghiệp CNC ở TP.Hồ Chí Minh và Hậu Giang. 
Hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC ở nước ta hiện nay nhập công nghệ, thiết bị từ nước ngoài. Trong nước chưa xác định được những bộ giống phù hợp với canh tác kỹ thuật cao, nên đến nay, đa số các mô hình nông nghiệp CNC vẫn phải sử dụng hạt giống của những công ty bán và chuyển giao công nghệ. Tuy bước đầu đem lại hiệu quả nhưng nhiều mô hình chưa tương thích với điều kiện canh tác của nước ta. Đơn cử như khu nông nghiệp CNC tại Hà Nội và Hải Phòng đã nhập khẩu “trọn gói” từ nhà màng, thiết bị cho đến kỹ thuật canh tác từ Israel. Tuy nhiên, sau khi đi vào sản xuất, mô hình bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với điều kiện Việt Nam (đất đai, nguồn nước tưới, mưa bão), đồng thời khó khăn trong bảo dưỡng, duy tu các trang thiết bị. 
Do nguồn nhân lực chưa được đào tạo cơ bản nên khi tiếp xúc với một lĩnh vực CNC, người vận hành gặp nhiều khó khăn khi sử dụng máy móc, thiết bị, chưa có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất (nhà kính, nhà lưới, giàn che...) tương đối lớn nên nhiều doanh nghiệp khó chấp nhận. 
Doanh nghiệp phải là đầu tàu
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp CNC đến 2020, DN đóng vai trò chủ đạo, nhưng thực tế hiện nay thấy, số lượng DN tham gia vào lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Luật Công nghệ cao, DN công nghệ cao sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về lãi suất, ưu tiên vốn vay. Song trên thực tế, các chính sách này chưa được cụ thể hoá do chưa có hướng dẫn của Chính phủ và các bộ. Thậm chí, Luật quy định DN nông nghiệp CNC được hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhưng Chính phủ chưa bố trí nguồn kinh phí để “trả” cho các ngân hàng thương mại. Một trong những trở ngại khi tiến hành phát triển nông nghiệp CNC là tích tụ ruộng đất, vì để quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC cần có diện tích đất tương đối rộng. 
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang lập quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng CNC trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013. Dự kiến sẽ thành lập 12 khu nông nghiệp CNC tại các tỉnh, thành phố: Sơn La (200ha), Thái Nguyên (300ha), Hải Phòng (200ha), Nam Định (200ha), Nghệ An (200ha), Quảng Ngãi (190ha), Phú Yên (400ha), Ninh Thuận (150ha), Lâm Đồng (220ha), Bình Dương (412ha), Hậu Giang (415ha), Cần Thơ (200ha).
Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng CNC trong nông nghiệp cho rằng, muốn thay đổi bức tranh nông nghiệp manh mún, tạo dựng nền nông nghiệp tiên tiến, tăng sức cạnh tranh cho nông sản chỉ có cách là phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Đưa CNC vào sản xuất nông nghiệp không ai có thể làm tốt hơn DN. Bởi, ngoài tiềm lực kinh tế, DN còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị và nâng cao giá trị nông sản. Ông Dũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ DN sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Các cấp chính quyền phải đơn giản hóa thủ tục cấp chứng chỉ cho DN ứng dụng CNC trong nông nghiệp và có các chính sách ưu đãi thuế quan. Khi áp dụng CNC, phải đủ nguồn lực là đất đai, chính quyền cần bàn giao cho DN ít nhất 70% đất sạch để thực hiện dự án. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực.... để DN yên tâm đầu tư. 
Một vấn đề quan trọng là phải giải quyết được đầu ra của sản phẩm nông nghiệp CNC. Thế nhưng hiện nay, các loại nông sản an toàn cũng đang “bơ vơ” trên thị trường, giá bán không cao hơn sản phẩm bình thường khiến nông dân thờ ơ với quy trình canh tác an toàn. Mô hình nông nghiệp CNC cũng vậy, phải đầu tư lớn về trang thiết bị, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn nhiều nhưng nếu không có giải pháp phân biệt loại nông sản này trên thị trường để có giá bán cao hơn thì sẽ không khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC. Vì vậy, cần sớm chuẩn hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng và phương pháp giám định đối với nông sản CNC. Nông sản CNC phải đạt được ưu thế nổi trội về phẩm chất (hương vị, mẫu mã, độ đồng đều, thành phần dinh dưỡng…). Một số sản phẩm mang tính độc đáo cao, giàu lợi thế so sánh trong cạnh tranh nhờ những yếu tố giới hạn về phạm vi và quy mô phát triển như điều kiện sinh thái, kỹ thuật thâm canh, phẩm chất giống… Sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Đây là những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt khi xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2013/9/43215.html


Tin khác