Các chuyên gia ngành gạo cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo đầu ra cho nông dân, nhưng cũng cho thấy phản ứng thụ động của các doanh nghiệp trong xuất khẩu vì đã biết trước Thái Lan sẽ phải hạ giá gạo.
Tạm trữ cả năm
Hơn một tháng qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN như “ngồi trên lửa” vì cứ khoảng bốn ngày, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lại giảm giá gạo chào bán với mức giảm khoảng 5 USD/tấn/lần. Động thái này cho thấy Chính phủ Thái Lan không thể kéo dài tình trạng duy trì lượng tồn kho gạo giá cao quá lớn (lên đến 16 triệu tấn) mà phải bán ra, thậm chí có thể bán phá giá. Thị trường thương mại gạo thế giới bị ảnh hưởng mạnh sau khi Thái Lan tuyên bố bán gạo 100%B (tương đương loại gạo phẩm cấp 5% tấm của VN) còn 420 USD/tấn vào giữa tháng 8. Nhiều nhà nhập khẩu đã tạm ngưng ký các hợp đồng mới với VN càng khiến tình hình xuất khẩu trầm lắng hơn. Và đến cuối tháng 8, thông tin từ các doanh nghiệp cho biết Thái Lan lại giảm giá gạo loại này chỉ còn 380-390 USD/tấn, tương đương giá gạo của VN. Dù biết trước Thái Lan sẽ giảm giá, nhưng mức giá này đã làm không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước bất ngờ. Với việc hạ giá quá mạnh này, không chỉ VN mà cả Ấn Độ, Pakistan cũng khó cạnh tranh với Thái Lan. Riêng đối với VN, tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ càng thêm khó khăn.
Trước diễn biến bất lợi trên thị trường xuất khẩu gạo, VFA đã kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo (tương đương 600.000 tấn lúa) vụ hè thu và vụ thu đông sắp tới để giữ giá gạo tại thị trường nội địa. Thời gian tạm trữ từ ngày 15-9 đến 15-10, đồng thời VFA đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ 300.000 tấn gạo này trong thời gian hai tháng (từ 15-9 đến 15-11).
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử VN phải mua tạm trữ gạo ba lần trong một năm, hay nói cách khác là tạm trữ tất cả vụ sản xuất trong năm. Đây cũng sẽ là năm có mức mua tạm trữ lúa gạo lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, Chính phủ đã mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân và 1 triệu tấn gạo hè thu. Đồng thời VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm một tháng lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu vừa qua (thời hạn hỗ trợ mới đến 15-10 thay vì 15-9). Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn thay vì phải bán tháo gạo để lấy tiền trả nợ ngân hàng, càng làm tình hình xấu thêm. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, cho biết đến nay mới chỉ bán được 200.000-300.000 tấn gạo tạm trữ vụ hè thu. “Theo tính toán, trong đợt mua tạm trữ vừa qua các doanh nghiệp đang bị lỗ 30 USD/tấn. Với 700.000-800.000 tấn còn trong kho, tổng thiệt hại lên đến 21-24 triệu USD” - ông Phong nói.
Theo các chuyên gia ngành gạo, trong bối cảnh hiện tại, việc tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo là cần thiết để giữ giá gạo nội địa. Dù đây là biện pháp thụ động nhưng có tác dụng bình ổn thị trường, thay vì hoảng loạn sẽ càng tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu ép giá thêm.
Xuất khẩu giảm trên 500.000 tấn
Theo VFA, tính đến cuối tháng 8-2013 VN đã xuất khẩu được trên 4,58 triệu tấn gạo các loại với kim ngạch gần 2 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu giảm trên 500.000 tấn và giảm khoảng 298 triệu USD về giá trị.
Dự báo cung cầu sản lượng gạo thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào tháng 8-2013 cho thấy dù sản lượng gạo toàn cầu giảm nhẹ so với báo cáo tháng 7 nhưng sản lượng xuất khẩu lại tăng nhanh hơn lượng nhập khẩu. Cụ thể, USDA dự báo niên vụ 2013/2014 các nước có thể xuất khẩu 38,97 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu nhập khẩu ở mức 36,81 triệu tấn.
|
Thiếu chiến lược xuất khẩu gạo
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia về thị trường lúa gạo, cho rằng biện pháp tăng mua tạm trữ cho thấy sự thụ động của các doanh nghiệp trong nước đối với xuất khẩu gạo, nhưng dù sao cũng cần thiết. Bởi vì hiện các nhà nhập khẩu đang thực hiện nhiều động thái ép giá như ngừng ký hợp đồng mới, tạm hoãn các hợp đồng đang đàm phán, hoãn tiến độ nhận hàng, hủy hợp đồng... Hơn nữa, thông tin Thái Lan hạ giá gạo xuống 380-390 USD/tấn chưa được công bố chính thức và còn nhiều thị trường lớn vẫn mua gạo từ VN trong thời gian tới nên tình hình có thể không đến mức quá bi quan. “VN vẫn hi vọng được vào những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines khi họ nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, khi tình hình Thái Lan ổn định trở lại thì Trung Quốc sẽ quay lại mua gạo của VN bởi giá gạo VN vẫn cạnh tranh nhất so với các nguồn cung khác” - ông Bích nhận định.
Một chuyên gia ngành gạo khác cho rằng giá gạo giảm là tình trạng chung của các nước chứ không riêng gì VN. Tuy nhiên, VN cần chủ động hơn trong chiến lược tạm trữ và xuất khẩu để tránh thiệt hại. Theo chuyên gia này, dù biết năm nay xuất khẩu khó khăn nhưng cách thức tạm trữ và hỗ trợ thị trường của Chính phủ không khác gì các năm trước. Chính điều này tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu ép giá gạo VN xuống rất thấp trong quý 2. “Nếu Chính phủ cam kết mạnh mẽ ngay từ đầu năm sẽ tăng mua tạm trữ, tăng thời hạn hỗ trợ doanh nghiệp thì nhà nhập khẩu cũng dè chừng nếu muốn ép giá gạo VN” - chuyên gia này cho biết.
Theo ông Trương Thanh Phong, trước mắt VFA đã đề nghị mua tạm trữ để ổn định thị trường, sau đó tùy thuộc vào giá bán gạo của Thái Lan để có điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, VFA đề nghị doanh nghiệp cần phải tích cực khai thác các thị trường truyền thống và thị trường châu Phi. VFA cũng đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh đàm phán với các nước Angola, Kenya để xúc tiến giao hàng vì các nước này có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn.
Theo TTO