Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: “Nghịch lý thừa, thiếu thị trường”

15/11/2014

Vẫn chung quan điểm, định hướng đúng thị trường là mấu chốt trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ông Nguyễn Tiến Phong, Trưởng phòng Giảm nghèo của UNDP nhấn mạnh thêm, cần có bàn tay của Nhà nước can thiệp vào thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Phong cho rằng vẫn cần có bàn tay Nhà nước trong việc thiết lập và quản lý thị trường nông sản

Nhà nước phải can thiệp

Tôi đồng ý quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp phải nằm trong tái cơ cấu chung. Tuy nhiên chúng ta chưa nhìn thấy được rõ vấn đề lệch cơ cấu tại Việt Nam. Ví dụ, ở Trung Quốc, họ phát hiện việc lệch cơ cấu rất rõ và từ lâu.

Thứ nhất, trong thời gian vừa qua, họ dồn nguồn lực sang ngành chế tác và hạ tầng, kết quả là ngành nông nghiệp và dịch vụ trả giá, đồng thời chi tiêu người dân bị bóp lại để dồn lực cho các ngành kia. Kết quả là hạ tầng phát triển quá nóng, và thừa năng lực trong ngành chế tác.

Ở trường hợp Việt Nam thì việc lệch cơ cấu thể hiện thế nào? Chúng ta đều biết, ngành dịch vụ phát triển không tồi, mặc dù nó không được sự quan tâm của Nhà nước như các ngành chế tác và hạ tầng. Tuy nhiên, một chuyện ở Việt Nam không xảy ra giống Trung Quốc, đó là ngành chế tác và hạ tầng lại không phát triển được như họ.

Nguyên nhân ở đây có thể một phần do sự quản lý yếu kém, phần khác do nguồn lực bị thất thoát quá nhiều. Như vậy, cái giá phải trả là nguồn lực bị bóp đi từ ngành nông nghiệp dồn cho ngành dịch vụ chế tác và hạ tầng, nhưng chế tác lại không thừa năng lực, hạ tầng thì phát triển chừng mực.

Khi tái cơ cấu ngành kinh tế, cần trả lại nguồn lực cho nông nghiệp. Nhưng ở đây, có ý kiến cho rằng, khi nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu, một phần lao động sẽ dôi dư và cần rút ra khỏi nông nghiệp (chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp). Tuy nhiên, ý kiến này cần cân nhắc, vì thực sự các ngành dịch vụ, hạ tầng, chế tác không có năng lực để thu hút lao động này.

Như vậy, câu trả lời ở đây là, nếu ngành nông nghiệp gắn được dịch vụ và chế biến vào thì sẽ tạo thành bệ đỡ để hút lao động ra khỏi nông nghiệp. Như vậy, phải chỉnh sửa cơ cấu trong ngành chế biến, chế tác để gắn với nông nghiệp.

Về vấn đề thị trường, khác với ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) về việc chúng ta đang thiếu thị trường cạnh tranh một cách minh bạch, tôi cho rằng, chúng ta đang buông lỏng thị trường.

Một số nghiên cứu của UNDP cho thấy ngành nông nghiệp hiện đang có quá nhiều thị trường, chứ không phải thiếu thị trường. Mọi người hãy nhìn vào thị trường SX hàng hóa nông sản cũng như đầu vào của nông nghiệp: thị trường phân bón, thuốc BVTV bị buông lỏng, không có sự quản lý chặt chẽ suốt nhiều năm nay khiến nó hoạt động cực kỳ bát nháo. Nông dân cũng vì thế mà khó có thể phân biệt được thương hiệu của DN nào tốt, thế nào là hàng giả, hàng nhái…

Tôi cho rằng có “quá nhiều thị trường và quá ít Nhà nước”. Nhà nước ở đây là gì? là thực hiện vai trò điều tiết một cách có định hướng và phải là một “bà đỡ”. Đầu tư cho ngành nông nghiệp vốn đã ít, lại không có sự định hướng thị trường nên khó có thể tạo ra đột phá trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang gặp phải một nghịch lý là, trong SX thì thừa thị trường, nhưng trong quản lý đất đai, tư liệu SX chính của nông dân, lại đang thiếu thị trường. Chúng ta chưa có thị trường chuyển nhượng, mua bán đất nông nghiệp một cách chính tắc đúng nghĩa. Ở đây, Nhà nước thống nhất quản lý và giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Như vậy là Nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường này.

Như vậy, ngoài việc điều tiết các thị trường một cách đúng hướng, đúng “liều lượng”, nhiệm vụ của Nhà nước là phải tổ chức thực hiện dịch vụ công tốt như khuyến nông, khuyến ngư, đặt ra tiêu chuẩn để nông sản có thể tham gia chuỗi giá trị.

Ngoài ra, phải lập ra các Testing center (Trung tâm kiểm nghiệm) đạt tiêu chuẩn quốc tế để nông sản Việt Nam, khi qua các trung tâm này, được công nhận chất lượng trên toàn thế giới.

Một minh chứng thế này: Khi ta XK cao su sang Trung Quốc, các DN cứ phải ngồi chờ đối tác mang mẫu đi kiểm nghiệm, nếu đạt mới cho thông quan. Như thế, thay vì việc ngồi chờ, ta chủ động thực hiện việc kiểm nghiệm trước. Nhưng ai lập ra các trung tâm đấy? Nhà nước phải làm chứ không thị trường nào làm thay việc đấy được.

Tôi phải nhấn mạnh lại, để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đã đến lúc Nhà nước phải can thiệp thị trường một cách mạnh mẽ, bởi nó chính là phương thuốc xoay chuyển những lệch lạc của thị trường.

Câu chuyện Saemaul Undong ở Hàn Quốc cho thấy, việc tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam, ngoài những biện pháp hành chính, những giải pháp về điều tiết thị trường, điều tiết nguồn lực và thu hút đầu tư, cũng cần ý thức tự lực tự cường của người dân. Khả năng tự SX, tự làm đối trọng với DN của người dân… là cực kỳ quan trọng. Nhà nước cần chú trọng nâng cao năng lực cho họ trong vấn đề này.

Hãy để nông dân tự tích tụ đất đai

Về vấn đề tích tụ đất đai, chúng ta không thể bắt được người dân phải thực hiện, mà họ sẽ tự động làm theo yêu cầu của SX, của thị trường. Nhưng hiện ở nước ta, hầu hết dân vẫn phải tích tụ đất đai theo yêu cầu của chính quyền. Nói cách khác, tích tụ đất đai kiểu phong trào, chạy theo thành tích.

Cách đây vài năm, trong một hội nghị về tam nông ở Nha Trang, chuyên gia Trung Quốc có nói một câu mà tôi rất tâm đắc, đó là: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản, và xử lý tranh chấp bằng Luật Tài sản và tòa án, chứ không phải bằng chính quyền. Điều này giúp người dân có thể tự động chuyển đổi tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng, cho vay, cầm cố…

Một vấn đề nữa là làm thế nào để tăng thu hút đầu tư của DN vào khu vực nông thôn. Tuần vừa rồi chúng tôi có gặp Đại sứ Hàn Quốc, ông ấy nói rằng DN đầu tư vào nông nghiệp đương nhiên rất rủi ro. Vì thế, kinh nghiệm của Hàn Quốc là Chính phủ sẽ cấp tiền và đảm bảo rủi ro cho các DN.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do ngân sách hạn hẹp nên việc cung cấp tài chính có thể chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cần có những cam kết mạnh mẽ của Nhà nước đối với những rủi ro khách quan của DN.

Đối với khía cạnh kinh tế hợp tác, liên kết để SX, một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp, khi nói chuyện với các chuyên gia nước ngoài, chúng tôi đều được trả lời rằng, quá trình đổi mới của Việt Nam đã để mất phần lớn các HTX là điều cực kỳ đáng tiếc, bởi các tổ chức ấy trước kia có thể méo mó và hoạt động không hiệu quả, song hiện tại, người dân không có tổ chức nào đại diện để đảm bảo việc cung ứng đầu vào, đầu ra của ngành nông nghiệp.

Việc SX không có tổ chức dẫn tới thu nhập của người dân ngày càng co hẹp do giá đầu vào gia tăng, giá đầu ra bị khống chế. Vì vậy, cho dù có quản lý sự ảnh hưởng của các DN khống chế giá đầu ra đầu vào, vẫn cần nâng cao khả năng của người dân để “mặc cả” với DN.

Nhân đây tôi nói thêm một chút về Chương trình NTM của Việt Nam. Chúng ta đã và đang xây dựng chương trình này dựa trên kinh nghiệm chương trình Saemaul Undong của Hàn Quốc. Nhưng chúng ta hiện mới chỉ học được các tiêu chí cứng, cốt lõi là nâng cao năng lực tự quản của người nông dân thì chúng ta lại không học được.

Thực chất, phong trào Saemaul Undong là tự lực tự cường. Hồi đó, Hàn Quốc tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp nặng. Do đó, nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn không còn. Chính phủ bèn phát động phong trào trên. Người dân Hàn Quốc hưởng ứng nhiệt liệt và tạo thành một hiệu ứng xã hội rộng khắp. Kết quả là nông thôn Hàn Quốc đổi thay rõ rệt.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

 


Tin khác