Mặc dù tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2008-2013 khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh tại Hội thảo Khoa học và Công nghệ Phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khai mạc sáng 06/12 tại Hà Nội.
Theo ông Lê Quốc Doanh, trong giai đoạn 2008-2013, tổng kinh phí nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý trong lĩnh nông nghiệp, nông thôn là 2.143 tỷ đồng, chiếm 30% tổng kinh phí cho các nhiệm vụ nhà nước. Trong khi đó, kinh phí sự nghiệp KHCN cấp cho Bộ NN&PTNT giai đoạn 2008-2013 là gần 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng kinh phí sự nghiệp KHCN của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh
Ở giai đoạn này, trong tổng kinh phí chi cho KHCN cấp về Bộ NN&PTNT từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), hơn 1.200 tỷ đồng được chi cho lương và hoạt động bộ máy, chiếm 32% tổng kinh phí được cấp. Riêng năm 2014, kinh phí sự nghiệp khoa học là hơn 720 tỷ đồng, trong đó chi cho lương và hoạt động bộ máy tăng lên khoảng 321 tỷ đồng, chiếm 44%, do lương cơ bản tăng theo quy định của nhà nước.
Thứ trưởng nhận định rằng: Nhìn chung trình độ KHCN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực của phát triển kinh tế - xã hội.
“Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao. Các công trình nghiên cứu cơ bản có chất lượng thấp, số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 củaMalaysia và 1/6 của Singapore. Nhiều công trình nghiên cứu không đi đến kết quả ứng dụng thực tiễn sản xuất. Hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp còn thấp, hiệu quả chưa cao. Những nghiên cứu về gói kỹ thuật còn hạn chế, nghiên cứu về cơ khí nông nghiệp, bảo quản, xử lý sau thu hoạch rất ít và tác động trong sản xuất chưa cao,” ông Doanh khẳng định.
Đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp còn hạn chế
Hiện cả nước có trên 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu; 90% trong số này là các doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra của Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ KH&CN) trên 1.500 doanh nghiệp có hoạt động KHCN, có 350 doanh nghiệp có tiềm nang phát triển thành doanh nghiệp KHCN, nhưng trong số đó chỉ có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 8%.
Như vậy, để được hưởng các chế độ ưu đã hỗ trơ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) thì doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2011, chỉ có 1.090 đơn vị thông báo có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chiếm 0,34% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng kinh phí là 5.439 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho nghiên cứu và phát triển là khoảng 1.500 tỷ đồng.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp KH&CN trong các lĩnh vực. Năm 2013, có 65 doanh nghiệp được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Các địa phương đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho trên 100 doanh nghiệp.
Hiện nay, có trên 400 doanh nghiệp công nghệ cao đang hoạt động tại các khu công nghệ cao trong đó có 20 doanh nghiệp được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận và 11 doanh nghiệp do Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận.
Trong thời gian tới, cần có chính sách đồng bộ để khuyến hích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Cần tăng đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp; tập trung xây dựng một số viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp thành các tổ chức KHCN mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, tiếp tục đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm…
http://nongnghiep.vn/