Gậ­p ghềnh nông sản xuyên biên giới

15/06/2015

Tiêu thụ nông sản qua biên giới hiện phụ thuộc nhiều vào thương lái nước ngoài, chủ yếu là hợp đồng miệng nên đầy rủi ro.

Tại hội thảo "Nông nghiệp hợp đồng xuyên biên giới" vừa tổ chức mới đây, ông Đặng Kim Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), cho biết, hợp đồng trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng, không chỉ giúp nông dân yên tâm về đầu ra, mà còn là cơ sở để doanh nghiệp (DN) cung cấp nguồn lực đầu vào cho nông dân.

Những vướng mắc hiện nay là, cơ chế thực thi hợp đồng tiêu thụ nông sản (HĐNS) ở Việt Nam rất yếu, việc phá bỏ hợp đồng giữa nông dân và DN tại thời điểm thu hoạch khi giá sản phẩm biến động vẫn diễn ra. Sự phát triển của loại hình HĐNS xuyên biên giới của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu nên hệ thống chính sách về mảng này còn hạn chế. Hình thức giao thương phi chính thức dựa vào thương mại biên mậu vẫn khá phổ biến.

 

Hiện, việc tiêu thụ nông sản qua biên giới phụ thuộc nhiều vào thương lái nước ngoài.

TS.Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho biết, qua khảo sát về hoạt động tiêu thụ chuối, dứa xuyên biên giới tại tỉnh Lào Cai, thấy sản lượng chuối của Việt Nam tăng từ 1,1 triệu tấn năm 2000 lên 1,9 triệu tấn năm 2014, chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng chuối thế giới. Hơn 90% lượng chuối XK của Việt Nam là đưa vào thị trường Trung Quốc nhưng giá XK quá thấp, chỉ đạt 273 USD/tấn, trong khi Trung Quốc là 1.044 USD/tấn, Israel 883 USD/tấn và Lào là 488 USD/tấn.

Năm 2014, toàn tỉnh Lào Cai có 1.354ha trồng chuối, doanh thu 45,8 tỷ đồng và 998ha trồng dứa, doanh thu 78 tỷ đồng. Một vấn đề đặt ra là, phần lớn lượng chuối XK do thương lái Trung Quốc đến tận nơi thu mua, trong khi các DN ký kết hợp đồng bao tiêu không được nhiều nông dân đón nhận. Khảo sát tại huyện Bát Xát, 80% nông dân trồng chuối cho rằng, nếu ký hợp đồng với DN thì giá bán thấp hơn nhiều so với bán cho thương lái. Vì hợp đồng được DN ký kết từ đầu vụ sản xuất nên đưa ra giá thấp để phòng khi thu hoạch, giá thị trường xuống thấp thì DN  không bị thiệt. Bán cho thương lái, nông dân đối mặt với rủi ro theo hướng khác, khi cung vượt cầu thì họ không bán được sản phẩm. Nếu ký hợp đồng với DN, nông dân được cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn bán cho thương lái Trung Quốc không được hỗ trợ đầu vào nhưng họ lại yêu cầu nông dân phải sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuất xứ từ Trung Quốc thì mới mua. Thành ra, vô hình chung chúng ta trở thành nơi tiêu thụ vật tư nông nghiệp cho Trung Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Thành, Phó trưởng phòng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, cho hay, có DN chi ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho nông dân trồng chuối, nhưng chia lẻ ra cho cả nghìn hộ thì mỗi hộ chỉ được vài trăm nghìn đồng. Khi nông dân phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm, DN không thể kiện được, vì giá trị tiền đầu tư cho mỗi nông dân là quá nhỏ. Bà Vũ Thị Nhàn, Giám đốc Công ty Ban Mai, đơn vị chuyên XK dứa cho hay, dứa Lào Cai có thế mạnh lớn, thị trường ưa chuộng, DN ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng đến vụ thu hoạch, thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt, họ trả giá cao hơn nên DN Việt không mua nổi.

Đại diện Công ty Hoàng Lan (Bảo Thắng - Lào Cai) nêu vấn đề, khi XK chuối qua cửa khẩu ở Lào Cai, xe không được đưa hàng sang Trung Quốc mà phải bốc hàng qua xe biên mậu và nộp phí 500.000 đồng/tấn. Trong khi đó, thương lái Trung Quốc được chở từ Việt Nam qua biên giới vào sâu nội địa Trung Quốc, họ không mất chi phí bốc dỡ hàng biên mậu nên giá thành thấp hơn. Để tránh khoản phí này, nhiều khi DN nước ta phải nhờ đến giới bảo kê cho đi chui, biết như vậy là phạm pháp nhưng cũng không còn cách nào khác.

TS.Phạm Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp cho biết, với chính sách "zou chuqu", Trung Quốc đẩy người đi tứ xứ, tràn vào Việt Nam để thu mua nông sản. Nhưng Việt Nam lại chặn người rất thủ công và thực tế đã không thành công, lại còn gây khó cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. Theo quy định của Việt Nam, tư thương Trung Quốc nếu không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì sẽ không được phép ký hợp đồng với người dân Việt Nam. Nhưng vì thủ tục đăng ký kinh doanh tại nước ta khá rườm rà nên thương lái Trung Quốc không ký hợp đồng thu mua nông sản mà chỉ thỏa thuận miệng. Dĩ nhiên là chính quyền không thể can thiệp, xử lý khi xảy ra tranh chấp. "Xuất - nhập khẩu hàng qua đường tiểu ngạch không được thể chế hóa cụ thể, dẫn đến những rào cản và một số thiệt hại cho cả tư thương và người dân, tăng các chi phí giao dịch khi XK", ông Hội nói.

Theo ông Hội, các chính sách liên quan đến phát triển nông sản đều khích lệ DN ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân, đồng thời bổ sung sự ràng buộc trách nhiệm giữa DN và người dân. Thế nhưng, hiệu quả thực hiện các chính sách nhìn chung mờ nhạt: chưa thực sự khởi tạo môi trường để các doanh nghiệp phát triển và các hợp đồng nảy sinh. Ông Hội kiến nghị, Nhà nước cần phải thể chế hóa và đơn giản thủ tục hơn về tư cách pháp nhân của tư thương nước ngoài khi vào làm ăn tại Việt Nam. Cho phép sự can dự nhiều hơn của chính quyền địa phương vào việc hỗ trợ và giám sát 2 bên thực hiện hợp đồng, cũng như bảo vệ quyền lợi của 2 bên. Nên tạo điều kiện cho tư thương Trung Quốc có cơ hội đầu tư dài hạn hơn, hỗ trợ ứng trước vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Với DN trong nước, để cạnh tranh được, cần cân nhắc lại tỷ lệ phân chia thu nhập, giúp giảm bớt sự khác biệt về thu nhập cho người dân giữa nhóm có hợp đồng và không hợp đồng. 

Theo Chu Khôi - VnEconomy


Tin khác