Gắn nghiên cứu chính sách với nhịp đập thị trường

10/09/2015

“Nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay cần đề cập đến hàng loạt các vấn đề liên ngành; áp dụng phương pháp hiện đại để giải quyết các vấn đề chính sách một cách tinh tế và chính xác hơn, gắn kết chặt chẽ với nhịp đập của thị trường trong nước và quốc tế...”.

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) với phóng viên NTNN nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Viện này (9.9).

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (giữa) tiếp xúc với nông dân tại tỉnh Ninh Thuận để khảo sát       vấn đề tác động của thời tiết bất thường đến sản xuất lúa. 

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết:

IPSARD được thành lập ngày 9.9.2005 trên cơ sở Viện Kinh tế nông nghiệp. Trải qua 40 năm phát triển và liên tục đổi mới, đặc biệt trong 10 năm gần đây, IPSARD đã có bước tiến dài và từng bước khẳng định vị thế và có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cán bộ IPSARD đã luôn theo sát những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn, sống cùng thực tiễn, bám sát nông dân và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề của thực tiễn bằng các công cụ khoa học, dựa vào đó để tư vấn cho việc hoạch định chính sách liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn.  

Những kết quả hoạt động đáng chú ý của Viện là gì, thưa ông?

- Đáng chú ý nhất là kết quả nghiên cứu về “Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa của các nước” được Đảng đánh giá cao và sử dụng trong quá trình xây dựng Nghị quyết T.Ư 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các kết quả nghiên cứu khác đã đóng góp tích cực cho công tác sửa đổi Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020; chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách thu hút đầu tư về nông thôn, chính sách kích cầu cho khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Với một Viện nghiên cứu chiến lược mới có… 10 tuổi, những thành quả đó quả thật rất ấn tượng. Những yếu tố đặc biệt nào đã góp phần làm nên những kết quả này?

- Ngoài sự nỗ lực không ngừng của cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Viện, có 5 nguyên nhân chính tạo nên những thành công nhất định trong hoạt động của Viện thời gian qua.

Thứ nhất, Viện được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ NNPTNT và các tổ chức quốc tế nên đã được đầu tư trụ sở khang trang, trang thiết bị hiện đại, môi trường làm việc được cải thiện, vị thế của Viện ngày càng được khẳng định. Đáp lại sự quan tâm đó, Viện luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên, tận dụng các cơ hội để đóng góp tư vấn chính sách, xây dựng và tổ chức đề tài, dự án nghiên cứu hiệu quả và thiết thực.

Thứ hai, lãnh đạo Viện  chứng tỏ được năng lực, năng động, sáng tạo, có định hướng chiến lược phát triển Viện rõ ràng, quyết tâm đổi mới cao và kiên quyết trong hành động.

Thứ ba, xây dựng được quy chế làm việc dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin và tinh thần đoàn kết; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và gắn với năng lực, trách nhiệm, quyền lợi của từng đơn vị, cá nhân, khuyến khích các cá nhân chủ động sáng tạo.

Thứ tư, quan tâm đến công tác tuyển dụng, sàng lọc và đào tạo cán bộ. Tận dụng mọi cơ hội của hợp tác quốc tế để đưa cán bộ đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới.

Và thứ năm, tạo dựng mạng lưới hợp tác sâu rộng với các đơn vị chức năng trong bộ, đối tác tại các ban/ngành T.Ư, các cơ quan địa phương, các đơn vị truyền thông, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đối tác quốc tế...

 Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với vấn đề nóng cần được nghiên cứu, có giải pháp ở tầm vĩ mô. Những nhà nghiên cứu chiến lược cần tiếp cận vấn đề này như thế nào, thưa ông? 

- Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển biến mới cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với hàng loạt khó khăn và thách thức. Đây sẽ là giai đoạn khó nhất, quyết định quá trình chuyển đổi thành công hay bị tắc lại bởi bẫy thu nhập trung bình, bẫy sản xuất nhỏ. Trong thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, quy mô sản xuất lớn, áp dụng cơ giới hóa, KHCN, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

 Liên kết thị trường cả đầu ra và đầu vào sẽ điều tiết nguồn lực giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế theo tín hiệu của hiệu quả, tạo cân bằng về thu nhập và năng suất lao động giữa công nghiệp và nông nghiệp, nông thôn và đô thị.

Trọng tâm chính sách sẽ phải tập trung vào các vấn đề liên ngành liên quan đến tự do hóa các thị trường nhân tố sản xuất, hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đối với chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững về môi trường. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đề cập đến hàng loạt các vấn đề liên ngành, áp dụng phương pháp hiện đại để giải quyết các vấn đề chính sách một cách tinh tế và chính xác hơn, gắn kết chặt chẽ với nhịp đập của thị trường trong nước và quốc tế, với thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

Cụ thể với IPSARD, Viện sẽ đặc biệt quan tâm đến những vấn đề nào trong nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp?

- IPSARD đang quyết tâm xây dựng Viện trở thành “cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng đầu tại Việt Nam, là cầu nối tin cậy giữa Nhà nước với nông dân và doanh nghiệp”, góp phần vào thành công của tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.

Viện sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu chính sách; tăng cường kết nối với các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, nông dân, các tổ chức phát triển trong và ngoài nước; tăng cường chất lượng dịch vụ và sản phẩm khoa học công nghệ; tập trung phát triển nguồn nhân lực, không ngừng đổi mới cơ chế quản lý để tạo động lực, hình thành đội ngũ chuyên gia, tư vấn chính sách đầu ngành tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

IPSARD đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2013); bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2009); bằng khen  của Bộ trưởng NNPTNT (2006, 2010, 2011, 2013); Cờ thi đua Bộ NNPTNT (2013); Huân chương Lao động của Chính phủ Lào và bằng khen của Viện Nghiên cứu nông lâm quốc gia Lào (2014); bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Hiệp hội Tập đoàn cây Lương thực Cuba (2011). 

 


Tin khác