Xuất khẩu lương thực, thực phẩm cần coi trọng nguồn nguyên vật liệu có chất lượng ổn định về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Nếu sản phẩm lương, thực thực phẩm không được kiểm soát đầu vào, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp không thể cạnh tranh với các nước trong TPP”. Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 8/8.
|
Phần lớn các công ty xuất khẩu của Việt Nam đều phải thông qua các nhà phân phối ở nước ngoài. |
Theo đánh giá, TPP không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực của Việt Nam. Các mặt hàng có thể hưởng lợi từ giảm thuế nhập khẩu vào khối TPP bao gồm gạo, sắn, sản phẩm sữa, bánh kẹo.
Hiện nay, phần lớn các công ty xuất khẩu của Việt Nam muốn bán lương thực thực phẩm phải thông qua các nhà phân phối ở nước ngoài, cho nên, nếu thuế được gỡ bỏ hoặc giảm thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu bán được nhiều hàng hơn, khó có thể hưởng lợi trực tiếp.
Theo ông Dương Như Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, thách thức lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu lương thực thực phẩm là kiểm soát đầu vào nguyên vật liệu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định.
“Các doanh nghiệp phải hướng đến những mối quan hệ bền vững. Nhà nhập khẩu mua nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước, nhưng họ kiểm soát đầu vào như quy trình nuôi, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật… do đó, nếu doanh nghiệp, nhà sản xuất không kiểm soát đầu vào nghiêm ngăt, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó trụ vững không muốn nói là bị tác động ngược”, ông Hùng nêu ý kiến./.
Theo VOV