Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững - 2016”

06/09/2016

Sáng nay tại Hà Nội, Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững - 2016” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã được tổ chức với chủ đề “Vai trò của Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường”.

Diễn đàn đã thu hút được sự tham dự của rất nhiều các cơ quan đơn vị khác nhau, đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã tới tham dự diễn đàn và biểu thị sự quan tâm của Chính phủ đối với vấn đề tăng trưởng xanh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Tiến sĩ Đặng Kim Khôi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) đã có bài trình bày về chính sách phát triển nông nghiệp xanh của Việt Nam cũng như một số vấn đề liên quan đến tác động của Biến đổi Khí hậu tới sinh kế của các hộ nông dân.

Tiến sĩ Đặng Kim Khôi trình bày tại Diễn đàn

Theo ông Khôi, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN, các tổ chức và các quỹ quốc tế đã cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật như chương trình đang phát triển về giảm phát thải từ phá rừng ở các nước (REDD), Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF) và cơ chế phát triển sạch (CDM). Một nguồn tài trợ để hỗ trợ các trợ việc thực hiện các dự án phát triển xanh nói chung và nông nghiệp xanh nói riêng là quỹ bảo vệ môi trường ở cấp trung ương và cấp tỉnh (VEPF), được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg năm 2002. Hoạt động của VEPF chủ yếu tập trung vào hỗ trợ vốn vay cho các dự án bảo vệ môi trường, một số dự án điện gió, và các dự án CDM. Vào cuối năm 2004, VEPF đạt tổng số cấp tín dụng 60 triệu USD, trong đó vốn vay dự án xử lí chất thải đạt 20 triệu USD. Tuy nhiên, nói chung, quỹ này chủ yếu tập trung vào các dự án môi trường lớn và chưa tạo ra tác động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường được hình thành từ các nguồn: ngân sách nhà nước; phí bảo vệ môi trường; các khoản bồi thuờng cho Nhà nước về thiệt hại môi trường; các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, nguồn vốn của Quỹ hầu như chỉ phụ thuộc vào NSNN, thường ổn định, ít khi được tăng hay bổ sung.

Trong khi đó, các nguồn vốn có thể bổ sung thường xuyên cho Quỹ như phí bảo vệ môi trường, các khoản bồi thuờng cho Nhà nước về thiệt hại môi trường lại chưa có cơ chế chuyển vốn.

Cả nước hiện có 41 tổ chức Quỹ Bảo vệ môi trường, trong đó, có một Quỹ Bảo vệ môi trường Trung ương (Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam), 39 Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương và một Quỹ Bảo vệ môi trường ngành than.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Quỹ Bảo vệ môi trường Trung ương được quy định cụ thể về tổ chức và cơ chế hoạt động theo Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg. Quyết định này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, bao gồm: vị trí và chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn, bộ máy quản lý điều hành, nguồn vốn hoạt động và trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan đối với tổ chức và hoạt động của Quỹ. Còn lại, các Quỹ địa phương hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý quy định cụ thể về mô hình và tổ chức hoạt động một cách thống nhất.

Điều này cho thấy, ngoài nguồn NSNN hỗ trợ hàng năm, còn nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhưng hoạt động BVMT vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn.

CAP


Tin khác