TS Đặng Kim Sơn: Đổi mới nông nghiệp bắt đầu từ chính sách đất đai

05/09/2016

“Đất đai trong nông nghiệp cũng phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào đất lúa mà có thể chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản”.

Số liệu thống kê của Bộ NN – PTNT cho thấy, tăng trưởng của ngành nông – lâm – thuỷ sản giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng.

Phân tích về nguyên nhân của sự sụt giảm này, Bộ NN – PTNT đã lý giải, là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%.

30 năm đổi mới, nông nghiệp VN vẫn vậy

Tăng trưởng trong ngành nông nghiệp đã có dấu hiệu suy giảm trong vài năm trở lại đây, năm sau tăng trưởng chậm hơn năm trước.

Nguy cơ này đã được cảnh báo từ cách đây 8 năm, song vẫn gây ngạc nhiên khi 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm trong suốt 30 năm đổi mới.

Nguyên nhân dẫn đến sự tụt giảm này có hai yếu tố, thứ nhất, về mặt khách quan do thời tiết bất lợi. Rét đậm rét hại kéo dài khiến ngành chăn nuôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại nặng nề.

Tiếp đến là tình trạng hạn hán mang tính kỷ lục tại các tỉnh miền Trung và hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL làm cho năng suất cây trồng giảm mạnh, diện tích nuôi trồng thuỷ sản co hẹp…

Thứ hai, nguyên nhân chủ quan chính là tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, trong khi nông dân cũng đang rất kiệt sức bởi không chỉ do trình độ sản xuất thấp mà còn do khó có thể tiếp xúc với các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Xuất phát điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam rất thấp, trong khi đó, quy mô đất đai thuộc diện nhỏ nhất khu vực. Người nông dân lại không biết cách tổ chức sản xuất lại.

Chính sách phát triển theo chuỗi liên kết không có sự đột phá. DN nông nghiệp thuộc diện nhỏ và yếu, không liên kết với nhau và với nông dân.

Điều đáng nói, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp hiện nay rất nhỏ. Hiện đầu tư toàn xã hội cho ngành mới đạt 5%. Điều này là bất hợp lý và không công bằng bởi nông nghiệp là lĩnh vực đóng góp 18-20% GDP, là ngành có gần 50% lao động làm việc, đóng góp 1/4 kim ngạch xuất khẩu.

Nông nghiệp trở thành ngành duy nhất xuất siêu, cán mốc xuất khẩu đạt 31 tỷ USD. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp lại quá lạc hậu.

Công nghiệp phục vụ cho ngành nông nghiệp yếu kém, sản phẩm đầu ra có đến 80% bán thô nên công sức đầu tư nhiều nhưng giá trị thu được rất thấp.

Phải khẳng định rằng, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp VN vẫn “dậm chân tại chỗ”, nếu có hơn chỉ là đầu tư mua được thêm vài loại máy móc cũ từ Trung Quốc, Nhật Bản. Còn nông dân tự vật lộn.

Họ đã không được tiếp viện, không được yểm trợ… Vì đơn độc trên thị trường nên dần kiệt sức là điều tất yếu.

Trong khi đó, chúng ta tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, dẫn tới cạn kiệt nên tốc độ tăng trưởng cũng bắt đầu chững lại.

“Tài nguyên đất, nước… và sức lao động đã được huy động hết. Nếu bây giờ tiếp tục khai thác tài nguyên, sức lao động nữa thì ngành nông nghiệp vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng.

Vấn đề là câu chuyện chính sách

Thực tế trên khiến cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đầu vào thì tăng cao, đầu ra tiêu thụ sản phẩm hạn chế, sản phẩm chịu cảnh được mùa rớt giá… nên đây là câu chuyện đáng báo động khi các FTA đã mở ra.

Hiện nay, tốc độ thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp đang rất chậm. Dẫn chứng, Đồng Tháp là tỉnh có chính sách thu hút về đầu tư khá cao, khi đưa ra những điều kiện thông thoáng, song nhà đầu tư cũng không rót vốn vào vì những bất cập trong giao thông, hạ tầng… bản thân tỉnh không giải quyết được, bởi đây là vấn đề của vùng.

Do đó, cơ quan Nhà nước cần tập trung vào quy hoạch, xây dựng chiến lược, đàm phán, xây dựng tiêu chuẩn, hệ thống pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Trong đó, quy hoạch cần đảm bảo cân đối cung cầu, xây dựng chính sách phù hợp với cách thức cách quản lý hiện đại…

Nhà nước cũng cần thúc đẩy và tạo điều kiện giúp cho DN nông nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tạo giá trị gia tăng.

Cần lo hợp tác của nông dân bằng nhiều hình thức; xử lý được vấn đề quản lý kỹ thuật, có sự hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật. DN xuất khẩu phải xử lý được vấn đề liên kết, thu mua sản phẩm với người nông dân; xử lý vấn đề hợp tác với người nông dân; đổi mới chuỗi và liên kết chuỗi để kết nối với bên ngoài.

Nhà nước cần xác đinh ngành có lợi thế, xây dựng chuỗi giá trị cho các ngành chính; xây dựng cụm công nghiệp dịch vụ và vùng chuyên canh, phát triển hệ thống hậu cần thương mại, cung cấp thông tin thị trường và dịch vụ tiếp thị.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần tái cơ cấu nông nghiệp thành công là thời gian tới, để tái cơ cấu nông nghiệp khởi sắc, quan trọng nhất chính là đột phá về chính sách đất đai.

Phải đột phá về chính sách đất đai để tích tụ đất vào những người sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp.

Đất đai trong nông nghiệp cũng phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào đất lúa mà có thể chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản. Có như thế mới xây dựng được những vùng chuyên canh và thu hút doanh nghiệp đầu tư.

TS Đặng Kim Sơn Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp

 


Tin khác