Tiếp sức cho nông nghiệp bằng khơi thông dòng tín dụng

28/10/2016

Trước thềm Hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp vào ngày 30.10 tới, Dân Việt xin tiếp tục giới thiệu ý kiến các diễn giả góp phần bàn giải pháp khơi thông nguồn tín dụng để phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị

Trong thời gian tới cần thực hiện một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt về tín dụng, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do vậy, cần lưu ý một số đề xuất sau:

Trong chính sách cho vay đối với nông nghiệp nông thôn cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Ví dụ cho vay trước thu hoạch thì không nhất thiết phải đưa vốn trực tiếp cho người nông dân mà có thể thông qua doanh nghiệp ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào và khấu trừ khi thu mua sản phẩm.Bên cạnh chính sách phát triển các công cụ tín dụng thì cần hoàn thiện khung pháp lý để cung ứng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ khác hoặc liên kết định chế tài chính khác để phát triển các sản phẩm như: quản lý tiền mặt, quản lý tài sản, bảo hiểm thanh toán, phái sinh hàng hóa, đại lý ngân hàng, biên nhận lưu kho….

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp, tài sản đảm bảo… nhằm khơi thông được nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Các điều kiện để doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tiếp cận được các chương trình tín dụng (ưu đãi) cần được đơn giản hóa đến mức tối thiểu.

Về đối tượng được tham gia/hưởng ưu đãi trong các chương trình cho vay ưu đãi lĩnh vực ưu tiên thuộc nông nghiệp nông thôn cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để nâng cao được khả năng tiếp cận với các dòng vốn tín dụng của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả.

Đại diện Công ty Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN): Cho vay chỉ đạt 70% giá trị định giá tài sản

Là một trong những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) cũng cho rằng vẫn còn những khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

PAN cho rằng, đầu tư Nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư chứa đựng rủi ro cao, chịu tác động từ nhiều yêu tố khách quan như thiên tại, dịch bệnh, lợi nhuận thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Do đó, các ngân hàng thường không muốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp mà ưu tiên cho vay các lĩnh vực khác ít rủi ro hơn.

Mặt khác, trong các trường hợp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, theo đó các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với nông dân, nông dân cần vay vốn ngân hàng để sản xuất sản phẩm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng lại chỉ cho nông dân vay khi có bảo lãnh hoặc bảo đảm bằng tài sản từ doanh nghiệp. Việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vì các quy định nội bộ không cho phép việc này, cũng như tăng thêm rủi ro cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, các ngân hàng khi nhận tài sản bảo đảm thường không nhận tài sản bảo đảm (TSBĐ) là đất nông nghiệp, hoặc thậm chí các tài sản gắn liền với đất nông nghiệp có giá trị lớn, chẳng hạn như nhà kính. Trong khi, định giá TSBĐ, đặc biệt là đất nông nghiệp, các ngân hàng thường định giá thấp hơn khá nhiều so với mức giá thị trường. Thêm vào đó, mức cho vay cũng chỉ bằng khoảng 70% giá trị định giá. Thủ tục vay vốn, điều kiện vay vốn và thủ tục nhận TSĐB, thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh phức tạp, chưa rõ ràng, minh bạch, dẫn đến mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên, giúp không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa vào nhỏ có thể tiếp cận thành công các nguồn tín dụng ngân hàng, lãnh đạo PAN cho rằng, nên có gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp giống như gói tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản cho người có thu nhập thấp; xem xét mở rộng các loại tài sản được phép dùng làm TSĐB đặc biệt là đất thuê trả tiền hàng năm.

Về phía ngân hàng, cần xem xét định giá các tài sản theo giá thị trường thay vì định giá thấp hơn khá nhiều so giá thị trường hay sử dụng khung giá đất do UBND tỉnh ban hành; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, các thủ tục nhận TSĐB; công khai, minh bạch hóa quy trình cho vay, quy trình thẩm định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập dư án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi…

Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH: Truyền tải nguồn vốn tín dụng nhanh chóng

Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn là trọng tâm, trọng điểm của NHCSXH. Thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho 2 chương trình tín dụng này.

Tăng trưởng nguồn vốn hơn nữa. Theo đó, tập trung nguồn vốn cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao và các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Nâng cao chất lượng tín dụng, sẽ tập trung truyền tải đồng vốn tín dụng nhanh chóng đến hộ vay: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp (đặc biệt là cấp xã) và các ngành chức năng triển khai tốt các chương trình tín dụng giúp người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, tạo việc việc làm, nâng cao điều kiện sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Gắn chặt nguồn vốn đầu tư với phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xây dựng nông thôn mới. Do vậy, NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, thường xuyên rà soát, củng cố hoạt động của Tổ TK&VV; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc hộ vay trả nợ đến hạn.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của hoạt động giao dịch tại xã để phục vụ người vay tốt hơn nữa. Tiếp tục quan tâm, tập trung xử lý rủi ro kịp thời cho nông dân, đồng thời bổ sung kịp thời nguồn vốn cho vay khắc phục thiệt hại để giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Vì, đặc trưng của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp; những năm gần đây, người dân, đặc biệt là người nông dân liên tục phải gánh chịu những ảnh hưởng bất lợi từ biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ, rét đậm, rét hại, mưa tuyết,… làm thiệt hại về vốn, tài sản của người dân, trong đó có vốn vay của NHCSXH.

Theo Dân Việt


Tin khác