Nông dân làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe

25/11/2016

Đã có thời khắp các vùng thôn quê rất phổ biến 2 câu ca dao "Nông dân làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe". Ngắn gọn như vậy nhưng phản ánh khá đầy đủ về về tình trạng tham nhũng ở các hợp tác xã bậc cao rất lớn lúc đó.

LTS-Trong thời gian hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung nỗ lực tập trung vào vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã thông quy Nghị quyết số 05-NQ/TƯ về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Quốc hội đã thảo luận về tái cấu trúc nền kinh tế với con số kinh phí cần thiết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tới khoảng 10 triệu tỷ đồng để tái cấu trúc nhiều khu vực như ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, v.v. Quốc hội cũng đã thảo luận riêng về chuyên đề tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Sự thực, mốt của thuật ngữ hiện nay là tái cấu trúc, nghe có vẻ kỳ vỹ, câu chuyện trở nên phức tạp và ắt phải có rất nhiều tiền mới có thể xây dựng lại được cấu trúc. 

Đi theo hướng này, như gợi lại câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất dự thảo Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông với mức kinh phí dự kiến lên đến 70 nghìn tỷ đồng vào giữa năm 2011, sau đó rút xuống còn hơn 34 nghìn tỷ đồng vào tháng 4/2014. Nhìn vào đây, ai cũng thấy gờn gợn như cải cách giáo dục toàn diện và triệt để nhưng không thấy đặt con người vào trung tâm mà chỉ thấy đặt tiền làm trung tâm.

Với trách nhiệm truyền thông đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu bài phân tích 3 kỳ của Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ như một tư liệu tham khảo về một số điều cơ bản nhất trong số những vẹo vọ đang đặt với với Nông nghiệp – Nông thôn và Nông dân.

>> Chuyện đất đai đến lúc cũng phải nhìn thẳng vào sự thật

Nhìn lại lịch sử

 

'Nông dân làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe'
Ảnh minh hoạ: Thu Hà

Đảng ta quyết định ĐỔI MỚI vào năm 1986, cũng bắt đầu từ câu chuyện nông nghiệp nước ta rất yếu kém. Lúc đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu lương thực. 

Thành công của ĐỔI MỚI bắt nguồn từ chính sách đất đai: giao đất của các hợp tác xã nông nghiệp cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài. Chính sách này đã đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một nước thuộc nhóm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Kinh tế hợp tác xã được thay thế bằng kinh tế hộ gia đình.

Trên thực tế của giai đoạn trước 1986, ở hầu hết các địa phương, sản lượng do người nông dân tự cấy trồng trên đất 5% được hợp tác xã giao còn cao hơn tổng sản lượng hợp tác xã làm chung trên 95% đất do hợp tác xã nắm giữ. Tình cảnh đó chính là cơ sở để đưa ra quyết định muốn tăng sản lượng thì cứ giao tất cả đất sản xuất cho hộ gia đình cấy trồng. 

Một chính sách đất đai phù hợp đã làm nên kỳ tích của kinh tế nông nghiệp Việt Nam, tạo nên thành công lớn của ĐỔI MỚI, làm mọi người dân tin vào ĐỔI MỚI. Lúc đó, không thấy ai đề xuất phải có bao nhiêu tiền để đổi mới kinh tế nông nghiệp, chỉ nói về đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, lấy người nông dân làm trung tâm.

Khi tổng kết lại bước đổi mới kinh tế nông nghiệp như vậy, nhiều nhà lý luận đã thống nhất nhận định: quan hệ sản xuất hợp tác xã bậc cao không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất còn bé nhỏ của nông dân ta, không phù hợp với quan hệ sản xuất hợp tác xã, phải chuyển sang quan hệ sản xuất hộ gia đình mới phù hợp. Nhận định này phù hợp với quy luật cơ bản mà Mác đã chỉ ra trong lý luận về kinh tế - chính trị học của mình. Tất nhiên, nhận định đó là hoàn toàn đúng trên góc nhìn tổng quát.  

Câu chuyện thực ở các hợp tác xã bậc cao lúc đó có thể gói gọn trong 2 câu ca dao mới rất phổ biến ở mọi miền quê "Nông dân làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe". Câu này phản ảnh tình trạng tham nhũng ở các hợp tác xã bậc cao lúc đó quá lớn, người nông dân không muốn làm việc cho hợp tác xã nữa mà chỉ tìm mọi cách chăm lo cho thửa ruộng 5% của riêng mình. Nói cách khác, lúc đó không có biện pháp nào loại bỏ được tình trạng tham nhũng trong các hợp tác xã bậc cao, xã viên không có quyền giám sát.

Câu chuyện hiện nay

ĐỔI MỚI bắt đầu từ năm 1986, đến khoảng 1990 thì Việt Nam đã trở thành nước xuất khấu gạo đứng hàng thứ 3 thế giới, và ngày nay thuộc nhóm xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, không chỉ gạo mà cả cà phê, hạt điều, hồ tiêu, tôm, cá, v.v. 

Động lực từ chính sách giao đất nông nghiệp của hợp tác xã cho hộ gia đình đã tạo nên thành công của ĐỔI MỚI. Đến nay, động lực này đã hết khi người nông dân không thể tự mình làm tăng chất lượng nông sản, làm tăng năng suất và sản lượng trên những thửa đất manh mún của mình. Tiếp cận vốn đầu tư lớn là khó. Hơn nữa, đất sản xuất vẫn còn đang bị giới hạn về thời hạn sử dụng (50 năm) và diện tích sử dụng (hạn điền không quá 10 lần hạn mức giao đất), nên người nông dân vẫn chưa hình thành được tư duy của một nông dân chuyên nghiệp. 

Làm ăn chỉ tính trước mắt, Tích tụ đất đai nhiều hơn, đầu tư hạ tầng nhiều hơn, áp dụng công nghệ nhiều hơn cũng không chắc chắn được có bị Nhà nước thu mất đất trong tương lai khi hết thời hạn sử dụng. 

Hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp ở ta hiện nay cũng giống như một đất nước có thu nhập trung bình, để trở thành đất nước có thu nhập cao là không dễ dàng. 

'Nông dân làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe'

Để trở thành một nền nông nghiệp sản xuất lớn, cần tạo ra động lực mới cho phát triển. Ảnh minh hoạ: Báo điện tử Công luận.

Để trở thành một nền nông nghiệp sản xuất lớn, cần tạo ra động lực mới cho phát triển. Động lực mới này nằm ở 3 điểm: một là chính sách đất đai nào để tích tụ được đất đai lâu dài thành những cánh đồng lớn; hai là chính sách tiếp cận vốn đầu tư nào để phát triển hạ tầng hiện đại, áp dụng được các thiết bị hiện đại; ba là chính sách phát triển công nghệ nào để người nông dân áp dụng được công nghệ mới mà chủ yếu là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. 

Từ 3 nhóm chính sách như vậy, chính sách đất đai có tác động trực tiếp tới nông dân, còn chính sách tiếp cận vốn đầu tư và chính sách phát triển công nghệ còn quá xa lạ với hiểu biết hiện hữu của nông dân. Nói cách khác, người nông dân có thể tận dụng tốt những ưu việt của chính sách đất đai, nhưng chưa quen sử dụng vốn đầu tư lớn, cũng như chưa hiểu biết nhiều về công nghệ mới. 

Để kết nối những chính sách này, ai cũng cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp mạnh và cộng đồng nông dân đóng vai trò quyết định. Động lực mới nằm ở ở chỗ liên kết được 3 nhóm chính sách. 

Để tạo được động lực mới này, cần mối liên kết giữa doanh nghiệp mạnh và cộng đồng nông dân. Người nông dân có đất đai, doanh nghiệp có vốn đầu tư và khả năng công nghệ. Người nông dân thu lợi từ nông sản làm ra trên đất, doanh nghiệp thu lợi từ cung câp dịch vụ để tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Ai cũng cảm thấy hài lòng về lợi ích thu được nếu cơ chế chia sẻ lợi ích là hợp lý và minh bạch, không ai cảm thấy bị bóc lột hay bị cướp tài sản. Đó chính là nền tảng của mối liên kết bền vững.      

Ngoài mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, một số mô hình khác cũng đã và đang được xem xét áp dụng. Hợp tác xã kiểu mới, trong đó hợp tác xã chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ như doanh nghiệp, còn người nông dân vẫn canh tác trên thửa đất của mình theo quy trình thống nhất. 

Mô hình hợp tác xã cũng đã thành công ở một số nơi, nhưng tiền năng nhân rộng là chưa nhiều. Mô hình hộ gia đình nông dân tự tích tụ đất đai, tự lo vốn đầu tư và tự lo áp dụng công nghệ mới dưới dạng kinh tế trang trại cũng đã được hình thành ở một số địa phương. Thường đây là những nông dân có tri thức, hiểu biết nhiều và quan hệ rộng. Mô hình này cũng khó có khả năng nhân rộng do cần có những yêu cầu quá cao đối với nông dân.

Như vậy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là mô hình có khả năng nhân rộng trong giai đoạn hiện nay nếu tạo được mối liên kết tự nguyện, hợp lý về chia sẻ lợi ích và bền vững về thể chế.


vietnamnet.vn

Tin khác