LTS:Có thể nói, trong các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp (NN) là lĩnh vực đổi mới sớm nhất. Đổi mới NN cũng đã đi trước các lĩnh vực khác rất xa nếu tính từ “khoán chui” ở Vĩnh Phúc của Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (năm 1968) đến Chỉ thị 100- CT/TW (ngày 13/1/1981) của Ban bí thư về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” cho đến Nghị quyết 10 về “Đổi mới quản lý nông nghiệp” của Bộ Chính trị ban hành tháng 4/1988.
Thành quả của Đổi mới trong NN là kết quả không chỉ người VN mà bên ngoài đều nhận thấy: Từ đất nước đói nghèo, hàng năm phải nhập từ 500.000 – 1.000.000 tấn gạo, năm 1989 VN vụt trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới.
Nhìn lại quá trình Đổi mới trong NN, từ những thành công đến những thất bại, bất cập, khó khăn mới, Tuần VN thực hiện tọa đàm với hai chuyên gia:
- TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyên gia chính sách nông nghiệp.
- PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ quản lý nông nghiệp nông thôn, chuyên gia nông nghiệp.
Không đổi mới được, khó hình dung hôm nay ra sao
Nhà báo Duy Chiến:Thưa TS. Đặng Kim Sơn và PGS.TS. Vũ Trọng Khải, từ một đất nước thiếu ăn, cách đây ¼ thế kỷ, chúng ta trở thành “cường quốc” XK lúa gạo. Có thể nói đó chính là thành quả của Đổi mới NN. Bởi vậy, câu hỏi đầu tiên, thưa ông, tại sao lại có Đổi mới?
|
PGS.TS Vũ Trọng Khải. Ảnh: Duy Chiến |
PGS.TS Vũ Trọng Khải: Bản chất của Đổi mới NN chính là sự “cởi trói”. Điều có ý nghĩa quyết định thành bại đầu tiên chính là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.
Trước đó, 30 năm thực hiện tập thể hóa NN, coi HTX dựa trên chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất và tư liệu SX khác là đơn vị SX và phân phối theo kế hoạch nhà nước đã không phát huy hiệu quả, mà còn dẫn đến hàng loạt yếu kém và hệ lụy khác.
Sự ra đời của chính sách đã “cởi trói” để chuyển nền KT nhà nước hóa, kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp sang nền KT thị trường, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Để có được chính sách “cởi trói”, ngoài tình thế bức bách, cần ghi nhận ở đây là sự dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Thực tiễn “xé rào” đã buộc những nhà hoạch định chính sách phải hành động.
Và cũng vì chính sách “cởi trói” nên đương nhiên nó đi vào cuộc sống một cách tự nhiên nhất, hiệu quả nhất. Ngay cả khi mới chỉ là văn bản của Đảng chưa được nhà nước thể chế hóa bằng luật pháp. Bởi vậy mới có kết quả rất thần kỳ. Ví dụ, tháng 4/1988 có Nghị quyết 10 thì qua năm 1989 cả nước XK 1,4 triệu tấn gạo! Kết quả đó không phải tự trên trời rơi xuống, mà là trong tiềm năng sẵn có của ta lâu nay bị nén xuống, chưa được phát huy.
Nhà báo Duy Chiến: Vai trò tiên phong của Đổi mới trong NN đã tác động như thế nào đến công cuộc Đổi mới của cả nước?
|
TS. Đặng Kim Sơn. Ảnh: Kiên Trung |
TS. Đặng Kim Sơn: Nếu công cuộc Đổi mới của chúng ta 30 năm qua không thành công thì khó hình dung tình hình hôm nay đã diễn biến thế nào! Nhìn chung, nhờ công cuộc đổi mới mở đầu từ ngành nông nghiệp mà KT phát triển, đời sống nhân dân tăng lên, cánh cửa mở rộng với quốc tế, uy tín và độ tin cậy của Việt Nam với thế giới cũng tăng theo.
So với 12 nước trong hệ thống XHCN trước đây thì VN và Trung Quốc là mô hình Đổi mới thành công nhất và cả hai nước đều khởi đầu đổi mới từ lĩnh vực nông nghiệp, từ địa bàn nông thôn.
Nhìn sâu vào bức tranh Đổi mới, mảng sáng nhất là mảng NN. Tại sao như vậy?
Cái ai cũng có thể thấy rõ là nhờ sự phát triển của NN mạnh mẽ, lương thực, thực phẩm không còn là vấn đề đáng lo. Người VN giờ đây không còn lăn tăn chuyện đói nữa. Nỗi lo bây giờ khác xưa rất nhiều. Đây là cái lo của người đã đủ ăn đủ mặc như lo về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Khác xa cái lo ngày xưa.
Nói về KT thì quá rõ. An ninh lương thực của ta được đảm bảo, từ nước đói kém phải nhập gạo triền miên chuyển hẳn sang nước XK mạnh. Trong khi các ngành KT khác như công nghiệp, dịch vụ… được bảo vệ, ưu tiên đầu tư nhưng không ngành nào tạo ra sức mạnh về xuất khẩu đồng thời có sức lan tỏa trong nội địa; trừ vài ngành khai thác tài nguyên như như dầu mỏ, than đá và một số gia công. Riêng NN khác hẳn, giá trị gia tăng đóng góp cho nội địa là cao nhất, tỷ lệ lên tới 50 – 70% trong khi các ngành khác chỉ dưới 10%.
Ngành NN cũng là ngành duy nhất XK đạt 31 tỷ USD và cũng là ngành duy nhất xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, trong khi cả nước luôn nhập siêu.
Điều quan trọng hơn, Đổi mới NN đã tạo ra sự đột phá về tư duy cho Đổi mới toàn diện trong khi trận địa của cơ chế kế hoạch đang tồn tại và đứng vững khắp nơi. Điểm đột phá bước vào cơ chế thị trường nhắm vào khâu lạc hậu nhất, phá cơ chế HTX, đưa kinh tế hộ trở lại.
Từ đây, mặt trận thị trường lan rộng ra, bỏ ngăn sông cấm chợ trên toàn quốc, mở ra tự do hóa thương mại, tiến tới mở cửa hội nhập quốc tế. Đột phá từ đồng ruộng cho đến nông dân, lan từ nông thôn ra thành thị, đến nhà máy, công xưởng. Và, cho đến hôm nay, đột phá từ NN đã lan truyền đến tận các tập đoàn nhà nước, thay đổi dân chủ từ cơ sở, đụng chạm đến cải cách thể chế từ bên trên.
Cho nên, đóng góp vô cùng quan trọng của Đổi mới NN không chỉ vấn đề kinh tế. Quan trọng nhất, đóng góp lớn nhất là đổi mới NN đã đột phá đến tư duy để chúng ta thấy rằng, “đối tượng” chính cần giải phóng là cơ chế thị trường.
Trụ đỡ để VN vượt khủng hoảng
Nhà báo Duy Chiến:Thưa TS. Đặng Kim Sơn, trong các hội nghị, hay hoạt động nghị trường lâu nay chúng ta hay nhắc đến vai trò ‘trụ cột” của NN cho cả nền KT, phải chăng là xuất phát từ ý này?
TS. Đặng Kim Sơn: Thành công trong Đổi mới của NN lan tỏa ra khắp mọi lĩnh vực, trên nhiều mặt trận là sự thật đáng ghi nhận. NN và nông thôn ổn định giúp xã hội ta ổn định trong một thế giới đầy biến động. Khi an ninh lương thực được đảm bảo, công ăn việc làm của đông đảo cư dân ổn định, thu nhập được cải thiện thì mọi mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ được giải tỏa, người dân yên tâm lo làm ăn. Chúng ta thu hút được đầu tư nước ngoài cũng là nhờ những sự ổn định đó.
Đây là đặc điểm mà nhiều người coi là bình thường. Nhưng nếu nhìn ra các nước vốn có điều kiện hòa bình xung quanh ta thì mới thấy có được ổn định xã hội là không dễ dàng, chưa nói đến ở một số nước có điều kiện bất thuận thì còn phức tạp hơn nhiều.
Đi sâu vào quá trình và kết quả của Đổi mới NN hơn 30 năm qua, có thể nhận diện rất rõ vai trò đặc biệt to lớn của nông nghiệp mà không ngành nào sánh được, đó là xây dựng nên nền tảng vững chắc, ổn định tạo thành động lực để Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa. Mặc dù một số ngành khác phối hợp hỗ trợ cho nông nghiệp không mạnh, quản lý vĩ mô còn nhiều sai sót nhưng nền tảng NN vững chắc đã như “cột thu lôi” hút nhiều chấn động, trung hòa các mâu thuẫn, giữ cho xã hội dù rung lắc mạnh tới đâu vẫn phát triển một cách ổn định.
|
Từ một nước thiếu ăn, chúng ta đã vươn lên xuất khẩu gạo |
Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó NN bị lung lay thì sẽ như thế nào? Sẽ đổ vỡ nền kinh tế xã hội ngay! Thời gian qua có lúc KT gặp khủng hoảng, bị bế tắc, đầu tư nước ngoài suy giảm, KT tư nhân khủng hoảng nhưng chưa bao giờ NN lung lay. Nhờ vậy kinh tế có thể suy giảm nhưng xã hội vẫn ổn định.
Trong 30 năm qua, chúng ta đã ba lần vượt qua khủng hoảng lớn, nghiêm trọng nhờ có trụ đỡ vững chắc là NN. Lần thứ nhất là khi phe XHCN rơi vào khủng hoảng ở những năm 1980, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Lần thứ hai xảy ra vào những năm 1990 cả khu vực Đông Nam Á bị khủng hoảng tài chính. Lần thứ ba cả thế giới bị suy thoái từ năm 2008 đến nay.
Trong những lần đó VN vẫn đứng vững dù kinh tế có lúc suy giảm nhưng không rơi vào khủng hoảng. Bệ đỡ vững chắc NN đã tạo ra điểm tựa cho cả nền KT VN vượt qua nhiều chu kỳ của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Vì sao đổi mới tiên phong thành công?
Nhà báo Duy Chiến: Vì sao trong khi nhiều lĩnh vực đi sau NN nhưng Đổi mới còn chậm, kết quả chưa cao thì NN đi tiên phong lại thành công không chỉ ở khâu đột phá, mở đường mà còn là “trụ đỡ” cho cả nền KT vượt qua khó khăn, khủng hoảng?
TS. Đặng Kim Sơn: Trước hết, mặc dù chưa phải là hoàn hảo nhưng về cơ bản chính sách NN của chúng ta khá hợp lý. Đó là định hướng chính sách dựa vào thị trường, phát triển thị trường, tạo động lực cho nông dân và doanh nhân NN. Có thể hình dung, nông dân làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, nhà nước không lấy cái gì cả, kể cả thuế NN nhà nước cũng không thu. Thật ra, cái phần làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu không phải là lớn lắm đâu, nhưng nó vô cùng quan trọng, đủ sức tạo động lực cho người nông dân.
Chính sách phù hợp đã giúp NN phát huy được lợi thế mà lịch sử dân tộc ta để lại. Đó là tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, là hệ thống thủy lợi khá phát triển, đó là lực lượng nông dân cần cù, sáng tạo trong độ tuổi lao động. Khi được “cởi trói”, người nông dân đã được tự chủ để phát huy lợi thế sẵn có mạnh mẽ nhất…
Nhà báo Duy Chiến: Xin phép ngắt lời ông, có thực sự Nhà nước không điều tiết gì từ NN? Chính Bộ trưởng Cao Đức Phát mới đây đã báo cáo trước QH rằng “một quả trứng gà gánh 14 loại phí”! Trước đó, báo chí đã phát hiện “một hạt thóc gánh 40 loại phí”! Ông giải thích thế nào điều này?
|
Nông nghiệp là trụ đỡ cho sự ổn định của XH |
TS. Đặng Kim Sơn: Tôi sẽ nói rõ vì sao có chuyện này ở phần sau. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, nhà nước lớn, tức bộ ngành Trung ương không hề chủ trương như vậy. Bởi họ hiểu rằng, 80% nông dân của chúng ta là SX nhỏ, làm ra chỉ đủ ăn, hầu như không có ai có thể tích lũy để tái SX mở rộng. May ra có thể dành dụm chút ít thay đổi cuộc sống như mua được cái ti vi, xe máy, cho con đi học v.v… Như thế là tốt lắm rồi!
Bởi vậy, Nhà nước không có ý định và cũng không thể điều tiết gì từ NN. Thực sự là như vậy. Những thứ phí, giấy phép con sinh ra là cách lợi dụng quyền chức để kiếm chác, để tạo dễ dàng cho công việc, để lẩn tránh trách nhiệm của những cán bộ quan liệu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT rất kiên quyết sẽ xử lý vấn đề này. Tất nhiên Nhà nước cũng phải có trách nhiệm về cải cách hành chính, nhưng đó là khía cạnh khác của Đổi mới – vấn đề thể chế.
Theo tôi, chính sách với NN thời gian qua như thế có thể coi là lựa chọn tốt nhất trong điều kiện hạn hẹp, nhà nước nghèo, nông dân nghèo nhưng lại phải ưu tiên cho những lĩnh vực khác nên đành áp dụng chính sách “cởi trói” cho NN mà ta hay gọi là “tự lực cánh sinh”.
Tôi cho rằng chính là nhờ những chính sách như thế này mà nền NN nước ta phát triển trong 30 năm qua với tốc độ 3 – 4%/năm là rất thần kỳ, đáng phục. Tuy nhiên, kiểu chính sách “tự lực cánh sinh” như vậy không thể đưa NN nước ta phát triển đi xa hơn!
Cái “được” của NN vô cùng to lớn. Nhưng cái giá mà NN phải “trả” cũng không hề nhỏ nếu không nói là rất đáng lo ngại, đáng quan tâm.
Năm năm gần đây tăng trưởng NN giảm dần. Vốn đầu tư cho nông nghiệp dù tăng về giá trị tuyệt đối nhưng vẫn giảm về giá trị tương đối và còn rất ít so với đóng góp to lớn của nông nghiệp. Vì thế, cơ sở hạ tầng ngày càng kém. Phần lớn đầu tư của nhà nước tập trung vào công nghiệp, đô thị, dịch vụ ở 2 vùng KT trọng điểm là xung quanh TP. Hà Nội và TP.HCM… Tức là nội lực của đất nước dồn vào những chỗ đó. Phần lớn địa bàn nông thôn, lĩnh vực NN vẫn tự xoay sở.
Những vùng sản xuất trọng điểm chủ lực cực kỳ quan trọng của NN như ĐBSCL, Tây Nguyên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vùng này làm gì có đường sắt, đường cao tốc, thiếu cảng biển. Bao nhiêu viện nghiên cứu, trường đại học tập trung ở Hà Nội, TP.HCM. Những tri thức, kiến thức cần thiết cho nông nghiệp tập trung ở Hà Nội, TP.HCM chứ không ở nông thôn. Thế thì làm gì có nghiên cứu thị trường, phát triển thị trường? Làm gì có kho tàng, làm gì có chế biến?
Vì thế, NN phát triển không có giá trị gia tăng, hiệu quả thấp. Dễ hiểu vì sao tăng trưởng NN ngày càng giảm, năng suất lao động thấp, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm kém, dịch bệnh tăng… Nhưng việc này vượt ra khỏi năng lực quản lý của ngành nông nghiệp.