|
Cà phê cán mốc lịch sử khi đạt mức giá cao nhất trong vòng 5 năm lại đây. |
Xuất khẩu gạo hụt hơi, rau quả tăng nhanh
Theo Bộ NN&PTNT trong 10 tháng qua, xuất khẩu gạo ước đạt 4,2 triệu tấn với tổng kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm trên 21% về lượng, giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả thị trường lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 35% thị phần gạo xuất khẩu Việt Nam) cũng giảm trên 23% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Theo các doanh nghiệp (DN), xuất khẩu gạo đang rất bế tắc và từ nay đến hết năm gần như “một màu xám”. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, với thị trường Trung Quốc, gần như DN nào xuất chính ngạch cũng phải “ngồi chơi xơi nước”, vì hiện quota nước này cấp cho các nhà nhập khẩu đầu năm nay đã hết. Ông Đôn cho hay, thị trường gạo hiện ngoài kỳ vọng vào xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc, các DN cũng chờ động thái mua thêm từ Philippines. Tuy nhiên, nếu nước này có đấu thầu, cũng phải cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới.
Do thị trường khó khăn, từ hồi cuối tháng 6 năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giảm dự báo xuất khẩu năm 2016 xuống còn 5,7 triệu tấn, giảm khoảng 800 nghìn tấn so với dự báo hồi đầu năm (6,5 triệu tấn).
“Trong 10 tháng đầu năm chỉ xuất được 4,2 triệu tấn. Như vậy, so với kế hoạch được VFA điều chỉnh là 5,7 triệu tấn, vẫn còn thiếu khoảng 1,5 triệu tấn nữa. Tuy nhiên, 2 tháng cuối năm chắc chắn xuất khẩu sẽ không đạt theo dự kiến”, ông Đôn nói.
Trong lúc xuất khẩu lúa gạo đang đối mặt nhiều thách thức, xuất khẩu rau quả Việt Nam lại đang tăng nhanh với kim ngạch 10 tháng đầu năm tới gần 2 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ và vượt con số cả năm 2015 là 1,8 tỷ USD. Trung Quốc là nước nhập rau quả nhiều nhất, chiếm hơn 70%. Tiếp đó là các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, vải, nhãn, chôm chôm, xoài…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm nay, dự kiến xuất khẩu rau quả có thể tới 2,4 tỷ USD. “Rau củ quả có dư địa rất lớn, nhu cầu của thế giới khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi chúng ta chỉ xuất khoảng 2 tỷ USD là chưa nhằm nhò gì”- ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, Cục sẽ phối hợp với DN, các tổ chức để mở cửa thêm nhiều thị trường khó tính khác cho trái cây của Việt Nam. Như thị trường Mỹ, hiện đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn và vải, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để xuất xoài và vú sữa. Tại thị trường Nhật Bản, ngoài thanh long ruột trắng, xoài, sẽ tiếp tục xúc tiến để mở cửa cho mặt hàng thanh long ruột đỏ, vải, nhãn. Hay với thị trường Hàn Quốc, ngoài thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài, tới đây sẽ xuất khẩu vú sữa... “Để tránh sự dàn trải, Việt Nam xác định các thị trường tiềm năng, sản phẩm chủ lực, tránh lãng phí”, ông Trung nói.
Ông Trần Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Vinamit cho rằng, dù thị trường rau quả tiềm năng lớn, nhưng cơ quan nhà nước cần tăng thông tin dự báo sát hơn với tình hình để DN điều chỉnh sản xuất. “Chúng ta tăng kim ngạch xuất khẩu vì nhiều nước xung quanh đang bị biến đổi khí hậu, mất mùa là chuyện khác. Còn năm nay tăng, nhưng năm sau thừa ê chề, giá thấp là một vấn đề lớn”, ông Viên nói.
Cà phê cán mốc lịch sử, thủy sản phục hồi
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex TPHCM, DN chiếm 30% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam cho biết, năm nay ngành cà phê quá tốt. Giá liên tục tăng từ tháng 4/2016 và đến nay, giá thu mua đã lên đến 46.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo ông Nam, năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu tới 1,75 triệu tấn cà phê, là mức “đỉnh” trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu dự báo có thể tới khoảng 3 tỷ USD, trong khi năm ngoái chỉ đạt 2,5 tỷ USD. Việt Nam chiếm được lợi thế đó, vì nhiều nước đối thủ bị mất mùa, sản lượng giảm, trong khi Việt Nam chiếm hơn 60% cà phê Robusta. “Dự báo, năm tới, do hạn hán, mất mùa, sản lượng cà phê giảm, giá cà phê có thể tiếp tục tăng lên nữa”- ông Nam nói.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 2016 cũng là năm mà giá, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt mức lịch sử của ngành này. Kim ngạch xuất khẩu có thể vượt xa hơn 1,3 tỷ USD (năm 2015 đạt 1,26 tỷ USD). Tuy nhiên, hiện vấn đề của hồ tiêu là diện tích tăng quá nhanh, hiện tại đã lên tới trên 100 nghìn ha, gấp đôi so với quy hoạch. Do cung vượt cầu, nên giá tiêu trong nước đang giảm, hiện giá tiêu đang khoảng 130 nghìn đồng/kg, so với giá 180.000 đồng/kg của năm ngoái, đã rớt khoảng 30%. Đây là điều đáng báo động để hạn chế việc mở rộng diện tích.
Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa đưa ra dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2016 đạt 7 tỷ USD, tăng 5,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm có thể đạt 3,1 tỷ USD, tăng 5%; cá tra có thể đạt 1,66 tỷ USD, tăng 6,4% so năm 2015.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả.
Theo Tiền phong