Gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp

07/11/2016

Theo phản ánh của nhiều DN, rủi ro kinh doanh và chi phí cho vay tín dụng trong nông nghiệp nông thôn còn cao, các kênh tín dụng cho nông nghiệp nông thôn giải ngân chậm, khó triển khai. Vì vậy, rất cần có các đột phá về chính sách để tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là cho DN nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Rau mầm từ nông trại của Vineco được cắt bằng dây chuyền tự động và đóng gói tiêu thụ.

Hiện đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn còn bộc lộ nhiều hạn chế mà nguyên nhân từ chính năng lực của DN cũng như từ những bất cập của cơ chế, chính sách lâu nay.

Tín dụng vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất dạng xin cho

Tính đến tháng 9/2016 mới chỉ có 4424 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 0,95% tổng số DN có đăng ký và đang hoạt động trong nền kinh tế. DN nông nghiệp chủ yếu là loại vừa và nhỏ (chiếm 96,53%, trong đó 50% DN siêu nhỏ)…

Hiện nay, hàng loạt chính sách, chương trình ưu đãi tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đươc ban hành. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn, gây cản trở đến thu hút đầu tư của DN, hạn chế chính hiệu quả SXKD của các DN đã đang hoạt động.

Cách tiếp cận cho tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin – cho, không tính tới nhu cầu của khách hàng. Trong khi nông dân và DN cần nhất là tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu vốn và chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Nhiều quy định về đảm bảo an toàn vốn hoặc nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng trở nên thiếu hoặc bất cập so với yêu cầu của thị trường tài chính hiện đại. Các quy định để phát triển thị trường vốn vẫn đang trong quá trình xây dựng (Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của Cty tài chính và Cty cho thuê tài chính chưa có hướng dẫn, chưa có các quy định cụ thể cho các công cụ tài chính khác) đặc biệt là tín dụng cho nông nghiệp nông thôn.

Thủ tục tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Nghị định 55/2015/NĐ – CP (các Điều 2, 3, 4 và 9, 14, 15) yêu cầu có các loại chứng nhận đăng kí sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp,địa bàn hoạt động ở nông thôn, loại hình tổ chức kinh tế cũng như các loại xác nhận tham gia trong các chuỗi liên kết, sử dụng, ứng dụng công nghệ cao hoặc chứng nhận thuộc những lĩnh vực ưu tiên. Nghị định 210/2013/NĐ-CP quy định về nguồn lực hỗ trợ, ưu đãi được phân bổ theo mức độ tự cân đối ngân sách của các địa phương (Điều 17) và hỗ trợ sau đầu tư (Điều 3, Thông tư 30/2015/TT-BTC) làm giảm sự nhiệt tình của các DN khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Nghị định 67/2014/NĐ-CP và sau là Nghị định 89/2015/NĐ-CP vẫn đòi hỏi nhiều loại thủ tục rất phức tạp làm khó việc lập dự án và hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Nghị định 09/2010/NĐ-CP và Thông tư 08/2011/TT-NHNN (Điều 3) có rất nhiều điều kiện gây khó cho DN tiếp cận.

“Hiện đã có hàng loạt chính sách, chương trình ưu đãi tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nhưng rất khó tiếp cận, khơi thông được dòng vốn.”

Bên cạnh đó, các quy định về tài sản thế chấp khá phức tạp và cứng nhắc. Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân có quyền thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đi thuê. Nhưng, trên thực tế, thủ tục xin giấy chứng nhận sở hữu tài sản cho nhà lưới, nhà kính hoặc các vườn cây lâu năm rất khó khăn và chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp quy.

Phần lớn các HTX nông nghiệp hiện không được vay vốn cũng vì không có tài sản thế chấp. Tài sản của HTX được Nhà nước giao quản lý (kênh mương, trạm bơm…) không được coi là tài sản thế chấp (Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng chưa giải quyết được vấn đề này do vẫn yêu cầu người vay phải có giấy chứng nhận QSD đất mặc dù không phải để thế chấp).

Những giải pháp

Trong chính sách cho vay đối với nông nghiệp nông thôn cần làm rõ vai trò trung tâm của DN trong chuỗi giá trị để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Ví dụ cho vay trước thu hoạch thì không nhất thiết phải đưa vốn trực tiếp cho người nông dân mà có thể thông qua DN ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào và khấu trừ khi thu mua sản phẩm. Bên cạnh chính sách phát triển các công cụ tín dụng thì cần hoàn thiện khung pháp lý để cung ứng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ khác hoặc liên kết định chế tài chính khác để phát triển các sản phẩm như: quản lý tiền mặt, quản lý tài sản, bảo hiểm thanh toán, phái sinh hàng hóa, đại lý ngân hàng, biên nhận lưu kho….

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp, tài sản đảm bảo…. Các điều kiện để DN có nhu cầu vay vốn tiếp cận được các chương trình tín dụng (ưu đãi) cần được đơn giản hóa đến mức tối thiểu.

Về đối tượng được tham gia, hưởng ưu đãi trong các chương trình cho vay ưu đãi lĩnh vực ưu tiên thuộc nông nghiệp nông thôn cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để nâng cao được khả năng tiếp cận với các dòng vốn tín dụng.

Nâng cao định mức ưu đãi cho các chương trình trọng điểm cả về hạn mức vay và lãi suất cho vay một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, đặc biệt là định mức và thời hạn cho vay.

Hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro trong cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, phân định rạch ròi về trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của người vay khi rủi ro bất khả kháng xảy ra và có cơ chế xử lý nhanh để bù đắp tái tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Thành lập Quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ DN ứng phó với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp…

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn

 


Tin khác