|
Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958 (Ảnh: Tư liệu) |
Kế thừa thành tựu đó, toàn ngành đang nỗ lực hành động tăng năng suất, giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho nông dân, tiếp tục làm nên những cánh đồng vàng...
Từ khi giành được độc lập, Đảng và nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Đúng vào ngày 14/11/1945, phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: “Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành”.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông, có nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp và bổ nhiệm ông Cù Huy Cận làm Bộ trưởng đầu tiên.
Luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế
Đột phá trong đổi mới nông nghiệp bắt đầu tư năm 1980 bằng Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) về giao lại ruộng đất cho nông dân quản lý, “công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân”.
Chính nhờ có đường lối Đổi mới, nông nghiệp nước ta đã liên tục phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1986 - 2014 đạt 3,65%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (2%). Trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế, đạt mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt một thời gian dài, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Nông nghiệp là một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội và là cứu cánh cho nền kinh tế vào những giai đoạn khó khăn.
Xuất phát từ yêu cầu khách quan nội tại của ngành nông nghiệp và thực hiện chủ trương “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, ngày 10/6/2013, Bộ NN-PTNT đã chủ động soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Đề án đã thu hút được sự quan tâm của các ngành/các cấp, người nông dân và doanh nghiệp.
Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện có kết quả rõ trong thực tiễn.
Đáng lưu ý, tổ chức sản xuất nông nghiệp có xu hướng thay đổi tích cực theo hướng hình thành các HTX kiểu mới và phát triển mô hình cánh đồng lớn. Đến nay đã có 43 tỉnh trong cả nước áp dụng mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích khoảng 556.000ha và 2.500 mô hình.
Thành tựu vượt trội
Thành tựu 71 năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp là rất to lớn. Đầu tiên là vị thế của người nông dân đã thay đổi, từ những người làm thuê, nghèo đói sang vị thế của người làm chủ, có ruộng đất, tư liệu sản xuất, được áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn và đã có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thứ hai, sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, từ nền sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, năng suất, hiệu quả thấp, tự cung tự cấp hình thành dần một nền sản xuất hàng hóa lớn. Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới với hơn 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: lúa gạo, cao su, cà phê, đồ gỗ, thủy sản, tiêu, điều... Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 30,86 tỷ USD, gấp 63 lần so với năm 1986.
Thứ ba, diện mạo nông thôn nước ta đã có những thay đổi rất căn bản, đời sống nhân dân đã có sự thay đổi tích cực, phong trào xây dựng nông thôn mới đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Sau 5 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến ngày 15/9/2016, cả nước đã có 2.045 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 23%, cùng với đó là 24 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn đã thay đổi tích cực (98,7% số xã đã hoàn thành quy hoạch, 61,4% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi)... Hầu hết những mái tranh nghèo được thay bằng nhà xây, nhà ngói, thậm chí biệt thự khang trang, tiện nghi. Đường ô tô đã đến hầu hết các xã, điện cũng đến hầu hết các hộ gia đình (36,4% số xã đã hoàn thành tiêu chí đường giao thông, 82,4% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn).
Điều kiện ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập, việc làm của người nông dân nông thôn đã có sự chuyển biến tốt với 56,5% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 85,5% số xã đạt tiêu chí về việc làm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,4% năm 2010 xuống còn khoảng 8,2% vào năm 2015.
Trải qua lịch sử 71 năm hình thành và phát triển đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức:
- Từ Bộ Canh nông (1945) đến Bộ Nông lâm và Bộ Thủy lợi (1955); Bộ Nông nghiệp; Bộ Nông trường; Tổng cục Thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp (1960); Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (1971); Bộ Hải sản và Bộ Lâm nghiệp (1976); Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực (1981); Bộ Nông nghiệp (1987).
- Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1995) đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi.
- Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII (tháng 8/2007) đã quyết định hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngành Nông nghiệp và PTNT ngày nay là một lĩnh vực kinh tế - xã hội rộng lớn, bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn.
|
Theo Nông nghiệp Việt Nam