Động lực từ miễn thuế đất nông nghiệp

14/11/2016

LTS: Thời gian miễn giảm tiền thuế đất nông nghiệp còn rất ngắn, chính vì vậy Quốc hội đang thảo luận là có tiếp tục miễn giảm nữa hay không. Nhưng rõ ràng, việc kéo dài thời gian miễn giảm tiền thuế đất có thể xem là một trong những động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước là không lớn, nhưng đây lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Theo thống kê, năm 2014, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là 26.822.953 ha, trong đó, diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.233.632 ha.

Trông ta

Việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như tờ trình của Chính phủ sẽ có mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước là không lớn, nhưng đây lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nó sẽ góp phần mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, điều này góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản VN trên thị trường.

Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 6.936.324 ha.

Hiện nay tại VN, có tới 80% lao động tập trung tại khu vực nông nghiệp. Nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người lại rất thấp, manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân. Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm đã trực tiếp hỗ trợ người nông dân có thêm vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo động lực cho người lao động gắn bó với ngành, tích cực nâng cao tay nghề trong sản xuất.

Sánh với người

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều có xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với đất sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp như: áp dụng mức thuế suất thấp hơn (Nga, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc). Miễn một phần hay toàn bộ số tiền thuế phải nộp (như: Úc, Ba Lan, Columbia, Nicaragua), hay một số nước không đưa đất sử dụng để sản xuất nông nghiệp vào diện chịu thuế (Thụy Điển, Italia, Anh, Ireland).

Chính sách miễn giảm 100% thuế sử dụng đất cho tất cả các hộ gia đình nông dân được giao đất, chỉ thu tiền sử dụng đất đối với tổ chức được giao nhưng không sử dụng sản xuất với tổng số tiền 5,7 tỷ đồng. Nếu xét ở khía cạnh thu ngân sách, đây rõ ràng là một con số không phải lớn so với chi phí vận hành hàng năm. Bởi lẽ, trên thực tế hiện nay cho thấy, ở vùng nông thôn, nhiều người nông dân được giao đất nhưng không sản xuất nông nghiệp, đất đai hoặc bỏ không, hoặc đưa vào sản xuất nhưng không hiệu quả. Vì đất giao không có thuế nên họ sẽ giữ lại để sản xuất. Điều này, cản trở tích tụ đất đai cho những người sản xuất lớn. Người tập trung sản xuất nông nghiệp phải đi thuê đất thì cũng sẽ không yên tâm để đầu tư hạ tầng, máy móc để sản xuất lâu dài. Do vậy, cần điều chỉnh lại chính sách theo hướng miễn thuế cho những người trực tiếp sản xuất, còn đối với những tổ chức, gia đình không có nhu cầu hoặc cho thuê lại thì phải đánh thuế.

 TS Đặng Kim Sơn – Chuyên gia nông nghiệp

 


Tin khác