Chính sách nông nghiệp chung châu Âu (Kỳ I)

06/09/2006

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp thế giới được phân chia thành hai nhóm nước tương đối rõ rệt: nhóm các nước phát triển với các đại diện chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, Úc, v.v.. và nhóm các nước đang phát triển.

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp thế giới được phân chia thành hai nhóm nước tương đối rõ rệt: nhóm các nước phát triển với các đại diện chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, Úc, v.v.. và nhóm các nước đang phát triển.| Trong số các nước thuộc nhóm các nước phát triển, Liên minh châu Âu là một trường hợp khá đặc biệt.

Liên minh châu Âu hiện nay có 25 thành viên, với 455 triệu người tiêu dùng, là khu vực đông dân thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Âu chiếm khoảng 3% diện tích thế giới, 7,5% dân số và khoảng  sự giàu có của nhân loại. Về xuất khẩu, liên minh châu Âu đứng ở vị trí thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ và đứng trước Canada, Brazil, Trung Quốc, v.v.. Châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, đứng trên cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trên thực tế, Liên minh châu Âu là vừa là một thị trường tiềm năng cho hàng nông nghiệp của các nước đang phát triển, đồng thời cũng là một đối thủ lớn trong xuất khẩu nông nghiệp. Nền nông nghiệp châu Âu có khả năng cạnh tranh cao dựa trên ưu thế về khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến (trong hầu như mọi khâu sản xuất, bảo quản, chế biến), đặc biệt là về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ chế trợ giá rất rất phức tạp (điều thường thấy ở các nước phát triển), v.v.. Có được thành công như vậy không thể không nói tới Chính sách nông nghiệp chung châu Âu được áp dụng từ hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, bản thân chính sách nông nghiệp chung cũng là nơi thể hiện khá rõ những bất đồng nội bộ trong liên minh châu Âu với hai nhóm các nước có lợi ích và quan điểm khác nhau:

Năm 2003, ngân sách của Liên minh châu Âu tăng lên đến 97 tỉ euros, trong đó các khoản chi tiêu liên quan đến nông nghiệp lên đến 46,2 tỉ euros, tương đương gần 48% tổng ngân sách chung. Nguồn tài chính của ngân sách chung của Liên minh châu Âu được lấy từ các khoản đóng góp trực tiếp của các nước thành viên tùy theo giá trị tổng sản phẩm quốc nội của mỗi nước. Về cơ bản, nước nào có quy mô nền kinh tế lớn hơn sẽ phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho ngân sách chung. Chính từ điểm này, nhóm các nước mà hoạt động nông nghiệp không phải là hoạt động kinh tế chủ đạo, do đó chỉ được hưởng một phần nhỏ các khoản hỗ trợ nông nghiệp từ ngân sách chung, đứng đầu là Anh muốn cải tổ chính sách nông nghiệp chung, chủ yếu là cắt giảm phần ngân sách chung dành cho nông nghiệp. Ngược lại, nhóm các nước được hưởng nhiều các khoản hỗ trợ nông nghiệp từ ngân sách chung, đứng đầu là Pháp, lại muốn duy trì thậm chí là tăng ngân sách chung dành cho nông nghiệp.

Bài viết này chỉ hướng đến việc mô tả vắn tắt lịch sử của một thể chế-chính sách nông nghiệp vốn ra đời khá sớm, nhằm cung cấp thêm thông tin về một trong những khu vực kinh tế nông nghiệp chính của thế giới hiện nay.

Lịch sử các thành viên tham gia Chính sách nông nghiệp chung châu Âu

- Chính sách nông nghiệp chung được xây dựng từ năm 1957 trong Hiệp định Rôma với 6 nước sáng lập viên là: Đức, Bỉ, Pháp, Italy, Luxembua, Hà Lan;

- 1962: Thực hiện Chính sách nông nghiệp chung;

- 1973: Mở rộng lên 9 thành viên với 3 thành viên mới là: Đan mạch, Ailen, Anh;

- 1981: Mở rộng lên 10 nước với 1 thành viên mới là: Hy Lạp;

- 1986: Mở rộng lên 12 nước với 2 thành viên mới là: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha;

- 1995: Mở rộng lên 15 nước với 3 thành viên mới là: Áo, Phần Lan, Thụy Điển;

- Ngày 1 tháng 5 năm 2004: Mở rộng lên 25 nước với 10 nước thành viên mới là: Sýp, Estônia, Hungary, Lettonia, Lituania, Malta, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia;

- Dự kiến đến 2007: Mở rộng lên 27 nước với 2 thành viên mới là: Bulgary,  Rumani.

- Dự kiến đến 2009: kết nạp Croatia, nước bắt đầu thảo luận xin gia nhập vào tháng 3/2005

1962 : Năm ra đời của Chính sách nông nghiệp chung

Ngày 23 tháng 3 năm 1957, Hiệp định thành lập Cộng đồng kinh tế Châu Âu được ký kết tại Rome, trong đó đã quyết định xây dựng một chính sách nông nghiệp chung với những mục đích cơ bản sau:

- Tăng năng suất nông nghiệp

- Đảm bảo mức sống cân bằng cho người nông dân

- Ổn định thị trường

- Đảm bảo an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng

Tháng 7 năm 1962, Chính sách nông nghiệp chung chính thức được triển khai với các hoạt động:

- Thành lập các tổ chức chung về thị trường trong những lĩnh vực sản xuất khác nhau.

- Thành lập Quỹ định hướng và bảo đảm nông nghiệp Châu Âu (tháng 12 năm 1962)

Chính sách nông nghiệp chung điều chỉnh cả hai lĩnh vực giá cả và cơ cấu. Về giá, chính sách nông nghiệp chung xác định giá đảm bảo cho người nông dân trên cơ sở mức giá sàn. Trong khi đó, về cơ cấu, đó là những chính sách liên quan đến thị trường đất đai, những hỗ trợ để tái cơ cấu và mở rộng rộng sản xuất, hỗ trợ đầu tư, bảo vệ môi trường, chính sách đào tạo nghề nghiệp và những hỗ trợ đặc thù cho vùng miền núi, các vùng gặp nhiều khó khăn về điều kiện phát triển.

Trong giai đoạn đầu tiên này chính sách nông nghiệp chung đã cho phép tái cấu trúc khu vực nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp của khu vực hướng đến khả năng tự đảm bảo.

1969-1992 : Giai đoạn mở rộng và các vấn đề mới đặt ra

Năm 1968, Uỷ ban châu Âu công bố Biên bản ghi nhớ về việc cải tổ Chính sách nông nghiệp chung, còn được gọi là  “Kế hoạch Mansholt”, xuất phát từ tên của Sicco Mansholt - Phó chủ tịch Uỷ ban châu phụ trách Chính sách nông nghiệp chung. Mục đích của kế hoạch này là giảm số lao động nông nghiệp và khuyến khích việc hình thành những đơn vị sản xuất nông nghiệp lớn hơn, hiệu quả hơn.

Những năm 1970-1980 được đánh dấu bởi sự bão hoà thị trường, những tác động xấu đến ưu đãi chung và việc thiếu một trật tự tiền tệ trong cộng đồng châu Âu. Các tổ chức chung về thị trường, vốn được tạo ra nhằm hỗ trợ các thị trường bị thâm hụt, đã tỏ ra không thích được khi mà những nền sản xuất phát triển đến mức tạo ra sự dư thừa cấu trúc. Cùng lúc đó, trong khuôn khổ các đàm phán thương mại của Gatt (tiền thân của Tổ chức thương mại thế giới- WTO), lĩnh vực nông nghiệp được tích hợp hoàn toàn vào các cuộc đàm phán đa phương, điều này đỏi hỏi những quy định của Chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu phải được sửa đổi, nhất là những quy định liên quan đến đánh thuế qua biên giới, xoá bỏ những khoản trích thuế nhập khẩu dưới các hình thức khác nhau và giảm trợ cấp xuất khẩu. Ngoài ra, sự biến động tiền tệ cũng đe doạ sự ổn định cần thiết để Chính sách nông nghiệp chung có thể vận hành tốt. Trên thực tế, sự chênh lệch giá cả giữa các nước thành viên được điều tiết thông qua những khoản tiền hỗ trợ bù trừ.

Chính sách nông nghiệp chung của châu Âu trong giai đoạn mang tính cứng nhắc, thể hiện ở việc trợ cấp hướng thẳng đến sản xuất.

Ngô Vi Dũng
Trần Lan Phương
(Tổng hợp) 

Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC