Sau gần 1 năm, những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Thủ tướng đã đem lại sức sống mới cho niềm tin và sự phát triển.
|
Thủ tướng thăm Khu Nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại xã Tân Liên (Vĩnh Bảo-Hải Phòng). Ảnh: VGP |
Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển
Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội và được Chính phủ cụ thể hóa trong các nghị quyết, quyết định quan trọng thời gian qua (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ).
Theo đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp... Đồng thời, chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém; giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, cấp thiết như giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt,...
Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, năm 2016, tăng trưởng GDP đạt 6,21%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện đạt gần 15,8 tỷ USD (tăng 9%) và vốn FDI đăng ký mới (bao gồm cả bổ sung tăng vốn, vốn mua cổ phần) đạt 24,4 tỷ USD (tăng 7%). Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Những chuyển biến tích cực này thể hiện niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách, hành động mạnh mẽ của Chính phủ.
An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Tuy nhiên, Chính phủ nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5-7% giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016-2020.
Thông điệp trúng ý Đảng, hợp lòng dân
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) trong phiên Thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 2/11/2016, đánh giá: “Tôi cho rằng đây là một thông điệp trúng ý Đảng, hợp lòng dân, thể hiện nội dung quan trọng của việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh và có ý nghĩa đặc biệt trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi Trung ương 4, khóa XII vừa ban hành Nghị quyết để ủng hộ Chính phủ thực hiện quyết tâm này”.
Đại biểu Vân cho rằng, 3 vấn đề trụ cột của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là: Ban hành thể chế chính sách đồng bộ; củng cố xây dựng bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nội dung trụ cột của việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là nói đến phẩm hạnh, năng lực và vai trò kiến trúc sư của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đây là cơ hội để Chính phủ chuyển mình từ phương thức quản lý điều hành sang một Chính phủ tạo môi trường phát triển và lấy tinh thần phục vụ làm trọng.
Mở lối phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Với cam kết tháo gỡ khó khăn về vốn, tích tụ ruộng đất, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông với doanh nghiệp, thị trường, xây dựng thương hiệu, đề cao vai trò của doanh nghiệp,... Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai từng việc rất cụ thể. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) theo hướng mở, hiệu quả bền vững; nghiên cứu, có chính sách ưu đãi cho các khu NNCNC.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC.
Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế; nghiên cứu công cụ sản xuất phục vụ NNCNC. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện ban hành cơ chế đầu tư tín dụng trong phát triển NNCNC. Ngành Y tế kiểm tra, xác định các sản phẩm nông nghiệp sạch đến người dân; Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện chính sách thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất NNCNC.
Thủ tướng cam kết dành gói tín dụng 50.000 - 60.000 tỷ đồng để phục vụ phát triển NNCNC với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng và khẳng định: Mọi nông dân Việt Nam, bất kể vùng nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tràng pháo tay dành cho bộ trưởng “cởi trói” doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 10257/VPCP-KTTH ngày 28/11/2016, chiều 4/01/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT về quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị cho là gây khó doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo. Quyết định bãi bỏ này góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân...
Tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị dành một tràng pháo tay cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vì quyết định này. “Đây là điểm nhấn trong cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất”, Thủ tướng nói.
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và để xây dựng Chính phủ kiến tạo thì các Bộ trưởng cũng phải kiến tạo. Thủ tướng cũng coi những vướng mắc về cơ chế, chính sách là “nợ thể chế” mà các cơ quan quản lý phải trả người dân.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Không hoàn thiện về thể chế của Bộ Công Thương như Đảng và Chính phủ yêu cầu để đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân thì chúng tôi khó thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào”.
Và sau một thời gian ngắn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã liên tiếp có những quyết sách rất cụ thể, tháo gỡ hàng loạt nút thắt thể chế, trong đó có những vấn đề đã tồn tại rất lâu, được doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được xử lý. Như, bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may, bãi bỏ những thủ tục về dán nhãn năng lượng đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất…
Nhưng, đó cũng chỉ là một vài nút thắt được gỡ bỏ ở Bộ Công Thương, còn rất nhiều quy định ở các bộ, ngành khác đang là rào cản cho người dân và doanh nghiệp vẫn tồn tại. Hy vọng, thời gian tới, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ có hành động quyết liệt, cụ thể hơn.
Theo Kinh tế nông thôn