Đã làm ăn “thật” hay chưa?
Theo ông Phan Chánh Dưỡng, phía Việt Nam thật ra chưa có sự đầu tư tìm hiểu thị trường Trung Quốc mà chỉ quen ngồi chờ khách hàng tìm đến, và “người ta chỉ mua những thứ người ta đang thiếu, phía mình hoàn toàn bị động”.
Ông Dưỡng chia sẻ một điều ông biết chắc chắn, đó là các công ty lớn của Trung Quốc không trực tiếp mua hàng Việt Nam, vì họ cũng muốn phải có sự ký kết làm ăn lâu dài. “Không có ký kết với nhau thì họ không dám...”, ông nói.
“Như vậy, ai đang làm ăn ở Việt Nam?”. Qua kinh nghiệm bản thân, ông Dưỡng cho rằng những người thu mua nông sản ở Việt Nam bán về thị trường Trung Quốc hầu hết là những thương nhân “chạy ngoài đường”. “Họ sang Việt Nam như đi du lịch, nhìn qua nhìn lại, thấy mặt hàng nào đó có sự chênh lệch giá là bỏ tiền ra mua rồi tìm mọi cách thuê người đẩy hàng qua biên giới, bán ngay ở biên giới để hưởng chênh lệch giá, thế là xong”. Cũng theo ông Dưỡng, năm ngoái, heo của Việt Nam được giá là do Trung Quốc đẩy mạnh thu gom vì bên nước họ, heo bị dịch bệnh nên nguồn cung thiếu hụt. “Năm nay, nguồn heo tại Trung Quốc đã hồi phục, họ không cần mua nữa, thành ra nguồn cung heo của Việt Nam bị dư...”.
Trước đó, tại diễn đàn kinh tế thường niên 2017 ở Cần Thơ vào trung tuần tháng 4, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cũng đề cập nhiều bài học cay đắng của Việt Nam trong quan hệ mua bán nông sản với Trung Quốc. Người Trung Quốc vào và thúc đẩy việc mua bán đối với bất kể thứ gì, từ mua đỉa, rễ cây... đến các loại quả. Dân ta thấy có nhiều người mua mặt hàng nào là đổ xô đẩy mạnh sản xuất mặt hàng đó lên một đỉnh mới. Nhưng tới lúc này thì người Trung Quốc lại đột ngột dừng mua, làm tất cả “sụp đổ”. “Tôi nghĩ đây là bài học lặp đi lặp lại đã 10 năm rồi mà dân mình học mãi vẫn không thuộc”, ông Cung nói.
Dân ta thấy có nhiều người mua mặt hàng nào là đổ xô đẩy mạnh sản xuất mặt hàng đó lên một đỉnh mới. Nhưng tới lúc này thì người Trung Quốc lại đột ngột dừng mua, làm tất cả “sụp đổ”.
|
Theo ông Dưỡng, cái gốc của vấn đề là do Việt Nam chưa có một chương trình “làm ăn thật”, không có bộ máy nghiên cứu thị trường. “Chúng ta chưa có những kế hoạch làm ăn lâu dài với các doanh nhân lớn của Trung Quốc, trong khi doanh nhân nhỏ của họ (khách du lịch) chỉ khai thác biên mậu nhỏ lẻ nên cũng không cần tạo mối quan hệ lâu dài. Như vậy, buôn bán biên mậu càng nhiều thì tình trạng thương nhân Trung Quốc chụp giựt sẽ càng nhiều, còn mình thì càng... tức! Bởi vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ và tổ chức thật tốt”, ông Dưỡng nói.
Biết người mới thành công
Theo ông Dưỡng, để nắm bắt được những đặc tính, yêu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc, từ đó khai thác hiệu quả thị trường này, nhất là cho các mặt hàng nông, thủy sản, Việt Nam phải có bộ phận nghiên cứu thị trường.
Chẳng hạn với mặt hàng cà phê, dân ở hai nước thích uống trà là Trung Quốc và Ấn Độ, họ uống cà phê mà không có sẵn “gu” thưởng thức. Nếu như ta biết cách cho họ thử những hương vị cà phê của Việt Nam, thì khi họ uống quen, chắc chắn họ sẽ uống cà phê do ta “quy định”. Nhưng rất tiếc là Việt Nam đã chậm chân, để mất một thị trường láng giềng vô cùng lớn, bởi Mỹ (nhập cà phê của Việt Nam) chế “gu” Starbucks đem bán qua Trung Quốc, và 10 năm sau, vị cà phê Mỹ đã trở thành thứ ưa thích nhất của thị trường này. Theo ông Dưỡng, sự “thiệt hại” lớn này chính là do Việt Nam thiếu nghiên cứu thị trường, thiếu tổ chức thương hiệu.
Hay như việc bán cá tra, cá ba sa vào Trung Quốc, hiện các doanh nghiệp Việt áp dụng theo “quy chuẩn” bán qua thị trường Mỹ và EU, tức bán cá không da (fillet) (vì người Mỹ và các nước EU không ăn da cá), trong khi đó, người Trung Quốc lại ăn cá có da. Cũng cần biết cá bán qua Mỹ để làm thức ăn nhanh, còn bán qua Trung Quốc để chế biến lại, làm cá viên, dùng ăn lẩu...
Đó mới chỉ là một vài ví dụ. Trên thực tế, còn nhiều ngành hàng khác cần nghiên cứu để hình thành ra những quy cách gắn chặt với thị hiếu của từng thị trường, thậm chí có thể khống chế thị trường, theo ông Dưỡng.
Ngoài ra, thể chế Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau, trong đó Nhà nước có vai trò vô cùng lớn về kinh tế đối ngoại. Do đó, cần phải có chủ trương, chính sách, luật pháp rõ ràng từ hai phía để doanh nghiệp yên tâm hợp tác, tránh rủi ro. “Nhà nước mà không “bật đèn xanh” thì doanh nghiệp Trung Quốc không dám qua Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam cũng chẳng dám qua bên kia”, ông Dưỡng nói. Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tập đoàn Lộc Trời (Việt Nam) và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam (Trung Quốc) đã ký kết thành lập hai công ty liên doanh ở lĩnh vực giống cây trồng và thương mại nông sản. Có thể thấy đây là trường hợp điển hình trong ký kết làm ăn từ sự “bật đèn xanh” của hai nước.
Ông Dưỡng cũng cho rằng cần xây dựng các đầu mối giao dịch tại các cửa khẩu, phát triển dịch vụ logistics tổng hợp nhằm giảm chi phí, rủi ro, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào thị trường Trung Quốc thông qua các đầu mối này. “Qua các đầu mối tại biên giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tránh được chuyện làm ăn với thương nhân “chạy ngoài đường”. Chúng ta cũng giải quyết được những chuyện hàng nào cần mua, hàng nào cần bán và mọi người có thể đến đó để mua bán”, ông Dưỡng đề xuất.
Một giải pháp song song khác là mời các xí nghiệp chế biến của Trung Quốc đến Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng theo quy cách mới, phù hợp thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường Trung Quốc, nhằm nâng giá trị cho hàng hóa Việt Nam. “Họ có thể vừa là đối tác hợp tác vừa là người mở thị trường tiêu thụ. Như vậy, cuộc làm ăn của doanh nghiệp Việt sẽ chắc chắn hơn”.
Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa xuất khẩu biên mậu, nhất là những mặt hàng có doanh số lớn, để không ảnh hưởng đến xuất khẩu chính ngạch; cần xây dựng văn phòng đại diện của Việt Nam tại các thị trường vùng của Trung Quốc vì họ là thị trường lớn (có đến tám trung tâm thực phẩm) và mỗi vùng như vậy có những quy cách khác nhau. “Đi sâu như vậy tức ta đã đi sâu được vào thị hiếu của thị trường, cơ hội thành công sẽ cao hơn”, ông Dưỡng nói