Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững

05/07/2017

Khi tâm lý sợ hãi đẩy người tiêu dùng đi tìm kiếm cho mình và gia đình nguồn thực phẩm sạch, thì cũng là lúc những sản phẩm mang tên gọi “hữu cơ” xuất hiện như nấm sau mưa.

Có cầu thì có cung

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam tăng nhanh nên cho dù cấp chính phủ chưa có một bộ tiêu chuẩn chính thống cho thực phẩm hữu cơ, nhiều doanh nghiệp đã “nhanh chân” tìm đến sự chứng nhận của các tổ chức nước ngoài. Các chứng nhận hữu cơ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là chứng nhận của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và chứng nhận của Liên hiệp châu Âu (EU). Đây được xem là những bộ tiêu chuẩn khắt khe bậc nhất trên thế giới và dĩ nhiên, doanh nghiệp không dễ dàng đạt được, cũng như không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để trả chi phí cho bên chứng nhận.

Do đó, sự xuất hiện của Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) được phát triển từ Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á, Đan Mạch (ADDA) tài trợ đã thêm một sự lựa chọn nữa cho nhiều người làm nông ở Hà Nội, Hòa Bình... Tuy dự án đã kết thúc từ năm 2012 nhưng trên thực tế cho đến nay, PGS vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Đây cũng là nhân tố để Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) ra đời tại Hà Nội.

Ở TPHCM, năm ngoái, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) ra đời mà nòng cốt là những người có công ty sản xuất sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, mục đích không gì khác ngoài việc tìm kiếm “danh phận” cho những sản phẩm hữu cơ trên thị trường.

Những tổ chức nêu trên tuy danh chính nhưng ngôn chưa thuận vì chưa được cơ quan quản lý nhà nước công nhận tính hợp pháp của các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã biết “địa chỉ” cùng những sản phẩm mà họ đứng tên.

Trên thị trường hiện nay có không ít sản phẩm hữu cơ “tự phong” có giá bán “trên trời” nhưng trên bao bì sản phẩm lại không có gắn một biểu tượng (logo) của bên chứng nhận hữu cơ nào. Dĩ nhiên, nhiều sản phẩm loại này có thể bị người tiêu dùng bóc mẽ, nhưng hiện trạng này cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự chính danh của những sản phẩm hữu cơ đang được bày bán ngày càng nhiều trên thị trường.

Trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội vào ngày 13-6, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết bộ này đang soạn thảo và dự kiến sẽ trình Chính phủ một dự thảo nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm hữu cơ.

Thế giới cũng có một rừng chứng nhận!

Hiện trên trang web của USDA có lưu giữ cơ sở dữ liệu về các sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ. Đây là nguồn dữ liệu được tập hợp khá đầy đủ những tiêu chuẩn, đơn vị chứng nhận cùng tên, địa chỉ các công ty ở khắp nơi trên thế giới đã được chứng nhận hữu cơ. Tại đây, người xem có thể thấy ngay ở Mỹ, người dân không nhất thiết phải áp dụng tiêu chuẩn của USDA mà các bang như New Mexico, Colorado, Iowa, Kentucky, Maryland... cũng có những tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ riêng và được công nhận có giá trị trên toàn nước Mỹ.

Ở nhiều quốc gia khác cũng đang tồn tại nhiều hệ tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ khác nhau. Tại Úc, chính phủ nước này có một tiêu chuẩn hữu cơ với tên gọi ACO (Australian certified organic). Ngoài ra, chứng nhận OFC (Organic food chain) cũng được Chính phủ Úc công nhận. Dưới cấp chính phủ còn có chứng nhận AUS-QUAL của Bộ Nông nghiệp Úc. Cấp thấp hơn nữa là chứng nhận BDRI của Viện Nghiên cứu sinh học sạch (Bio-Dynamic Research Institute).

Ở châu Âu, ngoài chứng nhận của EU thì hầu như tất cả các nước thành viên cũng có chứng nhận hữu cơ của họ. Nhưng dù có nhiều chứng nhận ở các cấp độ khác nhau, một quy định bắt buộc đối với các bộ tiêu chuẩn này là sản phẩm phải chứa ít nhất 70% thành phần là hữu cơ mới được chứng nhận và treo “logo organic”.

Tiêu chuẩn nào cho Việt Nam?

Trong khi chờ ban hành một tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất hữu cơ, các tổ chức có thể học theo cách làm của các nước bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn sản xuất một sản phẩm hữu cơ của chính mình. Bộ tiêu chuẩn này có thể dựa trên bộ tiêu chuẩn của USDA, EU hay Úc, như cách Việt Nam đã lấy tiêu chuẩn GlobalGAP làm nền tảng cho VietGAP ở thị trường nội địa.

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có thể lấy tiêu chuẩn PGS. Các địa phương mạnh về nông nghiệp như Lâm Đồng, TPHCM... cũng có thể đưa ra bộ tiêu chuẩn hữu cơ riêng. Thậm chí, một hệ thống phân phối cũng có thể nghĩ đến một bộ tiêu chuẩn hữu cơ của mình. Đi liền với đó, các tổ chức này phải cam kết bộ tiêu chuẩn do mình đưa ra phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản của một sản phẩm hữu cơ. Cách tốt nhất là có bên thứ ba giám sát bộ tiêu chuẩn bên cạnh hệ thống giám sát nội bộ, như cách mà hệ thống thực phẩm hữu cơ Organica đã thuê Công ty TNHH Peterson Services giám sát thêm các trang trại hữu cơ của mình, dù họ đã đạt chứng nhận của USDA, EU.

Về phần cơ quan quản lý nhà nước, Bộ NN&PTNT phải đảm bảo các tổ chức có bộ tiêu chuẩn hữu cơ phải chắc chắn sản xuất ra được sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn cơ bản nhằm đảm bảo tính công bằng cho người tiêu dùng. 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Tin khác