Đừng chỉ cởi trói “trên giấy”!

08/09/2017

Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn, giúp giải bài toán nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, theo đánh giá, Nghị định vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi nhiều quy định còn mang tính hình thức, khó áp dụng vì xa rời thực tiễn.

Sơ chế chuối già xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Khoa học nông nghiệp Việt - Mêkông.

Cản bước doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, kể từ khi có hiệu lực từ tháng 2/2014, Nghị định 210 dường như vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình. Điều đó thể hiện qua tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Tính đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô vốn phần lớn (chiếm khoảng 55%) ở mức dưới 5 tỷ đồng, thậm chí còn có tới 50% doanh nghiệp ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động).

Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhìn chung còn yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác, khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, thiếu thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế; khả năng ứng dụng khoa học công nghệ thấp, có đến 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước giải ngân cho mục tiêu thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn hẹp. Ngân sách Trung ương năm 2015 hỗ trợ thí điểm được 200 tỷ đồng cho 21 địa phương thực hiện thu hút 40 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Năm 2016, con số này là 185 tỷ đồng.

Ông Ngọc cho rằng, sở dĩ Nghị định 210 chưa thực sự hiệu quả vì một số quy định chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Điều kiện được thụ hưởng chính sách của Nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách, như để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu (Khoản 2 điều 16) hay quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương. Trên thực tế hầu hết các dự án rất khó đạt được yêu cầu này”, ông Ngọc nói.

Đó là chưa kể, quá nhiều thủ tục rườm rà để được hưởng chính sách cũng khiến doanh nghiệp chùn bước. Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện khoảng 16 bước (với 40 văn bản có liên quan) để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ.

Đồng quan điểm này, TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các chính sách thu hút doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp còn nhiều bất cập từ công tác xây dựng chính sách cho đến tổ chức thực hiện chính sách. Theo khảo sát, trong số 100 doanh nghiệp được hỏi, có đến 63,5% cho rằng tiếp cận đất đai gặp khó khăn; 70,1% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; 80,9% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ.

Giảm thủ tục hành chính

Đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai ngoài việc rà soát điều chỉnh chính sách về đất đai, vốn tín dụng phải đảm bảo nguồn lực trong thực hiện chính sách.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định mới là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư nông nghiệp. Theo đó, tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; giảm chi phí thực hiện và thời gian thực hiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, dự thảo Nghị định mới cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, gồm: Doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp ngoài ngành có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc áp dụng ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, có bổ sung đối tượng ưu đãi là doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp được hưởng ưu đãi như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nông nghiệp liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ được hưởng ưu đãi như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn khó khăn.

Điều chỉnh chính sách đất đai

Ngoài ra, ông Ngọc cho rằng, cần đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh chính sách về đất đai. Theo đó, để đẩy mạnh việc tích tụ và tập trung đất đai, cần để nó diễn ra một cách tự nhiên, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan, theo đúng quy luật kinh tế thị trường. “Hiện nay, nút thắt của tích tụ ruộng đất nằm ở doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải nông dân, bởi nông dân không có điều kiện để tích tụ, tập trung đất đai. Rào cản về pháp lý đã trói doanh nghiệp không được chuyển nhượng đất nông nghiệp. Do vậy cần phải cho doanh nghiệp quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gồm cả đất lúa. Và nên xóa bỏ hạn điền, thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất”, ông Ngọc nói.

Đồng quan điểm, theo ông Dương Văn Chín, đại diện Tập đoàn Lộc Trời, muốn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp cần cải cách chính sách ruộng đất, phân công cấp tỉnh lập ra cơ quan môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến chuyển nhượng, mua bán đất đai ở nông thôn như đã được thực hiện tại Nhật Bản.

Còn theo ông Tuấn, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp thuê làm trụ sở, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, kho chứa, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp có nhà máy chế biến, bảo quản và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được phép sử dụng tối đa 3% diện tích đất nhưng không quá 5ha của dự án trong vùng nguyên liệu tập trung để xây dựng trụ sở, kho chứa, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, hệ thống xử lý chất thải, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao. “Nhà nước bảo hộ cơ chế tự nguyện của doanh nghiệp và người dân trong tích tụ, tập trung đất đai thông qua việc thực hiện vai trò trung gian của chính quyền địa phương trong quá trình đàm phán của doanh nghiệp với người dân”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản liên quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mặt bằng xây dựng trụ sở, hạ tầng phục vụ sản xuất (kho chứa, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, hệ thống xử lý chất thải, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao), nhận chuyển nhượng và thuê đất của hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành vùng nguyên liệu tập trung.Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất, nên miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho doanh nghiệp trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án, phù hợp quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâu năm. 

Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Pan Group, cho rằng, dự thảo nghị định mới cần tạo môi trường kinh doanh bình đằng, xóa bỏ cơ chế xin cho, thay mệnh lệnh hành chính bằng cơ chế thị trường và nên tập trung vào các chính sách ưu đãi mà không sử dụng vốn, nhất là chính sách thuế. “Chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào các dự án có hiệu quả, doanh nghiệp liên doanh liên kết sử dụng những nguồn lực của nhau để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch xóa bỏ cơ chế xin cho trong bối cảnh những thủ tục hành chính còn phức tạp và mất nhiều thời gian”, ông Hải nói.

Phát biểu tại Hội thảo Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp trong thời gian qua. Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thu thập các ý kiến đóng góp sau hội thảo để hoàn thiện nội dung trước khi trình Chính phủ thông qua để Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 210 thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

“Phải khẳng định doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt trong liên kết giá trị chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam. Ở tầm Nghị định này phải tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, nút thắt và cách tiếp cận cơ chế về tín dụng và chính sách đất đai, đó là tích tụ ruộng đất, tài sản trên đất. Nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là về thủ tục hành chính không gây khó khăn phiền hà. Tiếp tục phân cấp và minh bạch không để trục lợi về chính sách”, ông Cường cho biết.

Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp đã tăng từ 2.379 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2014 và đến hết 7 tháng đầu năm 2017, có 1.156 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực NLTS, đưa số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực NLTS đạt trên 5.000 doanh nghiệp.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác