|
Trồng rau VietGAP theo hương công nghệ cao cần vốn lớn |
Trong đó, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là vốn tín dụng.
Khó tiếp cận vốn tín dụng
Vốn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (19/12/2016), nhiều ý kiến đã đề cập tới việc các DN ngành nông nghiệp, nhất là DN tư nhân, vẫn đang khó tiếp cận được với nguồn vốn vay. Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định, khó khăn nhất của DN là tiếp cận vốn tín dụng. DN lớn, có tiềm lực tài chính thì không làm nông nghiệp. Còn DN vừa và nhỏ tham gia làm nông nghiệp, vay vốn cực kỳ khó.
Khi đã tiếp cận được với ngân hàng, việc định giá tài sản thế chấp, nhất là định giá đất chưa hợp lý, cũng khiến cho nhiều DN tư nhân không thể vay được số vốn cần thiết. Ông Võ Quan Huy, GĐ Cty TNHH Huy Long An, cho biết, để đầu tư 1 ha bưởi da xanh từ khi bắt đầu đến lúc thu hoạch, cần số vốn khoảng 500 tỷ đồng. Vốn đầu tư lớn như vậy, nhưng khi cho thu hoạch, mỗi ha có thể đem lại doanh thu 1-1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lợi nhuận 500 triệu đồng.
Thế nhưng, do giá trị đất nông nghiệp, theo định của nhà nước chỉ là 200 triệu đồng/ha, nên số tiền vay không được nhiều và thấp hơn nhiều so với số vốn cần thiết để đầu tư trồng bưởi da xanh. Cũng theo ông Huy, một bất cập lớn hiện nay là khi DN, cá nhân đem đất đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, lại chỉ được định giá trị đất mà không tính tới giá trị tài sản trên đất. Mà trên thực tế, sau nhiều năm làm nông nghiệp, nhiều DN, trang trại đã đầu tư cơ sở hạ tầng, kho tàng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị trên đất với giá trị khá lớn.
Theo ông Nguyễn Huy Trinh, GĐ Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, trong khu vực kinh tế tư nhân hiện nay còn có vai trò không nhỏ của cá nhân. Nhưng sự “vênh” nhau giữa các văn bản pháp luật, lại đang gây khó khăn cho cá nhân muốn vay vốn sản xuất nông nghiệp.
Theo Luật Dân sự 2015, về địa vị pháp lý, chỉ còn cá nhân và pháp nhân, không còn hộ gia đình. Nếu cần vay vốn sản xuất, kinh doanh, cá nhân sẽ đại diện cho hộ gia đình. Trong khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại đang cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình. Nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cá nhân thì cá nhân đó toàn quyền đem đi thế chấp vay vốn. Nhưng nếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình sẽ bao gồm chủ hộ (vợ hoặc chồng), các con đều có quyền ngang nhau, thì gây ra nhiều khó khăn cho cá nhân đứng ra thế chấp vay vốn, bởi cá nhân đó không có toàn quyền quyết định.
Tạo cơ chế vay vốn dễ dàng hơn
Đề cập đến chuyện vay vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương cho rằng nông nghiệp vốn mang tính rủi ro cao, trong khi hoạt động tín dụng của ngân hàng lại đặt nặng tính an toàn. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp và ngân hàng nhiều còn khó “gặp” được nhau. Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách để các ngân hàng khi cho vay nông nghiệp, nông thôn, cũng dám chấp nhận rủi ro hơn.
Ông Nguyễn Huy Trinh cho hay, quan điểm trong hoạt động ngân hàng hiện nay là đề cao sự an toàn, nhất là những vấn đề liên quan tới pháp lý. Bởi trong các rủi ro mà ngân hàng có thể gặp phải, rủi ro pháp lý là nguy hiểm nhất.
Hiện nay, chính sách cho vay không tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn là rất rõ ràng. Đối với nông dân, khi cho họ vay không cần tài sản đảm bảo, ngân hàng không sợ mất vốn vì nông dân gắn bó với làng xóm, với mảnh đất đó. Nếu năm nay làm ăn thua lỗ không trả được, năm sau họ sẽ trả. Dư nợ nông dân ở Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai hiện khoảng 9.000 tỷ thì 3.000 tỷ không phải thế chấp.
Từ thực tế cho vay không tài sản đảm bảo, ông Trinh cho rằng, cho vay không tài sản đảm mà dựa vào phương án kinh doanh trên cơ sở sản xuất thực của người ta, là cơ chế cho vay tốt nhất để kinh tế tư nhân trong nông nghiệp phát triển.
Hiện nay, cho nông dân vay không tài sản đảm bảo (dưới 100 triệu đồng theo Nghị định 55), ngân hàng có thể yên tâm vì nếu nông dân bị mất vốn, thì sẽ có đảm bảo từ nhà nước và ngân hàng có cách này cách khác để nông dân hoàn lại vốn vay. Nhưng để cho vay không tài sản đảm bảo với các đối tượng khác trong khu vực kinh tế tư nhân, thì rất cần có một cơ chế để đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động tín dụng của ngân hàng.
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế NN- PTNT, lý giải rằng việc ngân hàng phải đòi hỏi thế chấp khi cho vay vốn trong nông nghiệp, nông thôn, có nguyên nhân quan trọng là do nông nghiệp của ta đa số vẫn là nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, không đảm bảo làm ăn có hiệu quả để ngân hàng mạnh dạn cho vay không cần tài sản đảm bảo.
Vì vậy, nếu hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp là đầu tàu thì sẽ tạo được sự tin tưởng hơn cho ngân hàng, qua đó góp phần quan trọng giải quyết vấn đề tín dụng.
Ngoài ra, để nông dân, DN khi đem đất đi thế chấp có thể vay vốn được nhiều hơn, ông Võ Quan Huy, cho rằng Nhà nước cần có cơ chế để định giá đất theo giá trị làm ra của nông sản hay giá trị lợi nhuận nông sản và định giá cả tài sản trên đất.
Để giải quyết bài toán vốn tín dụng cho DN, nhất là các DN tư nhân, DN nông nghiệp, TP HCM đã đi đầu trong việc thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, được TP triển khai từ năm 2012. Lúc đầu, đối tượng chính là các DN vừa và nhỏ, DN nông nghiệp. Sau đó mở rộng ra đối tượng khách hàng cá nhân, tiểu thương … Đến nay, đã có gần 500.000 tỷ đồng vốn được các ngân hàng hỗ trợ cho khoảng 200.000 lượt doanh nghiệp.
Trong đó, dư nợ cho vay các DN, HTX, cá nhân … hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là khoảng 73.000 tỷ đồng. Đây là con số không lớn nếu tính trên tổng dư nợ cho vay của Chương trình, nhưng so với dư nợ cho vay ở các địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, thì lại rất ý nghĩa. Trong năm 2017, các Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp của TP HCM sẽ tập trung vào DN làm nông nghiệp công nghệ cao, DN thành lập mới, DN chuyển đổi từ hộ sản xuất, kinh doanh thành DN …
Để giúp các DN có thể vay được vốn trong điều kiện thiếu tài sản thế chấp, Chương trình đã tiến hành cho vay theo 3 hướng: Cho vay không cần tài sản đảm bảo; cho vay co sự bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho vay thế chấp bằng các công nợ phải thu.
|
Theo Nông nghiệp Việt Nam