Mỗi xã, phường một sản phẩm: Mục tiêu mới của nông thôn mới

22/09/2017

Từ thành công của Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang trong quá trình xây dựng Đề án chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030. Đây cũng được coi là mục tiêu mới của Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bài 1: OCOP, từ góc nhìn của Quảng Ninh

Khởi phát từ Nhật Bản, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune, one product - OCOP) đã được tỉnh Quảng Ninh áp dụng hiệu quả và thành công. Đến nay, đất mỏ đã có danh sách dài những sản phẩm mang đặc trưng của từng vùng: miền núi có trà hoa vàng, ba kích,...; vùng biển có hải sản, nước mắm; các làng nghề thì giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Đa số người trồng cam Vạn Yên (Vân Đồn) tham gia chương trình OCOP.

Những sản vật từ làng

Với lợi thế có nhiều tiểu vùng sinh thái, từ miền núi đến vùng biển nên Quảng Ninh có nhiều đặc sản nổi tiếng, đây cũng là tiền đề để tỉnh triển khai chương trình OCOP một cách thuận lợi. Đến nay, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân, Quảng Ninh đã có nhiều sản phẩm nổi tiếng, có thương hiệu trên thị trường như trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô…

Đơn cử như tại huyện Ba Chẽ, cây trà hoa vàng đã và đang mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Là một trong những người đầu tiên bảo tồn và khai thác loại trà quý hiếm này, anh Nịnh Văn Trắng ở thôn Khe Xa (xã Đạp Thanh) cho biết, năm 2006, gia đình anh thu mua trà hoa vàng từ nguồn hái tự nhiên trong rừng và tìm cây giống đem về ươm trồng. Sau 4 năm, lứa hoa trà đầu tiên cho khai thác được hơn 10kg hoa tươi, mang lại cho gia đình khoản thu nhập lớn. Từ đó, anh quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chăm sóc vườn trà. “Hiện vườn trà của tôi trồng được hơn 5 năm, đã ra hoa và cho thu hoạch, bình quân gia đình thu 500 triệu đồng/năm nhờ loại cây dược liệu này”, anh Trắng khoe.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cuối năm 2014, anh Trắng mạnh dạn thành lập Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh; năm 2015, tiến hành đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác và mã vạch cho sản phẩm. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, anh đã chủ động được thị trường tiêu thụ trong nước mà không cần phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Từ mô hình thành công đầu tiên, đến nay, trà hoa vàng đã là thương hiệu nổi tiếng ở Ba Chẽ, là “quả ngọt” của Chương trình OCOP. Theo quy hoạch của  Quảng Ninh, Ba Chẽ là một trong 3 vùng dược liệu của tỉnh. Vì vậy, huyện đã quy hoạch các vùng trồng trà hoa vàng với tổng diện tích 505ha trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện trồng được gần 100ha trà hoa vàng. Huyện cũng đã tổ chức Lễ hội trà hoa vàng nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Ngoài trà hoa vàng, Ba Chẽ đang tiến hành xây dựng các vùng trồng ba kích, đẳng sâm, sâm cau, địa liền, mía tím, nấm linh chi, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dược liệu quý của tỉnh Quảng Ninh.

Là huyện đảo nên khi triển khai Chương trình OCOP, Vân Đồn hướng đến những sản phẩm mang đặc trưng của biển như cá đục khô, cá kìm khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, cam Vạn Yên, cam Bản Sen,... Không chỉ kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình, Vân Đồn còn khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, HTX để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo việc sản xuất theo chuỗi. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ trên 1 tỷ đồng từ vốn ngân sách của Chương trình xây dựng nông thôn mới để mở rộng diện tích trồng cam và thiết bị chế biến hải sản khô.

Trong khi đó, huyện Đông Triều lại tập trung phát triển 5 sản phẩm có sẵn như: Gốm Đông Triều, nếp cái hoa vàng, na dai, sữa, rượu Đông Mai. Là một trong những đơn vị được thụ hưởng từ chương trình OCOP, Công ty CP Sữa Đông Triều đã được Ban Điều hành OCOP Đông Triều hỗ trợ cải tiến máy móc, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sữa. Anh Đinh Khắc Hồng, Giám đốc Công ty, cho biết: Tham gia vào chương trình, Công ty được hỗ trợ trang sắm một máy đồng hóa và 3 nồi nấu bánh sữa công nghệ tiên tiến. Trước đây, khi chưa có máy đồng hóa, các sản phẩm sữa tươi của Công ty sau một ngày thì nổi váng, không sử dụng được, nhưng khi áp dụng thiết bị mới, sản phẩm tốt hơn, bảo quản được được lâu hơn.

Đủ điều kiện nhân rộng

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chương trình OCOP đã thực sự mang lại diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, giúp nhiều làng nghề hồi sinh một cách mạnh mẽ. Ở nhiều khu du lịch nổi tiếng của tỉnh, sự hiện diện của nhiều sản phẩm dán nhãn OCOP đã minh chứng cho hiệu quả của chương trình. 

Được biết, sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, Quảng Ninh đã có 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được thành lập, đăng ký tham gia với trên 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn mác OCOP, trong đó có 99 sản phẩm của chương trình đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm trong số này phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ... Sau khi triển khai tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung, các sản phẩm đều đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn.

Điều đáng ghi nhận là, quá trình sản phẩm được các đơn vị thực hiện khá chuyên nghiệp và bài bản. Theo đó, không chỉ tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, các đơn vị còn thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, website giới thiệu sản phẩm. Nhãn hiệu OCOP đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời in ấn đồng bộ trên tất cả các sản phẩm. Trong ba năm, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt hơn 672 tỷ đồng nhờ gia tăng về quy mô sản xuất và giá bán, đóng góp tích cực vào việc tăng thu nhập của nhân dân.

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, Quảng Ninh đã có 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được thành lập, đăng ký tham gia với trên 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn mác OCOP, trong đó có 99 sản phẩm của chương trình đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt hơn 672 tỷ đồng.

Chương trình đã thể hiện một tư duy hoàn toàn mới trong phát triển sản phẩm chủ lực, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất như cách làm của nhiều địa phương, OCOP Quảng Ninh đã xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (sản xuất - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ) đã được các địa phương trong tỉnh áp dụng hiệu quả và triệt để.

 Không chỉ thúc đẩy sản xuất, chương trình OCOP còn thúc đẩy các tổ chức sản xuất nội sinh phát triển, thay vì làm ăn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, tham gia OCOP, các hộ dân liên kết với nhau, trở thành nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ, vừa với quy mô sản xuất vừa phải, rồi dần dần phát triển thành doanh nghiệp tư nhân, công ty, tập đoàn...

Đơn cử như mô hình của HTX Nông dược xanh Tinh Hoa ở xã Quảng La (huyện Hoành Bồ). Tham gia OCOP, HTX đã xây dựng thành công Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La gồm 23,5 ha phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục thực nghiệm... Đến nay, các sản phẩm từ cây dược liệu, như: kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, cà gai leo, nhân trần, bồ công anh; tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh; bún dược liệu, tinh bột nghệ, bánh tam giác mạch, rau dược liệu..., từng bước được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Không những thế, dự án này còn mang ý nghĩa xã hội lớn khi tạo việc làm thường xuyên cho từ 50-60 lao động là người dân tộc thiểu số tại Quảng La, Bằng Cả với thu nhập ổn định từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: OCOP là chương trình mở, là hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị. Do vậy, triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình, trong đó, người dân phải đóng vai trò chủ thể”.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: “Mô hình OCOP của Quảng Ninh đủ điều kiện để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Thực tế cách làm dày công từ tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách cũng như bộ công cụ quản lý OCOP của Quảng Ninh là chất liệu tốt cho chính chúng tôi khi trong hoạch định chính sách phát triển sản phẩm cấp trung ương nói chung cũng như việc các địa phương có thể vận dụng để triển khai trên địa bàn mình”.

OCOP đã mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh, đóng góp quan trọng vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Từ thành công này, hiện nhiều địa phương đang tiến hành xây dựng chương trình, nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định, đây là chương trình mở, là dòng chảy nên quá trình thực hiện phải liên tục, không nóng vội và phải làm bài bản, nếu không dễ lặp lại tình trạng “theo phong trào” như nhiều phong trào nuôi, trồng đã phát triển trước đó.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác