Tuyên bố Cần Thơ khẳng định ANLT sẽ tiếp tục là vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng cũng như vai trò quan trọng của nền kinh tế APEC trong chuỗi giá trị hiện nay về ANLT toàn cầu. Mối quan hệ giữa ANLT và BĐKH cần được giải quyết thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH.
Trước đó, sáng 25-8-2017, phát biểu khai mạc “Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đảm bảo ANLT, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tác động của BĐKH không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà là nhiệm vụ và lộ trình mà APEC cần thực hiện, đồng thời là trách nhiệm của mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác trong khuôn khổ APEC và cam kết sẵn sàng phối hợp với các nền kinh tế thành viên và các đối tác phát triển vì hòa bình, ổn định, bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực”.
Theo ông Dũng, 21 nền kinh tế thành viên APEC đang chiếm 39% dân số thế giới và 57% GDP toàn cầu, là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy vậy, trước tình hình thời tiết cực đoan do BĐKH diễn ra hết sức nghiêm trọng trên toàn cầu, việc đảm bảo ANLT cho người dân là một trong những thách thức mà hầu hết các nền kinh tế thành viên phải giải quyết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.
Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với BĐKH và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Dũng, các kế hoạch hành động và Tuyên bố Cần Thơ vừa được thông qua “sẽ là khuôn khổ và cơ sở quan trọng thúc đẩy hợp tác trong khu vực APEC một cách thực chất và hiệu quả”.
Chủ trì cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH được Việt Nam lựa chọn và đề xuất trong bốn ưu tiên hợp tác trọng tâm của năm APEC 2017.
Ông Hà cũng cho biết ở Việt Nam và cả vùng châu Á - Thái Bình Dương, BĐKH đang tác động tới các vùng nông thôn nghèo cũng như các hoạt động kinh tế nòng cốt trong nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực vốn là động lực giúp đảm bảo ANLT, xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, theo ước tính của Liên hiệp quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỉ người hiện nay lên 9,6 tỉ người vào năm 2050 và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Gánh nặng khổng lồ của việc đảm bảo ANLT cho dân số toàn cầu đang tăng nhanh như vậy càng trở nên nặng nề hơn do tác động của BĐKH lên sản xuất lương thực và nông nghiệp.
“Tình hình rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không có các giải pháp ứng phó quyết liệt và hiệu quả hơn với sức mạnh hợp tác tích cực và toàn diện của cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng”, ông Hà nhấn mạnh.
Trả lời TBKTSG Online tại cuộc họp báo vào chiều tối 25-8-2017, liên quan tới vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh ĐBSCL là nơi bảo đảm ANLT chính lại chịu tác động nặng của BĐKH nên sẽ được Chính phủ tăng cường đầu tư nhiều dự án, chương trình thiết thực trong khuôn khổ Tuyên bố Cần Thơ vừa đạt được.