Để thực hiện mục tiêu: Cần định vị rõ lợi thế từng ngành hàng

21/08/2017

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Ngay sau đó, Thủ tướng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm rà soát lại kế hoạch năm 2017, đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào tăng trưởng GDP.

Để hoàn thành kế hoạch cả năm, tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng 7,42%, đây là mức tăng trưởng cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và người dân, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định quan điểm: Tăng trưởng sản xuất phải gắn liền với hiệu quả. “Không thể ép sản xuất mà không có hiệu quả, ít ra là phải thu hồi vốn, không thua lỗ. Chứ không phải ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ”. Theo đó, Chính phủ  yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,05%, xuất khẩu đạt 33 tỷ USD. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhìn lại 7 tháng qua, thấy ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực để vượt qua những khó khăn từ nhiều phía, nhất là thời tiết và thị trường. Có thể nêu vài con số: tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng qua ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh: càphê 2,1 tỷ USD (tăng 7,9%), cao su 1,1 tỷ USD (tăng 59,2%), hạt điều 1,8 tỷ USD (tăng 24,2%), rau quả  2,0 tỷ USD (tăng 48,9%), gạo 1,47 tỷ USD (tăng 13,7%); thủy sản ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 17,5%; đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Với kết quả này và những nỗ lực của Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tháo gỡ vướng mắc, trở ngại về thị trường, vốn và khắc phục khó khăn do thiên tai, ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ đạt mục tiêu được giao.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu trước mắt không dễ nhưng không quá khó. Vấn đề là, sự tăng trưởng bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào một vài thị trường và đời sống người nông dân phải được nâng cao, nông thôn phải giàu đẹp. Để thực hiện quan điểm của Thủ tướng: “Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng quan trọng”, các chuyên gia góp ý: ngành nông nghiệp cần xác định rõ vị thế và cơ cấu của từng ngành hàng trên thị trường toàn cầu, theo từng hiệp định thương mại thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết; mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hoặc GlobalGAP nhằm tăng chất lượng và năng suất thay vì chạy theo số lượng; nhanh chóng tổ chức quy hoạch và sản xuất quy mô lớn để xóa đi sự manh mún nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng và dễ dàng áp dụng cơ giới hóa, công nghệ mới để tăng năng suất, hạ giá thành. Đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống chính sách để thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông với nhau trong tổ hợp tác, hợp tác xã và với doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho từng ngành hàng, nhất là ngành hàng rau quả và thủy hải sản, hai ngành hàng chiến lược đã được xác định.

Về phía các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cụ thể để khai thác  hiệu quả lợi thế và vươn ra biển lớn.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác