|
Phương tiện chở hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Bắc Phóng Sinh (Quảng Ninh). |
Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền dài 1.449,566km. Theo Hiệp định cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009, đến nay, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã ghi nhận 22 cửa khẩu, trong đó đã mở chính thức 7 cặp cửa khẩu quốc tế, ngoài ra, còn có 21 cửa khẩu và 47 lối mở biên giới được mở theo nhu cầu của địa phương biên giới nhằm phục vụ hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của hai bên.
Vụ Thương mại biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) đánh giá, hoạt động thương mại biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã góp phần tích cực phục vụ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho một bộ phận người dân biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương biên giới. Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu Việt - Trung chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông sản, bao gồm trái cây tươi, chiếm trên 50% tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ như cao su và các sản phẩm từ cao su, sắn lát và tinh bột sắn, thủy sản, bánh kẹo, cà phê, chè các loại…
Cũng theo Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, thời gian qua, hai bên thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, phát huy được lợi thế tương đối do tính bổ sung lẫn nhau của các mặt hàng xuất khẩu, như Việt Nam xuất khẩu, trao đổi mặt hàng nông lâm, thủy sản, trái cây tươi… sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc những mặt hàng là nguyên nhiên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước; cơ cấu hàng hóa xuất - nhập khẩu ngày càng phù hợp với tiềm năng hai nước.
Hàng năm, Việt Nam xuất sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng nông sản thực vật, chủ yếu là các loại rau, quả tươi, hạt điều, sắn lát, tinh bột sắn, gỗ và các sản phẩm gỗ, gạo,... Trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhập khẩu nông sản nói chung và rau quả của Việt Nam nói riêng.
Hoạt động thương mại biên giới được thực hiện bởi các hình thức: xuất - nhập khẩu trực tiếp, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan và trao đổi cư dân biên giới. Giai đoạn 2011 - 2016, kim ngạch xuất khẩu qua các năm đều tăng, tổng giá trị xuất - nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đạt 105.230,49 triệu USD.
Năm 2016 Việt Nam xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc với khối lượng hơn 2 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với rau quả của Việt Nam, cụ thể Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, trong đó chủ yếu là quả tươi.
Để đạt được con số ấn tượng trên, hai bên Việt - Trung đã phối hợp trao đổi và đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể và xây dựng các định hướng hợp tác trong thương mại biên giới; tạo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu. Hai bên thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, cơ cấu hàng hóa ngày càng phù hợp với tiềm năng của hai nước.
Vẫn còn nhiều rủi ro
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dù có nhiều tiềm năng và đã đạt được những kết quả khả quan nhưng việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang gặp một số khó khăn: Trung Quốc là thị trường chủ yếu, quan trọng của nông sản Việt Nam nhưng vẫn chưa có nghiên cứu chi tiết, tin cậy về nhu cầu của thị trường cũng như chưa có dự báo chính xác về xu hướng của thị trường.
Trung Quốc ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và đang ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe đối với nông sản nhập khẩu; thương mại nông sản với Trung Quốc bằng hình thức biên mậu chiếm tỷ trọng lớn nên có nhiều rủi ro; chưa có nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho các loại quả tươi xuất khẩu cũng như đón chuyên gia nước nhập khẩu sang kiểm tra theo quy định.
Còn theo Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục: Vấn đề kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng đối với hàng hóa qua biên giới chưa được quản lý chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt đối với hàng hóa là thực phẩm, trái cây tươi. Cơ sở hạ tầng kho bãi tại khu vực cửa khẩu còn thiếu và yếu, chưa đảm bảo công tác thông quan hàng hóa, hệ thống đường giao thông đến cửa khẩu còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có chiến lược phát triển thương mại biên giới Việt – Trung.
Nâng chất lượng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu
Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, hiện các mặt hàng rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, những mặt hàng chủ lực gồm các loại quả nhiệt đới như thanh long, dứa, xoài… đối với trái cây tươi, trong đó thanh long được ưa chuộng và xuất khẩu nhiều nhất. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng mạnh. Trong đó năm 2016 đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015. Trong 7 năm tháng đầu năm đạt trên 2 tỷ USD. Dự kiến kết thúc 2017 đạt 3,4 - 3,6 tỷ USD.
Các thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất kể cả về kim ngạch cũng như khối lượng xuất khẩu. Vì vậy, theo ông Dương, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, chúng ta cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch thực vật của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đề nghị bố trí nguồn lực tương xứng cho công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường và giữ vững thị trường cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trước hết là kinh phí bố trí để đón các đoàn chuyên gia Trung Quốc sang kiểm tra vùng trồng, cơ sở sơ chế, xử lý để cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với các loại quả tươi của Việt Nam như măng cụt, chanh, quả roi, na, chanh leo,... Cần có nghiên cứu chi tiết và dự báo chính xác về nhu cầu, xu hướng thị trường Trung Quốc để chủ động tổ chức xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp nhận định, hiện Trung Quốc đang ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thực trao đổi biên mậu. Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng quản lý rủi ro theo hàng hóa. Cụ thể, như lạc, đỗ, ớt, khoai lang trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, đại diện doanh nghiệp phải lấy mẫu gửi cho kiểm dịch kiểm nghiệm phía Trung Quốc kiểm tra trước, nếu đáp ứng được yêu cầu mới cho hàng chuyển sang bãi phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường này đang ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung chú ý đến các tiêu chuẩn về chất lượng rau quả, nhất là tiêu chuẩn về VietGAP và GlobalGAP. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi những yêu cầu về nhãn mác sản phẩm cụ thể để truy xuất nguồn gốc. “Tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc bây giờ rất cao, chúng ta không nên quan niệm là hàng xuất khẩu sang Trung Quốc thế nào cũng được”, ông Nam nói.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hai bên cần tăng cường hợp tác để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới; hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch, chống buôn lậu, hàng giả xâm nhập vào thị trường của nhau trên tinh thần xây dựng đường biên giới hai nước trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Theo Kinh tế nông thôn