Ngành nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào mục tiêu chính

06/07/2017

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, ngàn hnông nghiệp sẽ phải tăng cường nỗ lực trong nhiều lĩnh vực để đạt 3 mục tiêu chính đặt ra cho năm 2017. Phát biểu tại một cuộc hội thảo tổ chức hồi tuần trước tại Hà Nội, ông Cường đã công bố tổng quan tình hình hoạt động ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm 2017 và đặt ra các định hướng cho nửa cuối năm 2017.

Ba mục tiêu chính mà Bộ trưởng đề cập bao gồm: tăng trưởng 3,05%; doanh thu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 33 tỷ USD; và 31% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Cường cho biết các mục tiêu cơ bản mà chính phủ đề ra đã đạt được, nhưng ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn liên quan đến thị trường và thời tiết. Ông cũng nhắc lại những điểm yếu tiếp diễn trong ngành, bao gồm chuỗi giá trị yếu, kém bền vững; đầu tư thấp, thiếu các dây chuyền sản xuất khép kín, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và hợp tác lỏng lẻo giữa các tác nhân trong ngành.

Nhấn mạnh các thách thức trong nửa cuối năm 2017, ông Cường cho biết ngành nông nghiệp phải chuẩn bị cho các khó khăn trên cả thị trường nội địa và quốc tế, và giải quyết các vấn đề yếu kém trong chế biến và marketing.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tăng trưởng ngành chăn nuôi còn có nhiều yếu kém, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn. Ông đề xuất các địa phương hợp tác để hỗ trợ nông dân thúc đẩy hiệu quả trong chăn nuôi.

Ông Cường cho rằng cần tổ chức thêm nhiều hội thảo để thúc đẩy xuất khẩu thịt gà và thịt lợn, không chỉ sang thị trường Trung Quốc, mà còn sang các thị trường khác. Ông nhấn mạnh nhu cầu tái cơ cấu ngành chăn nuôi, và tất cả các tác nhân cần rà soát kế hoạch, có tính đến các yếu tố liên quan đến thị trường và tác động của biến đổi khí hậu.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm 2017

Trong nửa đầu năm 2017, theo số liệu Bộ NN, giá trị xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu nông sản tăng 15,4% trong cùng kỳ so sánh lên 9,1 tỷ USD, với xuất khẩu gạo, cao su và chè ghi nhận tăng cả về lượng và giá trị. Việt Nam đã xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo, thu về 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về lượng và 5% về giá trị trong cùng kỳ so sánh. Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu cao su Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đạt 460.000 tấn, thu về 867 triệu USD, tăng 5% về lượng và 59% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu chè cũng ghi nhận tăng lần lượt 17% về lượng và 15% về giá trị trong cùng kỳ so sánh, lên 63.000 tấn và giá trị đạt 98 triệu USD.

Trong khi đó, bất chấp lượng xuất khẩu suy giảm, giá trị xuất khẩu cà phê và hạt điều tiếp tục ghi nhận tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ NN nhấn mạnh. Xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đạt 817.000 tấn, giá trị 1,86 tỷ USD, giảm 16,7% về lượng nhưng tăng 10% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2016. Xuất khẩu hạt điều giảm 4,5% về lượng xuống còn 149.000 tấn nhưng giá trị tăng 21% lên 1,5 tỷ USD.

Theo số liệu Bộ NN, xuất khẩu thủy sản đạt 3,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 14,1% về giá trị. Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tổng cộng 54,6% tổng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu các sản phẩm lâm sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 13% trong cùng kỳ so sánh. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm nội thất gỗ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 13,2% so với nửa đầu năm 2016. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Bộ NN cũng cho biết Việt Nam đã chi 14,6 tỷ USD cho nhập khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản trong nửa đầu năm 2017, tăng 25,4% so với nửa đầu năm 2016.

Theo Vietnamnet

 


Tin khác