Tìm giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức

26/09/2017

Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH diễn ra trong ngày 26 và 27/9 tại Cần Thơ với 4 phiên họp quan trọng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn tập hợp trí tuệ đóng góp cả hệ thống chính trị để vực dậy ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì Hội nghị với sự tham gia của hơn 500 đại biểu. Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng ĐBSCL trong việc sản xuất lúa gạo, thủy sản và trái cây đối với cả nước và thế giới. Trong thời gian qua Đảng, Chính phủ  luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển  ĐBSCL. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.

Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực.

Nước lũ nhấn chìm diện tích lúa thu đông 2017 tại huyện An Phú – An Giang

Để định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, thích ứng BĐKH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Theo đó cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng.

Cùng ngày Hội nghị diễn ra với 3 chuyên đề quan trọng: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL, do Bộ Tài nguyên & Môi Trường chủ trì; Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở do Bộ NN-PTNT chủ trì; quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL do Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Buổi chiều chuyển sang phiên thảo luận toàn thể chuyên đề về quy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL.  

Tồn tại trong nông nghiệp

Phát  triển  thiếu  bền vững  của ngành  nông  nghiệp ĐBSCL đã bộc  lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp vùng chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn  2001-2010, xuống  còn khoảng 5% vào giai đoạn  2011-2016. 

Cụ thể, việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh, chuyển sang hệ thống canh tác 3 vụ lúa/năm đã tạo ra những hệ lụy đáng báo động về sinh thái, môi trường, đa dạng  sinh  học và  hiệu  quả sử dụng  tài  nguyên. Nhiều  vùng ở thượng 2 nguồn chỉ quy hoạch sản xuất 2 vụ lúa song trong những năm qua đã phát triển mạnh vụ 3. Thâm canh nông nghiệp cũng làm giảm độ phì nhiêu của đất và tăng nguy cơ sâu bệnh tại ĐBSCL, dẫn tới việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

BĐKH ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông và đê biển ở ĐBSCL

Về nuôi trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm, cá tra) tăng nhanh trong giai đoạn  2000-2010,  thiếu  kiểm  soát  về môi trường, dẫn đến dịch  bệnh  bùng  phát.  Ngoài  ra, nguồn  lợi  thủy  sản  tự nhiên  ngày  một  giảm, ngư trường  khai  thác  ngày  càng  xa, diện  tích  rừng ở các  tỉnh ĐBSCL tiếp tục thu  hẹp, xâm hại chủ yếu do nuôi trồng thủy sản.

Nông dân ĐBSCL cũng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm và giám sát chất lượng con giống, thuốc, hóa chất, thức ăn còn thiếu chặt chẽ. Hệ lụy là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản ĐBSCL chưa thực đảm bảo, thiếu bền vững,ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu, năng lực cạnh tranh của nông sản.

Những điểm yếu này cản trở nông sản ĐBSCL trong việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu có giá trị cao, khó đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật cao. Nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL đã bị đối tác nước ngoài trảvề bởi dư lượng kháng sinh cao vượt chuẩn và dính đến tạp chất. Tại thị trường trong nước, niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và VSATTP suy giảm.

Tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nông sản ở ĐBSCL cũng là một nút  thắt  trong  phát  triển  nông  nghiệp  vùng. Phần  lớn  các  hộ nông dân ĐBSCL có quy mô nhỏ, không có kho trữ, ít vốn, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi  ro  nhất  khi  có  biến động  bất  lợi  trên  thị trường  về giá đầu  vào và đầu ra.  Các  tổ chức tập thể như hợp tác xã, hiệp hội lại chưa phát huy hiệu quả và chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng nông sản vẫn còn còn ít và lỏng lẻo.

Theo phân tích, cơ cấu  nội ngành nông nghiệp ĐBSCL đang dịch chuyển với tốc độ khá chậm, đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt (trên 60% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản). Sinh kế của người nông dân ĐBSCL cải thiện chậm so với mặt bằng chung cả nước. Tính đến tháng 3 năm 2017, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới của ĐBSCL cũng chỉ ở mức 22,7% thấp hơn mức cảnước là 30,5% và chưa bằng một nửa so với tỷ lệ của ĐBSH là 55,4%.

Thu  nhập bình quân đầu người  hàng  tháng  của người  dân ĐBSCL là 1,8 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 200 nghìn đồng. Tỷ lệ nghèo của ĐBSCL năm 2016 là 9,66% cao hơn khá nhiều so với mức 4,76% của Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH).

1/ Về nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu: Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%). ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 3 đồng  bằng  trên  thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

2/ Theo số liệu thống kê đến 2015, tổng diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL vào  khoảng  3.410  nghìn  ha,  trong  đó  diện  tích  sản  xuất  nông  nghiệp  chiếm khoảng  2.624  nghìn  ha,  diện tích đất  lâm  nghiệp  vào  khoảng  249  nghìn  ha  và diện tích nuôi trồng thủy sản 531 nghìn ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản có xu hướng tăng mạnh từnăm 1999 đến nay. Trong khi đó diện tích trồng lúa có xu thế giảm, diện tích lúa gia tăng chủ yếu là vụ thu đông. Sản xuất nông nghiệp trên đồng bằng được xem là đã đạt đến mức cao, diện tích đất nông nghiệp có xu thế giảm nếu không có chiến lược quản lý hữu hiệu do việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích khác, đô thị hóa và công nghiệp hóa.

3/ Tính đến tháng 4/2017 ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5 lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác